Kỳ thú giếng nước cổ xưa

02:10, 27/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua rất lâu đời, những giếng cổ ở Quảng Ngãi nước vẫn trong vắt, ngọt thanh. Nhiều du khách cảm thấy thú vị khi được "mục sở thị" giếng nước cổ xưa.  
[links()]
 
Trên đảo Lý Sơn, qua các di chỉ khảo cổ Sa Huỳnh cho thấy cư dân cổ xưa đã sinh sống ven các con suối, các núi lửa, vì nơi đó có nguồn nước ngọt. Lớp người kế cận còn biết chọn vị trí có mạch nước để đào giếng, điển hình như giếng Chăm cổ trong quần thể di tích đền thờ Thiên Y A Na tại xóm Đông Yên, làng An Hải và giếng Bộng tại xóm Tây, giếng Xó La tại xóm Đông, làng An Vĩnh. 
 
Giếng cổ còn lại, ở xóm Nho Lâm, thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: PV
Giếng cổ còn lại, ở xóm Nho Lâm, thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: PV
Người Việt ra đảo Lý Sơn định cư từ đầu thế kỷ XVII cũng đã đào giếng lấy nước ngọt và định chế việc sử dụng nguồn nước trên đảo. Giếng thì có giếng chung của làng; giếng của nhà thờ tộc họ tiền hiền và giếng ở các xóm, lân để phục vụ sinh hoạt. Do nhu cầu sinh hoạt nên người dân Lý Sơn còn đào giếng riêng, nên ít khi dùng chung giếng nước của làng, của xóm lân cận. Ở đảo Lý Sơn có hàng nghìn giếng nước, tuy nhiên phần lớn nguồn nước tại các giếng này đều bị nhiễm mặn, nước không ngọt chỉ để tưới tiêu trong nông nghiệp. Riêng đối với giếng Xó La dưới chân núi Hòn Vung, thì nước ngọt trong vắt, quanh năm không cạn.    
 
Còn ở xóm Nho Lâm, thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi) cũng có giếng cổ được gọi là giếng Bộng, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong xóm.
 
Các bậc cao niên cho biết, giếng Bộng là giếng của một địa chủ dòng họ Nguyễn từ thời xa xưa xây dựng. Qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu mùa nắng mưa, nguồn nước giếng vẫn ngọt lành chưa cạn bao giờ. Ông Nguyễn Thịnh (89 tuổi), một người dân sinh sống cạnh giếng Bộng kể, trước đây khi chưa có nước máy, cả xóm này đều dùng nước giếng Bộng. Nước giếng này rất trong và ngọt. Người dân trong làng thường ra đây tắm gội, chị em phụ nữ thì vừa giặt quần áo vừa nói chuyện rôm rả. Trải qua các cuộc kháng chiến, giếng cổ này chưa lần nào bị hư hỏng vì bom đạn. Thành giếng trước kia được xây bằng đá tổ ong, nhưng vì sợ trẻ con ngã nên người dân trong làng đóng góp tiền để xây lại thành giếng và tráng xi măng xung quanh cho sạch đẹp hơn. Dưới giếng mọi người còn thả cá, thả ốc để nó ăn rêu, giữ cho nước trong hơn.
 
Gần giếng Bộng ở xã Tịnh Thiện còn có một giếng cổ khác, cũng tồn tại từ rất lâu đời. ông Phan Hơn, một người dân trong xóm, chia sẻ, giếng này có tên là giếng Cau, của một người địa chủ họ Trần xây dựng, ngày xưa người dân trong xóm cũng thường lấy nước giếng Cau về để uống. 
 
Ở Quảng Ngãi hiện vẫn còn nhiều giếng cổ, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đối với người dân, giếng cổ không đơn thuần là giếng để lấy nước phục vụ đời sống sinh hoạt, mà còn mang giá trị văn hóa, là nơi gắn với ký ức của nhiều thế hệ.
 
KIM TRANG - M.TUẤN 
 
 
 

.