(Báo Quảng Ngãi)- Đó là cảm nhận trong tôi khi đọc tác phẩm "Tháp cát" của tác giả Trần Hữu Sơn. Anh hiện là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Trà Giang, Phó Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật tỉnh Quảng Ngãi.
Tập thơ "Tháp cát" được xem như một bức tranh tổng thể đầy những gam màu sáng, tối đan xen nhau, với đủ cung bậc cảm xúc. Mẹ là đề tài muôn thuở của thi ca, là suối nguồn bất tận của âm nhạc. Hình ảnh mẹ trong thơ Trần Hữu Sơn dễ làm cho chúng ta xúc động: "Nhường cơm, sẻ áo vì con trẻ/ Lặng lẽ thân gầy chẳng thở than" (Tình mẹ). Tình yêu thương của mẹ thì không ngôn từ nào diễn tả hết, đức hy sinh của mẹ lớn lao vô cùng: "Gót nứt da sần đầu búi cục/ Móng phèn lưng khụ áo tời nông" (Mẹ nhà nông). Nói về mẹ là nói về cuộc đời tần tảo sớm hôm, là nói đến sự chắt chiu lo cho con nên vóc nên hình. Trần Hữu Sơn không chỉ nói về công ơn của người mẹ từng "sinh thành, dưỡng dục", mà còn biểu lộ tình cảm của mình đối với người mẹ Âu Cơ: "... Mẹ dạy cho con/ Vững chèo trên biển/ Mẹ dạy cho con/ Chặt gỗ làm nhà/ Mẹ dạy cho con/ Đối diện phong ba/ Và dạy cách/ Bảo tồn sông núi..." (Ơn mẹ).
Với mạch nguồn cảm xúc dạt dào, với trường liên tưởng khá phong phú, mảng thơ tình của Trần Hữu Sơn luôn rạo rực yêu thương và xao xuyến lòng người: "Anh con thuyền lạc lõng giữa trùng khơi/ Em biển mặn suốt đời trong gang tấc..." (Hai nửa mùa đông). Và đôi khi mộng ước ngày xưa giờ còn đâu nữa, để rồi tác giả ngẩn ngơ buồn khi cánh nhạn bay xa: "Tôi đặt tình em mùa gió cát/ Khóc mối duyên hờ sớm dở dang" (Tiễn bóng người đi).
Hình ảnh quê hương được tác giả khắc họa qua những câu thơ hay và đầy mỹ cảm: "Gió rung cây khế sau nhà/ Màu hoa xoan rụng vỡ òa dấu xưa..." (Dấu quê xưa). Quê hương núi Ấn - sông Trà là cội nguồn yêu thương của những người con xứ Quảng: "Nắng rọi Ấn Sơn ngời tuấn kiệt/ Mây vờn Thiên Bút tạo duyên cơ" (Tình đất mẹ). Hai tiếng quê hương luôn khắc sâu trong tâm khảm của những người con xa xứ, nhưng rồi thời gian trôi qua vẫn mịt mờ tin nhạn, để cho người ở lại khắc khoải mong chờ: "Người đi khuất bóng tìm đâu nữa?/ Vọng cố nhân xa biệt cuối trời" (Thu vọng cố nhân). Tuổi thơ đầy kỷ niệm với cánh diều chao liệng trong gió được tác giả gợi lại với bao lung linh hoài niệm: "... Cánh diều em/ cạnh cánh diều tôi/ Em hồng thắm/ tôi màu xanh biển mặn..." (Cánh diều xưa).
Ngoài những đề tài về quê hương, đất nước, con người... thơ Trần Hữu Sơn còn tạo cho người đọc nhiều cảm xúc thăng hoa về tình yêu thiên nhiên, cuộc sống: "Thuyền trôi con nước la đà/ Trời xanh treo bóng trăng ngà.../ Chiều rơi! (Rừng chiều). Từ trước đến giờ, các thi nhân luôn chọn đề tài "tứ quý" để ký thác tâm sự của mình, Trần Hữu Sơn cũng vậy. Viết về mùa xuân tác giả bày tỏ nỗi lòng: "Nắng rủ hoa vàng dệt phố thơ/ Công viên áo mới dáng em chờ/ Đường thành rực rỡ hương xuân tỏ/ Ngõ phố rộn ràng sắc tết mơ..." (Bên cạnh mùa xuân).
Hay chút man mác buồn len lén tâm tư trong mùa hạ mới sang: "Buồn đem cột giữa bến sông xưa/ Lặng lẽ đò chiều sợi nắng đưa/ Sóng gợn trường giang bời mắt hạ/ Gió ru thềm cát lộng tình trưa..." (Hạ thương). Ngoài việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa một cách khéo léo, tác giả đã trải cảm xúc của mình trước vẻ đẹp mùa thu: "Lá vèo từng chiếc báo thu sang/ Núi khoác áo hoa lấm tấm vàng/ Gió hát du dương làn sóng gợn/ Suối ngân thánh thót khúc tình hoang..." (Sang thu). Cảm giác tung mùa của gió đông lại hiện về qua nét bút thấm đẫm suy tư, Trần Hữu Sơn đã viết nên những câu thơ trữ tình, hấp dẫn: "Nghe gió đông về gõ cửa/ Hàng dương như uống say mềm/ Bờ hoang tung mùa tóc xõa/Cõi trần say khướt ngả nghiêng..." (Đêm đông).
Tập thơ "Tháp cát" gồm có 90 bài thơ, trong đó có 26 bài thơ Đường luật, số còn lại là những bài thơ được viết theo thể tự do. Đối với những bài thơ Đường luật, Trần Hữu Sơn dành những cảm xúc thật thi vị cho việc gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình. Với bút pháp trữ tình và cách sử dụng những biện pháp tu từ khá nhuần nhuyễn, tập thơ "Tháp cát" để lại tình cảm sâu lắng trong lòng độc giả.
PHAN BÁ TRÌNH