Bảo tồn và phát huy giá trị di tích, văn hóa

06:04, 08/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Ba Tơ xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, huyện đã tăng cường công tác giữ gìn các giá trị văn hóa và kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các điểm đến để phát triển du lịch. 
[links()]
 
Hạt nhân bảo tồn làn điệu dân ca, nhạc cụ
 
Nói đến hạt nhân bảo tồn làn điệu dân ca, nhạc cụ của đồng bào Hrê, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Ba Tơ Lê Cao Đỉnh cho biết, toàn huyện chỉ còn lại 2 nghệ nhân. Đó là nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Kít (tên thường gọi là Đinh Klơi), ở thị trấn Ba Tơ và nghệ nhân Phạm Văn Sự, ở xã Ba Vinh. Những nghệ nhân này được xem là “cây cao bóng cả” trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống của người Hrê trong những năm qua.
 
Ông Phạm Văn Sự (bên phải), ở xã Ba Vinh (Ba Tơ), truyền dạy  dân ca, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Hrê cho thế hệ trẻ.
Ông Phạm Văn Sự (bên phải), ở xã Ba Vinh (Ba Tơ), truyền dạy dân ca, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Hrê cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Phạm Văn Sự năm nay đã 83 tuổi, là người tích cực truyền dạy làn điệu dân ca, nhạc cụ của đồng bào Hrê cho thế hệ trẻ. Ông Sự cho biết, từ nhỏ tôi đã mê các loại nhạc cụ, dân ca của đồng bào mình, nên những làn điệu này đã thấm sâu trong máu thịt tôi từ bao giờ chẳng rõ. “Ngày trước làm gì có dụng cụ để chế tác các loại đàn như bây giờ. Mỗi lần thích đàn là tôi vào núi kiếm cây, dây mây, cây trẫy về chế tác các loại đàn. Mỗi loại đàn lại tượng trưng cho mỗi làn điệu dân ca. Tôi yêu các làn điệu dân ca của đồng bào mình, nên mày mò chế tác các loại nhạc cụ”, ông Sự chia sẻ. 
 
Những năm qua, huyện Ba Tơ đã mở các lớp dạy dân ca, nhạc cụ và mời ông Sự dạy cho thế hệ trẻ. “Đến nay, nhiều thanh niên Hrê đã biết chơi các loại nhạc cụ của đồng bào mình. Đây là cơ sở để huyện bổ sung vào các sản phẩm văn hóa của đồng bào Hrê nhằm phát triển du lịch cộng đồng”, ông Đỉnh cho biết.
 
Kết nối phát triển du lịch
 
Bên cạnh những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Hrê, huyện Ba Tơ còn có các danh lam, thắng cảnh, nhiều thác đẹp nằm ẩn mình dưới những cánh rừng xanh, như thác Lũng Ồ (xã Ba Thành), Cao Muôn (xã Ba Vinh), Tà Manh (xã Ba Vì)... Ngoài ra, còn có các hồ nước với phong cảnh hữu tình, bốn mùa nước trong xanh như hồ Tôn Dung (thị trấn Ba Tơ), Núi Ngang (xã Ba Liên), hồ chứa nước Suối Loa (xã Ba Động). Huyện Ba Tơ còn có thảo nguyên Bùi Hui (xã Ba Trang), với những trảng cỏ kéo dài tuyệt đẹp, rất phù hợp với du khách thích đi phượt.
 
Đặc biệt, vùng đất Ba Tơ anh hùng đã đi vào sử sách qua sự kiện Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (ngày 11/3/1945). Những tên đất, tên làng ngày xưa giờ trở thành di tích lịch sử. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Địa điểm về Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ là Di tích Quốc gia đặc biệt, gồm 11 điểm di tích. Những năm qua, quần thể di tích và nhà trưng bày Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ đã phát huy giá trị, đón tiếp và phục vụ hàng vạn khách tham quan. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích cho biết, trên cơ sở tiềm năng văn hóa, giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, huyện đang xây dựng Đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa huyện Ba Tơ, giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Huyện sẽ lấy Di tích lịch sử Địa điểm về Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ làm hạt nhân để gắn kết phát triển du lịch. Năm 2022, bên cạnh tham mưu cho tỉnh trùng tu, nâng cấp, sửa chữa di tích, huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dịch vụ thiết yếu ở các thắng cảnh, nhất là kêu gọi đầu tư các hạng mục trên thảo nguyên Bùi Hui, các hồ, thác. Đồng thời, quy hoạch một số làng còn giữ nguyên giá trị văn hóa ẩm thực, làn điệu dân ca, nhạc cụ, nhà sàn của đồng bào Hrê, để phát triển du lịch cộng đồng.  
 
Bài, ảnh: A.NGUYỆT
 
 
 

.