(Báo Quảng Ngãi)- Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu đến năm 2030, du lịch Quảng Ngãi trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; khẳng định vị thế vững chắc của du lịch Quảng Ngãi trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đến năm 2050, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh. Đây không phải là mục tiêu khó, song để thúc đẩy ngành du lịch bứt phá đi lên, trở thành một “trụ cột” quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
[links()]
Những năm qua, du lịch Quảng Ngãi đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo báo cáo tổng kết Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XIX) về phát triển dịch vụ, du lịch, trong giai đoạn 2016 - 2019, tổng lượt khách đến Quảng Ngãi đạt trên 3,675 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 315 nghìn lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 3.400 tỷ đồng. Năm 2019, giải quyết việc làm cho khoảng 13,5 nghìn lao động, trong đó 4.500 lao động trực tiếp...
Riêng 2 năm (2020 - 2021), do tác động của dịch Covid-19 nên lượng khách và doanh thu ngành du lịch sụt giảm nghiêm trọng, trong đó năm 2021 chỉ có khoảng 300 nghìn lượt khách trong nước đến Quảng Ngãi, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước và có khoảng 3.440 lượt khách quốc tế, giảm 62%; tổng doanh thu ngành du lịch chỉ đạt 235 tỷ đồng, giảm 53%.
Bỏ qua nguyên nhân khách quan do tác động của đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch bị “thất thu”, thì cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, du lịch Quảng Ngãi vẫn còn đi sau nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Còn nhiều giá trị tài nguyên du lịch của tỉnh chưa được khai thác, hoặc khai thác chưa hiệu quả. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch còn hạn chế; nhiều dự án đăng ký đầu tư hạ tầng du lịch triển khai quá chậm. Các loại hình du lịch chậm phát triển, thiếu các sản phẩm du lịch khác biệt và các dịch vụ chất lượng cao để giữ chân du khách...
Phương án phát triển du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đơn vị tư vấn Quy hoạch tỉnh đưa ra là: Phát triển du lịch theo nguyên tắc phát triển bền vững, lấy tăng trưởng xanh làm phương thức phát triển, tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trưởng, tăng cường năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo hài hoà và phát triển bền vững.
|
Biển Ba Làng An, xã Bình Châu (Bình Sơn) là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: PV |
Bên cạnh đó, phát triển du lịch gắn với phát triển các loại hình dịch vụ, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của một số ngành, lĩnh vực khác. Ngoài ra, phát triển cân bằng giữa các vùng, miền. Biển, đảo là động lực, kết nối với các giá trị văn hóa, sinh thái, cảnh quan của khu vực miền núi... tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, riêng có so với các địa phương trong vùng.
Góp ý phản biện tại Hội thảo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, một số nhà khoa học đầu ngành, nhất là các chuyên gia về quy hoạch phát triển du lịch cho rằng, du lịch Quảng Ngãi đã đi sau các địa phương trong khu vực, lại thiếu một quy hoạch phù hợp thì rất khó phát triển, vươn tới đẳng cấp so với khu vực. Vì thế, du lịch phải tạo sự khác biệt, lấy hiệu quả, chất lượng làm hàng đầu. Trước tiên là phải định vị cho được hình ảnh du lịch của tỉnh cho từng giai đoạn phát triển để phấn đấu, đồng thời đánh giá đúng hiện trạng và khơi dậy tiềm năng, lợi thế để bứt phá đi lên.
Đặc biệt, đối với huyện đảo Lý Sơn, cần khôi phục lại những gì đặc sắc của đảo, tập trung xây dựng Lý Sơn trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp quốc tế, để tạo ra được "sự khác biệt" cho du lịch Quảng Ngãi. Nếu làm được điều đó thì Quảng Ngãi hoàn toàn có thể đưa du lịch thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn sớm hơn mục tiêu mà quy hoạch đề ra, là đến năm 2050.
PHẠM DANH