Chan chứa tình quê

09:04, 04/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là thơ của nhà thơ Hồng Mão, nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam 2, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh. Đọc các tập thơ của ông, tôi bùi ngùi xúc động, bởi trong mỗi vần thơ là tình yêu quê hương da diết, lời thơ mộc mạc, gần gũi mà lắng sâu trong tâm hồn.  
 
Nhà thơ Hồng Mão tên thật là Nguyễn Hồng Mão, năm nay đã 92 tuổi, hiện sống ở TP.Quảng Ngãi. Ông là hội viên lớn tuổi nhất của Hội VH-NT tỉnh. Gần một thế kỷ của cuộc đời, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong ông luôn dạt dào tình yêu quê hương, đất nước. Chứng kiến nỗi đau thương mất mát bởi chiến tranh, rồi niềm vui tột cùng của toàn dân khi quê hương, đất nước được hoàn toàn giải phóng, mọi người, mọi nhà sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc... càng khiến cho hồn thơ của Hồng Mão da diết tình quê và đi vào lòng người một cách chân thành, sâu sắc.   
 
Một số tuyển tập của nhà thơ Hồng Mão.  Ảnh: PV
Một số tuyển tập của nhà thơ Hồng Mão. Ảnh: PV
Nhà thơ Hồng Mão sáng tác thơ từ rất sớm, nhưng vì công việc chuyên môn nên phải tạm gác. Đến khi nghỉ hưu, ông mới có dịp dành trọn tình yêu cho thơ ca. Tuyển tập thơ văn “Chút tình để lại” (xuất bản năm 2015), tập Trường ca “Tình quê đất Quảng” (xuất bản năm 2019) của nhà thơ Hồng Mão, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, đã mang đến cho bạn đọc hình ảnh quê hương Quảng Ngãi gần gũi, thân thương. Các bài thơ như “Khúc ruột miền Trung”, “Bến Tam Thương”, “Về lại với sông Trà”, “Về quê”, “Về Quảng Ngãi”, “Thành phố Quảng Ngãi trong tôi”... ghi dấu ấn về một trái tim tràn đầy tình yêu quê hương. 
 
Có người từng nói: “Thơ chỉ trào ra khi trong trái tim anh mọi thứ đã thật ứ đầy”. Thật vậy, chính những niềm thương, nỗi nhớ trào dâng ấy đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc để rồi nhà thơ Hồng Mão, một người con của Quảng Ngãi sống trên đất Bắc, đã viết nên những thi phẩm hay. Đọc những bài thơ ông viết trong những ngày đầu xa quê, ta mới thấy ông nhớ quê da diết: “Xa quê nhớ đĩa mắm mòi/ Khát đường Quảng Ngãi, men hơi rượu cần” (Nhớ Khu Năm). Bài thơ “Nhớ Khu Năm” được Hồng Mão viết vào năm 1957, những năm đầu tập kết ra Bắc, theo dạng hô bài chòi, là những kỷ niệm của ông về Quảng Ngãi những năm tháng khói lửa đau thương. Nỗi nhớ ấy luôn ám ảnh tâm thức ông, theo ông suốt cuộc đời: “Quê anh đó! Cá thài bai ẩn hiện/ Bát nước chè hai ngọt lịm tâm hồn/ Con bống, con don, hương đồng gió quyện/ Xao xuyến lòng người những chuyến đi xa... 
 
Đất anh hùng từng thấm máu cha ông/ Lê Trung Đình - Nguyễn Nghiêm - Nguyễn Chánh/ Niềm tự hào trên con đường cất cánh/ Đất của thơ ca, thắng cảnh, hoa hồng” (Quê anh - Quảng Ngãi). Bài thơ “Quê anh - Quảng Ngãi” đã khơi lại cả một dòng lịch sử và truyền thống đấu tranh dài theo năm tháng mà Quảng Ngãi đi qua. Để có cuộc sống như ngày hôm nay, nhân dân ta đã phải chịu nhiều đau khổ, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu của hàng triệu con người. Bài thơ ca ngợi đất và người Quảng Ngãi, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau phải biết trân trọng thành quả cách mạng, góp sức dựng xây quê hương để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của thế hệ cha ông. 
 
Đọc thơ Hồng Mão ta không thể không nôn nao một nỗi nhớ cố hương. Nỗi nhớ ấy như được chưng cất từ tâm cảm, tan chảy vào trong thơ. Đọc bài thơ “Về quê”, ta thấy tâm trạng trở lại quê hương của ông quyện chặt với những kỷ niệm khôn nguôi về một thời quá khứ nghèo khổ: “Con về cha khuất núi rồi/ Mẹ thân yêu đã về nơi vĩnh hằng/ Chị - Anh rời bỏ trần gian/ Mang theo bao nỗi nhọc nhằn khổ đau/ Buồn vương - một cánh chim trời/ Về quê - nhưng phải tìm nơi ngủ nhờ” (Về quê).
 
Bao năm tháng đi qua trong cuộc đời, hình ảnh quê hương thân thương cứ hiện lên lung linh trong thơ Hồng Mão. Quê hương là những chiều trên triền đê bên sông miên man những làn gió, là đêm trăng sáng thênh thang kéo vó bè với những khúc hát hố, bài chòi. Quê hương là những con đường rợp bóng lũy tre, là thuyền về trước bến... “Phiêu dạt mười phương/ Cuối đời - con lại về bến Tam Thương quê mẹ/ Trà Giang cạn dòng/ Nước thẫn thờ buồn trôi ra bể/ Một thoáng se lòng/ Ba chiều không gian quạnh quẽ... vấn vương/ Tam Thương... Tam Thương/ Đọng mãi trong tôi một giọt máu quê hương” (Bến Tam Thương).
 
Mới đây, tôi có dịp gặp nhà thơ Hồng Mão. Nghe ông kể lại câu chuyện thời kháng chiến, nghe những vần thơ da diết tình quê, đặc biệt là nỗi nhớ quê đến cồn cào trong những tháng năm ông công tác trên đất Bắc, rồi lại vào Nam, tôi càng thêm quý nhà thơ Hồng Mão - bậc cao niên vẫn cứ “dâng mật ngọt cho đời” qua những vần thơ, một hồn thơ mãi nặng tình quê!
 
PHẠM VĂN HOANH
 
 
 

.