(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 4/2022, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng tròn 62 tuổi. Anh đã trải qua thời gian 40 năm nằm một chỗ, chống chọi với bạo bệnh. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã “tự đua tự đấu với chính mình” để giành giật từng giây phút sống, để khát khao những điều bình thường nhất “Cho tôi được tự tay mình rửa măt/ Tự mình đi đôi dép của mình” (Điều tôi ước) và vươn lên để có ích cho đời.
Bìa của tuyển tập thơ. Ảnh: B.A |
Đối với Cõi riêng, từ những đau thương của số phận, nhà thơ đã dần vượt lên để trở thành chú dế lửa ca vang những bài ca bất tận (Bài ca con dế lửa) và đầy ắp tin yêu: “Dù cho gió thảm mưa sầu/ Ngọn tâm đăng chẳng cạn dầu tin yêu” (Thắp đèn). Với Gia đình, nhà thơ đã viết những bài thơ về mẹ, cha và những người thân thuộc, nhất là những góc nhìn cụ thể, thiêng liêng về tình phụ mẫu: “Đời con mộng mị đêm dài/ chút hương tình rớt chút tài hoa rơi” (Dâng trà).
Với Bạn hữu, vì hoàn cảnh đặc biệt của mình, nhà thơ đã viết những câu thơ mang đầy nợ ân tình, nhất là nhưng câu thơ anh viết cho vợ chồng người bạn vong niên Xuân Anh - Thu Hà: “Gặp khi ta khỏe bạn mừng/ Trái trời ta ốm rưng rưng bạn buồn” (Lạy bạn). Với Kỷ niệm, thơ Nguyễn Ngọc Hưng đầy ắp những năm tháng từ tuổi bé thơ chăn trâu cắt cỏ ở đồng làng cho đến những ngày cùng bạn tung tăng cắp sách đến trường, rồi cả những kỷ niệm thời sinh viên thơ mộng với rập rờn biển sóng Quy Nhơn. Kỷ niệm thì bao giờ cũng vừa buồn vừa đẹp: “Ừ, năm tháng cứ hồn nhiên sông chảy/ Lỗi ai đâu mà vơ vẩn bắt đền” (Bắt đền ai). Với Tình yêu, đó là những lỡ làng vì lầm lẫn, là một vết thương tình yêu như “gió cứa” làm “rưng rưng” suốt cả bốn mùa: “Một vết thương lòng gió cứa/ Bốn mùa mưa nắng rưng rưng” (Tự xóa)...
Về sự Đồng cảm, lẽ ra với hoàn cảnh của mình, nhà thơ chờ người khác đồng cảm với mình, nhưng không, tâm hồn thơ đã nâng tầm Nguyễn Ngọc Hưng để vượt qua số phận bi thương, đồng cảm cùng những đớn đau của người khác. Đó là những “tiếng khóc từ cơn lũ quét” của trẻ thơ mất cha, mất mẹ; đồng cảm cùng những người phụ nữ quá lứa lỡ thì, vì những hoàn cảnh khác nhau không tìm ra mảnh ghép riêng mình: “Thuyền ai xa khuất ngàn dâu/ Ai còn ôm bến giang đầu nghe mưa” (Chiều đông lặng tiễn).
Về Quê hương, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã có những bài thơ đầy ắp yêu thương: “Đêm trừ tịch gió cùng ai thầm thì/ Xốn xang lòng lưu lạc nhớ quê xưa” (Trái tim phía cỏ). Đất nước trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng thấm sâu nỗi đau vì bao cuộc chiến tranh gieo đau thương, tang tóc, nhưng cũng rưng rưng bao niềm xúc động và lòng tự hào trước những mất mát, hy sinh để đất nước vẹn toàn: “Ôi Tổ quốc, trên ba ngàn mắt đảo/ Quyết không cho quân giặc thoát tầm nhìn/ Ngay cả lúc mịt mù sương che khuất/ Bấc cạn dầu, lấy máu thắp niềm tin” (Tiếng sóng vang biển trời Tổ quốc).
Đề tài Suy ngẫm là những đúc kết mang tính triết luận bằng thơ mà trong những tháng năm nằm một chỗ nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã rút ra rồi biến thành rung cảm, để vừa động viên mình, vừa để nói với đời những triết lý sâu xa: “Đã vui vẻ cho, sao còn sợ mất/ Người biết yêu thương ắt được đáp đền” (Thấp thoáng). Hướng sống là đề tài được Nguyễn Ngọc Hưng đặt sau cùng, cũng có nghĩa, đó vừa là hướng sống mà tác giả đã chọn trong những tháng năm qua, đồng thời cũng là hướng sống mà mình sẽ còn hướng đến cuối đời: “Bóng tối phủ màn đen lên mờ tỏ giấc mơ trăng vừa đủ lạnh/ Để mỗi sớm mai cầm hoa đỏ nắng xanh hoan hỉ tạ ơn đời” (Tạ ơn đời mỗi sớm mai).
“Tuyển tập thơ Nguyễn Ngọc Hưng” với 225 bài thơ tuyển chọn sau gần 40 năm cầm bút chính là lời “tạ ơn” của Nguyễn Ngọc Hưng đối với cuộc đời, quê hương, gia đình, bè bạn. Và đêm thơ - nhạc “Nghiêng bóng chiều vẫn râm mát trời quê” được tổ chức vừa qua là lời “tạ ơn” của cuộc đời, quê hương, bè bạn đối với những cống hiến của Nguyễn Ngọc Hưng cho nền thi ca của đất nước và quê hương.
MAI BÁ ẤN