Sách là vốn quý

11:04, 24/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mọi thứ đều có thể cũ, riêng đối với sách thì luôn mới, mới với những ai chưa từng đọc. Với những người đã đọc thì có thể đọc đi đọc lại một cuốn sách để càng thêm thấm thía giá trị qua từng trang sách, chiêm nghiệm những điều hay được đúc kết. Đại văn hào người Nga M.Gorki từng nói: "Hãy yêu quý sách vì đó là nguồn gốc của mọi tri thức".
[links()]
 
Hạnh phúc giản đơn  
 
 Với những người đam mê đọc sách, có được cuốn sách mà mình mong ước đã là hạnh phúc. Cầm trên tay cuốn sách quý, họ đọc ngấu nghiến, quên cả ăn uống, quên cả thời gian. Thậm chí có người đọc sách rồi ngồi cười khúc khích. Mỗi một trang sách được lật qua, rồi đến trang sách mới với bao điều lý thú, hấp dẫn người đọc. Anh Nguyễn Duy Long (công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh), người nổi tiếng với đam mê sưu tầm sách, bảo rằng: Trăng sớm, đèn khuya, đọc đi, đọc lại, nghiền ngẫm từng câu, từng chữ, từng đoạn văn, từ đó suy ngẫm kỹ càng ý hay, điều lạ. Cuối cùng, lĩnh hội những tâm tư, những ẩn ý, những suy niệm vĩnh hằng chưa nói hết, còn lấp lửng, chìm ẩn ở những tầng bậc khác nhau trong câu chữ.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày.   ẢNH: PV
Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. ẢNH: PV
Với người đam mê sách như anh Long thì, hạnh phúc nào bằng khi mơ màng trong thế giới sách. Anh Long chia sẻ, sách lưu trữ tri thức về nếp sống xã hội, văn hóa dân tộc. Sách chứa việc đời, việc người, nỗi niềm mà con người thấm thía nếm trải. Đọc cho ta cơ hội thám hiểm những vùng đất xa xôi, nối kết với quá khứ, hiện tại và tương lai. Đọc sách như được cùng luận bàn với người bạn không quen, đưa ta đến với những tư tưởng thanh cao của các bậc hiền triết lắng kết qua bao đời. Có khoảnh khắc, lòng xúc động lạ thường, dường như mình hòa chung với trải nghiệm, cảm xúc... của tác giả và những gì cuốn sách chuyển tải trở thành một phần tri thức của ta.
 
Hôm rồi, anh Long mời chúng tôi đến thăm nhà, sẵn dịp giới thiệu những cuốn sách quý. Thật khó diễn tả cảm xúc khi lạc vào thế giới sách với trên 15 nghìn cuốn ở tất cả các thể loại mà anh Long đã cất công sưu tầm suốt mấy mươi năm qua, phải nói quá tuyệt vời, quá quý giá! Vị bác sĩ này sưu tầm sách chẳng phải để kinh doanh kiếm lời mà là cho thỏa đam mê. Cầm trên tay cuốn sách cũ viết về Quảng Ngãi, bạn tôi vui mừng như bắt được tài sản quý. Cô bạn này cũng là người đam mê đọc sách, bên cạnh thú vui tao nhã thì đọc sách để phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử. Cô lục tìm những cuốn sách từ xa xưa và ôm sách vào lòng, vui sướng reo lên. Thế mới nói sách càng cũ càng quý vì lẽ chưa được đọc, thậm chí là khao khát được đọc. Với những người yêu quý sách, mùi hương của sách thật nồng nàn, dễ chịu; sách cũ, sách mới in đều có mùi hương đặc trưng mà với những người đam mê đọc sách thì thích lắm mùi hương của sách. 
 
Anh Long cho biết, có những cuốn sách trị giá tiền tỷ, nhưng người ta không bán vì đó là cuốn sách duy nhất. Anh Long giải thích về một cuốn sách hội đủ các yếu tố "cổ, kỳ, quý, hiếm". Với giới chơi sách Việt, cuốn nào tuổi đời trên nửa thế kỷ tạm gọi là sách xưa. "Trong mỗi ngôi nhà, bức tường tô điểm điệu đà nhất chính là tủ sách. Học giả Gaius Plinius Secundus đã viết: Tôi đủng đỉnh tìm được một khoảng trời riêng. Trong những phút giây bầu bạn với đèn sách, tôi bỏ lại sau lưng những nỗi lo, những náo nhiệt ở đời thường. Sách an ủi và làm dịu bớt chán nản, ưu phiền. Sách là chỗ neo vịn khi gặp tai ương, nghịch cảnh...". Với tôi, sách là bạn, là vốn quý", anh Long trải lòng.  
 
Chuyện vui mượn sách
 
Đối với những người sành chơi sách, những cuốn sách đặc biệt phải bộ tứ mới đủ: Một để chưng, một để sài, một để cho mượn, một để tặng cho người mình cảm mến. Xoay quanh chuyện cho mượn sách cũng có lắm điều để bàn, ngẫm mà vui, âu cũng bởi sách là vốn quý. Có lần, tôi tình cờ đọc trên một tạp chí xưa về câu chuyện cho mượn sách, rằng: Phàm những ai trót dính vào nghề "chữ nghĩa" thì có nỗi khổ và niềm vui riêng liên quan đến cuốn sách. Vì chẳng ai có tất cả sách của thiên hạ nên mới có chuyện phải mượn sách của nhau. Và đã có mượn, tất có trả, thế mới gọi là "sòng phẳng". 
 
Tuy vậy, nhiều người mượn sách nhưng lại "quên trả". Đọc cuốn sách của một bậc chơi sách có hạng là cụ Vương Hồng Sển (Thú chơi sách, Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 1994) có chuyện kể rằng, có tên mới mua được bộ truyện 2 cuốn rất hay. Anh bạn nọ nghe tin liền đến mượn sách. Tên kia tiếc của lại xấu bụng nên có ý giấu một nửa và cho mượn có một cuốn sách. Anh nọ đọc thấy chuyện dứt khúc, tức mình nên không trả sách. Tên kia đến đòi, anh nọ trả lại nửa cuốn, xé cất đi nửa cuốn. Tên kia tức mình đi kiện. Quan huyện cho gọi cả hai tới và xử: "Thằng cho mượn thật là quá dại/ Mượn rồi trả, gẫm lại chẳng khôn/ Hai đàng đã tới nha môn/ Vậy thì nén lại, mà nghe ông xử/ Đánh vài chục, biểu sau đừng như vậy nữa". Có người còn bảo: "Cuốn sách cho mượn thường có số phận hẩm hiu, không mất thì cũng bị dày vò".
 
Kể chuyện vui thôi, chứ kỳ thực cho mượn sách cũng là điều tốt để lan tỏa văn hóa đọc, lan tỏa kiến thức, chỉ những người có đam mê mới mượn sách để đọc, nhưng đã mượn thì phải trả! Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư nhận định, tri thức của loài người nằm trong đầu óc, lâu ngày sẽ mất đi, bởi vậy viết sách là để lưu truyền tri thức, lưu lại cho đời sau. Nguồn tri thức đó đúc kết từ nhiều người, ở nhiều nơi, nhiều thế hệ, mà nếu tự ta đi tìm thì không bao giờ có được, bởi vậy phải tìm hiểu tri thức từ trong những cuốn sách. 
 
Ông Cao Văn Chư kể, lúc còn là sinh viên, tôi đọc nhiều sách để phục vụ việc học. Sau này, tôi đọc sách để phục vụ nghiên cứu. Hiện giờ tủ sách của gia đình cũng có vài ba nghìn cuốn, đủ các thể loại. Ngày trước, có nhiều cuốn sách hay, bán chạy, nên người bán sách "ém" hàng, người mua phải năn nỉ. Có những cuốn sách quý không mua được, chúng tôi phải chuyền tay nhau để đọc, nhất là những quyển sách thuộc vào hàng tuyệt tác. Sách tích hợp nhiều kiến thức rất quan trọng, bởi vậy hãy dành thời gian để đọc sách và hãy yêu quý sách!
 
MINH ANH
 
 
 

.