(Báo Quảng Ngãi)- Một lần tình cờ trò chuyện với một người quen là con cháu của dòng họ Bùi Tá ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), chúng tôi nghe kể về ngôi mộ cổ vẫn còn in những dấu chân cọp. Đó là ngôi mộ của hậu duệ đời thứ 5 của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán.
[links()]
|
Một góc làng Thu Phổ xưa, nay thuộc phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi Ảnh: Bảo Hòa |
Lúc sinh thời, Bắc quân đô đốc, Trấn Quốc công Bùi Tá Hán (1496 - 1568) là người rất giỏi võ lẫn văn, am hiểu quân sự, văn hóa. Ông là người đã có công vỗ yên cả một vùng đất từ Quảng Nam cho đến một phần Phú Yên. Sau này, con cháu trong dòng họ thừa hưởng tài năng về văn, võ. Trong đó, có ông Bùi Phụ Triều (không rõ năm sinh) là hậu duệ đời thứ 5 của Bùi Tá Hán, rất giỏi võ và am hiểu về các bài thuốc. Ông Bùi Phụ Triều không ra làm quan mà ở nhà bốc thuốc chữa bệnh cho người dân.
Tương truyền rằng, trước đây, vùng Thu Phổ xưa (nay là phường Quảng Phú) vẫn còn rậm rạp, cọp thường xuống quấy phá cuộc sống người dân. Với tài nghệ giỏi võ của mình, ông Bùi Phụ Triều đã tìm cách diệt trừ để bảo vệ dân làng. Sau này, khi cụ Triều mất đi, con cọp còn lại đã tìm đến ngôi mộ vừa mới xây để trả thù, cho nên những dấu chân thú hoang vẫn còn in hằn trên nấm mộ.
|
Những dấu chân cọp vẫn còn in hằn trên ngôi mộ cổ cụ Bùi Phụ Triều. Ảnh: BẢO HÒA |
Để tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công lao của ông Bùi Phụ Triều đã diệt cọp để dân làng được yên, có người đã truy tặng bài thơ, dịch nghĩa như sau: "Nối trên sanh xuống chỉ mình ngài/ Sự nghiệp ngoài ra có mấy ai/ Xã tộc ngày nay đều con cháu/ Bia truyền miệng thế một không hai". Trên tấm bia khắc trước ngôi mộ của cụ Bùi Phụ Triều, tiền hiền tộc Bùi làng Thu Phổ, có đề cụ mất năm Minh Mạng thứ 14.
Người dân địa phương cho biết, trước đây, Quảng Phú có tên gọi là Thu Phổ, bởi vì làng nằm kề bên sông. Bến sông của làng vào mùa thu có khung cảnh rất đẹp. Còn khu vực bến sông phía trên lại có cảnh đẹp vào mùa xuân, nên có tên là Xuân Phổ. Có lẽ vì vậy mà người xưa đã lấy cảnh đẹp để đặt tên cho làng.
Chúng tôi thắc mắc tại sao cụ Bùi Phụ Triều là hậu duệ đời thứ 5 của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán nhưng lại không giữ họ Bùi Tá lại có họ Bùi Phụ. Ông Bùi Phụ Anh - Chủ tịch Hội đồng Bùi tộc Quảng Ngãi, Trưởng ban Quản trị tộc Bùi Quảng Phú, là cháu đời thứ 14 của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán cho biết, theo giải thích được nhiều người trong dòng họ đồng thuận trước đây, do chữ Tá bị phạm húy nên đến đời thứ 3 đổi từ Tá sang Phụ, cùng mang ý nghĩa là phụ tá. Sau này, khi hết thời phong kiến không còn phạm húy nữa thì con cháu trong dòng họ bàn nhau sửa lại tên. Tuy nhiên, vì thủ tục hành chính rắc rối nên có chi phái quyết định sửa lại tên, có chi phái thì không. Trong đó, có những gia đình sửa hoặc đặt tên cho con út mang Bùi Tá, còn những người lớn tuổi thì không sửa vì liên quan đến các loại thủ tục giấy tờ. Do đó, trong cùng dòng họ có người là họ Bùi Tá, có người là họ Bùi Phụ.
|
Ông Bùi Phụ Anh giới thiệu về cây phả hệ của dòng họ. Ảnh: BẢO HÒA |
Ông Bùi Phụ Anh cho biết thêm, nhiều người thường đến nhà thờ, lăng mộ để tìm hiểu, nghiên cứu những tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, hầu như ít người liên hệ để tìm hiểu về hậu duệ đời thứ 5 là cụ ông Bùi Phụ Triều. Vì thế, ông khá bất ngờ khi có khách đến hỏi thăm những thông tin về cụ Bùi Phụ Triều. Ngày nay, ngôi mộ ông Bùi Phụ Triều mà con cháu trong dòng họ vẫn thường gọi là mộ tổ nằm bên đường Nguyễn Chí Thanh, phường Quảng Phú. Con cháu tôn tạo lại khuôn viên nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng ngôi mộ cổ nhỏ còn in hằn dấu chân cọp, để gìn giữ câu chuyện lịch sử về cha ông mình. Cùng với lòng thành kính, ghi nhớ ơn đức của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, con cháu trong dòng họ vẫn luôn tưởng nhớ đến cụ Bùi Phụ Triều. Dòng họ Bùi Tá vẫn gìn giữ những nét truyền thống từ cha ông, học giỏi và nhiều người thành đạt, có những đóng góp quan trọng cho quê hương, đất nước.
Bảo Hòa