Truyện ngắn của
PHẠM VĂN HOANH
Khanh! Có phải em là Phạm Văn Khanh không?
Tôi đang lui cui lục tìm danh mục sách trong thư viện của tỉnh, nghe tiếng gọi, nhìn lên thấy cô giáo chủ nhiệm những năm học tiểu học, lòng mừng không thể tả, tôi cung kính chào:
- Dạ, em kính chào cô! Cô khỏe không, khi nay cô dạy ở trường nào ạ?
Cô giáo chủ nhiệm của tôi, vẫn giọng nói nhẹ nhàng, vẫn nụ cười thân thương như ngày nào.
- Cô nghỉ hưu rồi.
Nói xong, cô xoa đầu tôi xuýt xoa:
- Mới đó mà tóc bạc hết rồi.
- Dạ! Cũng đã hơn bốn mươi lăm năm rồi mà cô.
- Ồ, nhanh thật! Bây giờ em làm nghề gì, ở đâu?
- Dạ, em dạy học ở huyện.
- Khi nào có dịp đến nhà cô chơi nhé! Bây giờ cô có việc phải đi gấp.
- Dạ!
Vào một buổi sáng mùa thu sau giải phóng, bầu trời trong veo và xanh thẳm, những làn gió mát rượi thổi qua mặt, cha dẫn tôi tới trường nộp đơn xin cho tôi vào học lớp Một. Cô giáo chủ nhiệm cầm tờ giấy khai sinh của tôi nói:
- Cháu ghi tên em vào lớp Một B, lớp dành cho học sinh lớn tuổi. Chú đưa em đến xếp hàng ở lớp Một B, tí nữa có thầy cô xuống nhận lớp.
Cha tôi dẫn tôi đến xếp hàng, tôi ngơ ngác nhìn xung quanh. Tất cả học sinh im phăng phắc, chờ thầy cô đến gọi tên vào lớp.
Cô giáo chủ nhiệm từ trên văn phòng đi qua các lớp rồi dừng lại trước lớp Một B. Cô nhẹ nhàng nói:
- Cô chào các em. Các em chú ý nghe cô gọi tên vào lớp nhé!
Tôi hồi hộp chờ cô giáo gọi đến tên mình. Em Phạm Văn Khanh, tôi nghe mà cứ đứng như trời trồng, nước mắt ròng ròng. Thấy tôi khóc, cô chủ nhiệm xuống vỗ về nắm tay tôi dắt vào lớp. Lần đầu tiên tôi có cảm giác cô như một người mẹ hiền dìu dắt con qua những đoạn đường gập ghềnh đá sỏi. Tôi quay lại nhìn cha ở phía sau rồi từ từ bước theo cô giáo. Vào lớp rồi mà tim tôi vẫn đập thình thịch. Tôi cũng như nhiều bạn cùng lứa, trước đó chưa được đến trường dù đã lớn tuổi. Những năm tháng chiến tranh, chúng tôi chỉ được cha mẹ dạy chữ cái, tập đánh vần, tập đọc, tập làm toán trên những cái bảng gỗ to bằng ba bàn tay người lớn. Giờ chính thức bước vào trường học, nên lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi nhìn quanh lớp học thấy nhiều bạn cũng khóc.
Cô giáo chủ nhiệm khuyên:
- Các em đừng khóc nữa! Từ hôm nay các em là học sinh của trường. Cô trò mình cùng cố gắng để dạy tốt, học tốt, các em nhé!
Tôi và các bạn lau nước mắt, ngồi im phăng phắc.
Cô giáo chủ nhiệm phân công cán sự lớp, rồi dặn dò chúng tôi về những quy định chung của trường, của lớp, giờ giấc, thời khoá biểu. Cô dặn chúng tôi không được nói chuyện riêng trong lớp, phải tập trung nghe cô giảng bài. Chỗ nào các em chưa hiểu thì hỏi lại để cô giảng cho hiểu. Khi cần hỏi điều gì các em phải giơ tay. Cô cho phép mới được đứng lên trả lời. Khi trả lời phải thưa cô và xưng em chứ không xưng con như ở nhà với cha mẹ. Còn đối với bạn bè, nói năng với nhau nhỏ nhẹ, không được nói tục, chửi thề, không đánh nhau. Trong quá trình học, không để mực đổ ra sách vở, ra tay, ra quần áo. Sách vở phải bao bìa cẩn thận…
***
Cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi da trắng mịn, tóc dài xoã ngang lưng, giọng nói nhẹ như hơi gió ban mai. Cô dạy môn nào cũng lôi cuốn, học sinh đều chăm chú lắng nghe. Tôi thích nhất khi học môn Tiếng Việt, môn Đạo đức, cô thường kể về những tấm gương người tốt, việc tốt, có những câu chuyện đến bây giờ tôi vẫn không quên.
Cô dạy lớp chúng tôi hơn ba năm. Không chỉ có kiến thức trong sách vở, mà cô giáo dạy chúng tôi bài học làm người, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mỗi ngày đến trường với chúng tôi là một ngày vui. Năm chúng tôi học kỳ II của lớp Ba, một hôm cô giáo không đến lớp, có thầy giáo dạy thay. Nghe thầy giáo nói là cô chủ nhiệm cắt amidan, chúng tôi mặt buồn thiu. Thầy giáo bảo: “Cô giáo các em không sao đâu, vài bữa nữa cô lại đến lớp thôi mà!".
Hôm sau, lớp chúng tôi đi bộ đến nhà thăm cô giáo. Không đứa nào biết đường đến nhà cô, đi một đoạn lại hỏi thăm, vậy mà đứa nào cũng quyết tâm đến thăm cô cho bằng được. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà cô giáo. Nghe tiếng chúng tôi, cô chủ nhiệm bước ra. Thấy cô, chúng tôi mừng không thể tả, đứa nào cũng chạy đến bên cô.
- Thưa cô, nghe cô bị bệnh nên chúng em đến thăm. Chúng em kính biếu cô hộp sữa, cô uống cho khoẻ. Tôi lễ phép thưa.
Cô chủ nhiệm cầm hộp sữa trên tay mà hai mắt rơm rớm. Rồi cô dẫn chúng tôi vào nhà. Chúng tôi ngồi ngay ngắn vào ghế. Cô viết vào tờ giấy đưa cho tôi. Tôi cầm tờ giấy đọc cho các bạn nghe: “Cô cảm ơn các em rất nhiều! Các em có xin phép cha mẹ không? Lần sau nhớ không được đi thăm cô nữa, đi đường xa thế này rất nguy hiểm. Thương cô thì cố gắng học cho thật giỏi”.
Trong khi tôi đọc cho các bạn nghe, cô pha cho chúng tôi mỗi đứa một ly sữa và ghi vào tờ giấy: “Các em ra sau nhà rửa mặt rồi vào uống sữa, chờ cơm chín rồi ăn cơm với cô!”.
Ăn xong chúng tôi ngủ một giấc. Mở mắt ra thấy các bác xe thồ ngồi đợi. Chúng tôi chưa hiểu điều gì thì cô ghi vào giấy: “Các em lên xe, các bác chở về nhà”.
***
Cuối năm lớp Ba, còn một tuần nữa là đến ngày thi học kỳ, tôi bị ốm nặng, nằm viện hơn một tháng trời, nhớ lớp, nhớ trường, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè quá chừng.
Cô giáo chủ nhiệm đã đạp xe hàng chục cây số ra bệnh viện tỉnh thăm tôi. Cô mua cho tôi rất nhiều quà. Cô động viên tôi yên tâm chữa bệnh.
Khỏi bệnh tôi về nhà. Lúc này đã kết thúc năm học. Tôi cứ nghĩ chắc mình ở lại lớp nên buồn rười rượi. Cô giáo chủ nhiệm đến nhà động viên, dặn tôi ôn lại bài để giữa tháng tám thi lại. Cô thường đến nhà giảng lại cho tôi những bài toán khó. Tôi đã đạt điểm cao trong kỳ thi, thế là tôi được lên lớp Bốn.
Cô vẫn tiếp tục chủ nhiệm lớp chúng tôi cho đến năm lớp Bốn, nhưng cô chỉ dạy hết học kỳ I. Sau đó, cô chuyển lên dạy ở trường miền núi theo diện tăng cường. Hôm chia tay cô, lớp mua một ít bánh, kẹo tổ chức liên hoan. Cô trò nước mắt cứ rưng rưng. Từ dạo ấy, tôi ít có dịp gặp lại cô. Lâu lâu cô về thăm trường. Những lúc đó chúng tôi vây quanh cô hỏi thăm đủ chuyện, không khác gì những đứa trẻ gặp lại mẹ sau những ngày mẹ vắng nhà. Từ những ngày đầu cắp sách đến trường, cô giáo chủ nhiệm đã in đậm trong tâm trí tôi về hình ảnh người giáo viên tận tụy, yêu thương học trò. Về sau khi là giáo viên, cô giáo chủ nhiệm là tấm gương để tôi noi theo, từng ngày dạy cho học trò kiến thức trong sách vở và cả bài học làm người như ngày nào cô giáo đã dạy chúng tôi./.