(Báo Quảng Ngãi)- Trong hàng trăm tài liệu chữ Hán còn lưu tại chùa Ông ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), có một tài liệu được viết cách đây hơn 140 năm phản ánh ít nhiều về một thời làng Minh Hương thuộc phố xưa Thu Xà từng liêu xiêu vì dịch bệnh và thuế khóa.
[links()]
Tờ bẩm thời Tự Đức là tờ bẩm của cựu Thuộc trưởng Phù Dụ Bản ở xã Minh Hương, tổng Nghĩa Hà, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa (nay thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) “cúi bẩm” về việc xin nhập sổ bạ cho những người Hoa ở xã Minh Hương (thuộc khu phố cổ Thu Xà xưa), vào ngày 28 tháng 3 năm Tự Đức thứ 33 (1880).
Tạm lược nội dung tờ bẩm này như sau: Vào các năm Tự Đức thứ 31 (1878) và 32 (1879), trong sổ bạ xã Minh Hương có tên 9 người chết do đói khát và nhiễm dịch bệnh, khiến việc nạp bạc trắng chưa được tiếp tục, sưu thuế không biết thu vào ở đâu. Nguyên trước đây, trong xã có nhiều người là dân ngoại tịch, từng phải đi phiêu tán nhiều nơi để tìm kế sinh nhai. Đến nay, có 9 người trở về, nên bản xã xin đem tên 9 người vừa mới trở về nhập vào sổ bạ để chịu nộp thuế thay 9 người đã chết. Cúi xin quan đại nhân Tỉnh đường các hạ xem xét phê chuẩn. Bản xã liệt kê tên tuổi 9 người đã chết và tên tuổi 9 người ngoại tịch xin được nhập vào sổ bạ để chịu thuế.
Theo Đồng Khánh địa dư chí được viết dưới thời Đồng Khánh (1885 - 1889), tức sau ít lâu so với tờ bẩm nêu trên, trong phần về tỉnh Quảng Ngãi, có ghi: Tổng Nghĩa Hà, huyện Chương Nghĩa có 17 xã, thôn, ấp, trong đó có 3 xã có người Hoa sinh sống, đó là xã Thu Sà (Xà), xã Minh Hương và xã Minh Hương tân thuộc.
Tờ bẩm của xã Minh Hương. ẢNH: ĐĂNG VŨ |
Vì sao gọi là Minh Hương (cựu) và Minh Hương tân thuộc, có thể tạm hiểu: Vào nửa đầu thế kỷ XVII, ở Trung Hoa có một lớp cư dân phiêu tán khắp nơi vì không thần phục nhà Thanh, đã trôi dạt vào vùng cửa Đại Cổ Lũy và lần theo dòng sông Phú Thọ đến định cư ở vùng đất ở ngã ba sông Vệ, sông Vực Hồng và sông Phú Thọ, lập nên làng Minh Hương. Sang giữa thế kỷ XIX, lại có lớp cư dân người Hoa thời nhà Thanh, tiếp tục đến buôn bán rồi định cư, lập nên làng mới, nên được gọi làng Tân Thanh, hay là làng (xã) Minh Hương tân thuộc. Đến năm 1884, chính quyền nhà Nguyễn đã cho người Pháp đặt bộ máy cai trị tại đây, nên vùng đất này được xem là vùng đất nhượng địa. Người Pháp đã mở thêm đường, quy hoạch lại phố xá của người Hoa (xen lẫn người Việt) nằm trong 3 xã Thu Sà, Minh Hương và Minh Hương tân thuộc và gọi chung là Thu Xà.
Văn bản Hán Nôm này nói về việc xin thay thế số nhân đinh bị chết (9 người) vì dịch bệnh và thay vào số nhân đinh bị chết đó là 9 nhân đinh từng phiêu tán trở về. Vậy, số nhân đinh đương thời của làng Minh Hương thời đó (cuối thời Tự Đức) là bao nhiêu? Mặt khác, vì văn bản chỉ nói về số nhân đinh, tức số đàn ông, trai tráng có trong sổ đinh để phải chịu thuế (từ 18 tuổi đến 59 tuổi), vậy dân số thực của người Minh Hương ở đây, lúc bấy giờ, là bao nhiêu, bao gồm cả người già, trẻ em, nhân đinh và phụ nữ?
Cho đến hiện nay chúng tôi chưa tìm thấy cuốn sổ bộ nào của xã Minh Hương (cựu) vào thời này, nên không thể nêu ra con số cụ thể về số nhân đinh, cũng như dân số của xã này. Nhưng, nếu lấy số nhân đinh nhân lên bốn lần, như cách nhiều người đã tạm tính để suy ra số dân thực tế, thì số dân làng Minh Hương bị tử vong vì dịch bệnh trong hai năm Tự Đức thứ 31 (1878) và Tự Đức 32 (1879) cũng có thể gấp bốn lần số nhân đinh trong độ tuổi phải chịu thuế bị tử vong.
Qua tờ bẩm, có thể thấy, chỉ trong hai trận dịch đó, riêng trong xã (làng) Minh Hương cựu đã có không ít người tử vong và không ít người từng liêu xiêu vì dịch bệnh lẫn đói nghèo. Nhưng đó mới chỉ là một xã Minh Hương cựu, còn xã Thu Sà (Xà), xã Minh Hương tân thuộc, là những làng xã mà người Hoa sinh sống là chủ yếu, thì sẽ có bao nhiêu người nữa tử vong vì dịch bệnh và phiêu tán?
Chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào còn lưu lại nói về câu chuyện đau buồn ở khu phố cổ này, hay của tỉnh Quảng Ngãi trong khoảng thời gian cuối thời Tự Đức. Tuy nhiên, ghi chép về thời Tự Đức trong Đại Nam thực lục nêu rõ: Chỉ riêng về chuyện tình hình dịch bệnh, vào thời vua Tự Đức trị vì (từ năm 1847 - 1883), có quá nhiều trận đại dịch diễn ra ở khắp cả nước, nếu không nói đây là thời kỳ dịch bệnh nặng nề nhất trong lịch sử Việt Nam.
Nặng nhất là vào các năm 1850, 1851, 1863, 1877, 1878, 1880, 1880, 1882, 1883. Riêng vào các năm tương đương với thời điểm nêu trong tài liệu Hán Nôm ở làng Minh Hương mà chúng tôi đề cập, trong các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, đã có hàng vạn người thiệt mạng vì dịch bệnh. Nặng nhất là ở Quảng Trị có 4.326 người tử vong vào năm Tự Đức thứ 31 (1878); ở Bình Định có 3.220 người tử vong vào năm Tự Đức 33 (1880)... Vì vậy, chuyện dịch bệnh, phiêu tán ở xã Minh Hương trong khoảng thời gian này cũng hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh tàn khốc đã được ghi trong chính sử.
TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ