Sắc phong thần cho thân phụ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

09:05, 09/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong hàng trăm bản sắc phong thần của Triều Nguyễn được tìm thấy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều sắc ban cho các nhân thần, là những bậc công thần có công lao với quê hương, đất nước. Trong đó, có bản sắc phong thần cho ông Phạm Văn Nga - thân phụ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
 
[links()]
 
Ông Phạm Văn Nga từng ra Huế làm quan
 
Cho đến hiện nay, ít có tài liệu nào đề cập đến thân thế và sự nghiệp của ông Phạm Văn Nga. Có chăng cũng chỉ nêu: Theo các bậc cao niên ở Mộ Đức và những người trong gia tộc họ Phạm ở đây, ông Phạm Văn Nga thi đậu Cử nhân Hán học và làm quan dưới triều vua Duy Tân. Khi vua Duy Tân bị Pháp bắt và bị đưa đi đày thì ông Phạm Văn Nga trở về quê nhà làm nghề dạy học (bài của GS, TS. Phan Ngọc Liên và PGS, TS. Trịnh Đình Tùng, in trong sách “Phạm Văn Đồng - người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi”, Nxb Chính trị quốc gia, 2001).
 
Sắc phong thần cho ông Phạm Văn Nga.                           Ảnh: Đăng VŨ
Sắc phong thần cho ông Phạm Văn Nga. Ảnh: Đăng VŨ
Lần tìm trong phả hệ của họ Phạm, một số tài liệu chữ Hán còn lưu trữ và phần mộ của tộc họ Phạm tại xã Đức Tân (Mộ Đức), chúng tôi được thêm thông tin: Ông Phạm Văn Nga là người con thứ 7 (trong số 9 người con) của ông Phạm Văn (Công) Thức và bà Trần Thị Lương, là hậu duệ đời thứ 10 kể từ ông Phạm Văn Hiêu (bà con họ Phạm nhiều đời gọi là Hiều). Ông Phạm Văn Nga sinh và mất năm nào không rõ. Trên bia mộ cũng không có thông tin này, chỉ thấy ghi những người con phụng lập là:  Phạm Văn  Phúng (trưởng nam) cùng các con là Văn Cáo, Văn Ký, Văn Duy, Văn Khoái, Văn Đồng, Thị Chim, Thị Oanh phụng lập năm Giáp Thân - 1944.
 
Theo sách “Các nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi 1819 - 1918”, nhà nghiên cứu Cao Văn Chư có ghi: Chưa rõ năm sinh, năm mất của ông Phạm Văn Nga, chỉ biết ông Phạm Văn Nga đỗ Cử nhân khoa Giáp Thân -1884, tại Trường thi Hương Bình Định, xếp thứ 7 trong 18 người thi đỗ. Ông Nga ở nhà dạy học, sau được mời ra Huế làm quan, giữ chức Thừa biện Bộ Lễ, sau xin nghỉ về quê tiếp tục dạy học.
 
Đôi điều về bản thần sắc
 
Sắc thần phụng thờ ông Phạm Văn Nga dịch nghĩa là, sắc cho hai phái Thi Phổ Nhất, Thi Phổ Nhì, phủ Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi phụng thờ thần Quang Lộc Tự Khanh Phạm Văn Nga đại lang, từ lâu tỏ rõ linh ứng. Nay Trẫm gánh vác mệnh lớn, tưởng nhớ ơn thần, nên trước phong làm Thần Dực bảo Trung hưng Linh phù. Chuẩn cho phụng thờ, ngỏ hầu thần hãy giúp đỡ, che chở và bảo vệ dân ta. Kính thay! Ngày 15, tháng 8, năm Bảo Đại thứ 18 (1942). [Ấn] Sắc Mệnh Chi Bảo. 
 
Chính điện nhà thờ họ Phạm - nơi còn lưu giữ nhiều tài liệu Hán Nôm.  Ảnh: Đăng VŨ
Chính điện nhà thờ họ Phạm - nơi còn lưu giữ nhiều tài liệu Hán Nôm. Ảnh: Đăng VŨ
Nội dung bản sắc này cho biết ít nhiều về chức tước (cuối cùng) của ông Phạm Văn Nga, đó là Quang Lộc Tự Khanh. “Tự điển nhà Nguyễn” của Võ Hương An cho biết, theo quan chế của triều Nguyễn, Quang Lộc Tự là cơ quan độc lập, không thuộc bộ nào (trong lục bộ), Quan Lộc Tự Khanh là chức quan văn ở trật tòng Tam phẩm, đứng đầu Quang Lộc Tự. Vậy vì sao các tài liệu hiếm hoi có nhắc ông Phạm Văn Nga lại viết ông làm Thừa biện Bộ Lễ, hay trên trang Wikipedia về họ Phạm ở Việt Nam thì viết: Ông Phạm Văn Nga “từng làm tới chức Thị giảng Học sĩ (dạy học cho các hoàng tử), được phong hàm Tam phẩm Tham biện Nội các”?
 
Để giải đáp thắc mắc này, chúng tôi tìm về nhà thờ họ Phạm (hậu hiền làng Thi Phổ). Tại đây, chúng tôi tìm thấy nhiều tài liệu Hán Nôm rất giá trị, liên quan đến ông Phạm Văn Nga. Tại bản chế phong đề ngày 29 tháng 12 năm Duy Tân thứ 7 (1913), vua Duy Tân ban cho ông Phạm Văn Thức - thân phụ của ông Phạm Văn Nga, thì lúc bấy giờ ông Phạm Văn Nga đang lãnh chức Quang Lộc Tự Thiếu Khanh Tham biện Nội các sự vụ. Tại 2 bản chế phong (khác), đều đề ngày 10 tháng 5 năm Khải Định thứ 1 (1916), vua Khải Định ban cho ông Phạm Văn Thức và bà Trần Thị Lương, tức thân phụ và thân mẫu của ông Phạm Văn Nga, lúc này ông Phạm Văn Nga đã hưu trí, với chức quan là Quang Lộc Tự Khanh.
 
Từ 3 bản chế phong và sắc thần nói trên, có thể suy đoán vào đầu thời vua Duy Tân, ông Phạm Văn Nga làm Quang Lộc Tự Thiếu Khanh Tham biện Nội các sự vụ (chứ không phải Tham biện Bộ Lễ). Theo quan chế Nhà Nguyễn, thì chức quan này là chức quan thứ hai trong Quang Lộc Tự, có trật Tòng tứ phẩm. Vào cuối đời vua Duy Tân, ông Phạm Văn Nga được thăng làm Quang Lộc Tự Khanh, là chức quan đứng đầu Quang Lộc Tự, trật Tòng tam phẩm. Sang đầu thời Khải Định, ông Phạm Văn Nga đã nghỉ hưu.
 
Còn vì sao trên trang Wikipedia về họ Phạm lại ghi ông Phạm Văn Nga là Thị giảng Học sĩ hàm Tam phẩm Tham biện Nội các? Có lẽ những người viết  trang này nhầm lẫn. Dựa theo bản chế phong ban cho ông Phạm Văn Thức năm Khải Định thứ nhất - 1916, chúng ta có thể khẳng định về sự nhầm lẫn đó. Nội dung bản chế phong cho biết: Vì có con làm Quang Lộc Tự Khanh với trật Tòng tam phẩm, nên người cha - tức ông Phạm Văn Thức, được gia tặng là Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ. Theo “Đại Nam Hội điển sự lệ”, để sung ân cho các quan văn võ, từ thời Minh Mạng trở về sau, nhà vua quy định: Nếu người con có trật Tòng tam phẩm, thì người cha sẽ được tặng hàm Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ, người mẹ sẽ được tặng là Chánh tứ phẩm Cung nhân (trong bản chế phong cho bà Trần Thị Lượng - thân mẫu của ông Phạm Văn Nga, cũng đã được tặng phẩm hàm như vậy). Rõ ràng là, phẩm hàm Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ không phải là phẩm hàm được ban cho ông Phạm Văn Nga, mà cho cha ông - Phạm Văn Thức.
 
Về việc phong thần và cho hai phái Thi Phổ Nhất và Thi Phổ Nhì thờ phụng (tức bao gồm các làng/ấp/thôn thuộc xã Đức Tân và Đức Thạnh hiện nay, từng là Thi Phổ, năm 1908 chia ra làm Thi Phổ Nhất và Thi Phổ Nhì). Theo các tài liệu Hán Nôm mà chúng tôi vừa sưu tầm được, họ Phạm tại đây còn giữ 2 bản sắc phong thần. Bản sắc phong thần thứ nhất là bản sắc phong thần đề ngày 16 tháng 6 năm Khải Định thứ 10 (1925) cho ông Phạm Văn Hiêu - là thuỷ tổ, hậu hiền khai khẩn làng Thi Phổ và bản sắc thứ hai chính là bản sắc phong thần đề ngày 15 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 18 (1942) cho ông Phạm Văn Nga - cháu đời thứ 10 của ông Hiêu mà chúng ta đang đề cập. Việc được các triều vua phong thần cho 2 người trong cùng một họ, lại là hậu hiền nữa cũng là điều đặc biệt.
 
Việc giới thiệu bản thần sắc cho thờ phụng ông Phạm Văn Nga, cũng như việc cần tiếp tục nghiên cứu các tài liệu Hán Nôm còn lưu tại nhà thờ họ Phạm, theo chúng tôi đó là cách góp phần trong việc tìm hiểu thân thế, gia đình của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cũng là để hiểu hơn về lịch sử của một dòng họ có công trong việc khai hoang, lập ấp, về lịch sử- văn hoá của một vùng đất.
 
NGUYỄN  ĐĂNG VŨ
 
 
 

.