Quê hương trong thơ Nguyễn Qua Truông

02:11, 29/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhà thơ Nguyễn Qua Truông, tên thật là Nguyễn Văn Phương, hiện ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi). Những bài thơ ông sáng tác luôn ấm áp tình quê khiến người yêu thơ thêm thương nhớ quê mình.
 
Nhà thơ Nguyễn Qua Truông là hội viên Hội VH-NT tỉnh. Từ thuở còn cắp sách đến trường, ông dùng thơ để giãi bày những cung bậc cảm xúc của mình. Nhưng vì mãi bươn chải mưu sinh nên phải đến sau năm 2001, ông mới lần lượt xuất bản 4 tập thơ.
 
Nhà thơ Nguyễn Qua Truông.             Ảnh: T.Ân
Nhà thơ Nguyễn Qua Truông. Ảnh: T.Ân
Quê hương luôn là mạch nguồn cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sĩ. Nhà thơ Nguyễn Qua Truông cũng vậy. Khi xuôi dòng Trà Giang, thấy người dân trồng trọt ở bãi bồi, những vườn rau xanh tươi hiện lên trong thơ Nguyễn Qua Truông với từ ngữ gần gũi, sâu lắng: “Xinh quá là xinh Trà Giang ơi/ Chiều xinh như mười tám đôi mươi/ Cây muốn đứng yên và lặng lẽ/ Mà sao lá cứ bật nên lời” (Trà Giang). Thơ Nguyễn Qua Truông có sự hoà quyện nhuần nhuyễn giữa truyền thống và cách tân, lắng đọng hồn quê trong tâm tưởng: “Người còn đây quán vù đâu mất/ Mái tơi mưa lặng sóng đầu rồng/ Mây huyền thoại bay về Thiên Bút/ Nhìn Ấn trời xanh cựa trên sông” (Quán Cơm).
 
“Đọc thơ Nguyễn Qua Truông, tôi nhận ra ngay một giọng điệu lạ cho dù đó là thơ lục bát hay tự do. Dẫu thế nào, thơ Nguyễn Qua Truông vẫn thể hiện triết lý nhân sinh và luôn dìu con người về với cội nguồn...”
Tiến sĩ MAI BÁ ẤN- Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh

Với tình yêu, niềm tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn, dù bận rộn với cuộc sống  mưu sinh, nhưng nỗi nhớ đồng đất quê hương luôn âm ỉ trong lòng nhà thơ Nguyễn Qua Truông: “Ta về làm hạt thơ gieo/ Xuống đồng Đá Dựng/ Ngàn năm nghiêng mình chào thẳng đứng/ Nước non thiêng (Bể bờ bao).

 
Qua sự chiêm nghiệm của bản thân, khi viết về nguồn cội, nhà thơ Nguyễn Qua Truông đã ghi dấu ấn riêng trong lòng độc giả với cách tiếp cận sâu sắc, ấn tượng: “Mẹ ban cho con tròn hai cánh mũi/ Ngực đọng khí trời thở bụi ra thơ/ Thơ mang mùi hương ẩn kỳ diệu lá/ Về qua mây nước sương khói xa mờ” (Hoa Ngâu).
 
Giữa dòng đời hối hả khiến tâm hồn nhà thơ không tránh khỏi những phút giây mệt mỏi. Những lúc như vậy, quê hương chính là nơi ông muốn tìm về neo đậu: "Bốn mươi năm/ Đường trầy bước trượt/ Đàn tình ngân tiếng không dây/ Ru một thời ngang dọc đông tây/ Chảy dài nam bắc/ Gió bụi thênh thang dặm nghìn phiêu bạt/ Quay về đậu mái nhà xưa” (Bốn mươi năm).
 
Thơ của Nguyễn Qua Truông luôn hướng về quê hương, nguồn cội. Ảnh: Trung Ân
Thơ của Nguyễn Qua Truông luôn hướng về quê hương, nguồn cội. Ảnh: Trung Ân
Nét mới trong thơ Nguyễn Qua Truông là những cụm thơ tự bản thân nó đã là triết lý nhân sinh. Ông dùng ngôn từ để vẽ lại những hiện thực bởi sự rung động của chính trái tim mình, để chất thơ níu giữ tâm hồn người đọc. Nhà thơ như gửi gắm tiếng lòng vào những vần thơ sâu nặng của núi rừng, của quê hương...
 
Đọc các tập thơ với cảm thức quê hương, người đọc có thể dễ dàng hình dung về những nét đặc trưng trong thơ Nguyễn Qua Truông. Tác giả muốn chuyển tải những sự vật, sự việc vào thơ. Có khi là sự pha trộn giữ hiện thực và những giấc mơ bay bổng, những ngôn từ, hình ảnh và cảm xúc hoà quyện để nói về chữ tình, chủ yếu là tình yêu quê hương mà chính nhà thơ được nuôi dưỡng và lớn lên qua năm tháng.
 
TRUNG ÂN
 
 
 
 

.