Tre ơi...

07:08, 05/08/2021
.
*Truyện ngắn của Ý THU
 
(Báo Quảng Ngãi)- Ông Hai ngồi bần thần nhìn lũy tre sau nhà. Nhìn những thân tre ngà xoắn xuýt, đan cài vào nhau, ông Hai thở dài thườn thượt.
 
“Chúng bện vào nhau như thế, rồi mạnh mẽ vượt qua bao trận mưa lũ. Vậy mà giờ, sắp phải chặt bỏ đi cả rồi! Giá mà tui có thể bứng hết mấy gốc tre này để mang đi!”, ông Hai thở than với vợ.
 
Nhà ông Hai ở xóm Đồng Tre - một xóm nhỏ đất đai cằn cỗi chẳng có cây nào tươi tốt, ngoài tre. Vậy mà ông Hai vẫn thường tự hào khoe với bạn bè phương xa rằng: “Nghe tên xóm là biết số nhà rồi nghen. Dễ gì kiếm được chỗ nào toàn tre là tre như xóm tui”.
 
Tre ở quê ông Hai nhiều vô kể. Tre mọc trước sân, mọc sau nhà, tre trải dài khắp đầu làng cuối bãi... Chẳng biết tre thành hàng, thành lũy tự bao giờ, chỉ biết ở xứ Đồng Tre của ông Hai, nhà nào nhà nấy đều coi trọng cây tre, xem việc trồng, bảo vệ tre là điều đương nhiên như cơm ăn, nước uống, không bỏ được.
 
Nhà bà Chín Nhơn có lũy tre sau vườn. Con bà vừa ướm lời đòi chặt bỏ để xây nhà, bà Chín Nhơn liền gay gắt gạt đi. Nhà ông Năm Thương, vườn nhà đã bê tông hết trọi, nhưng ông vẫn thương nhớ trồng mớ tre trong chậu kiểng rồi ngày ngày mang ghế tre ra ngồi khề khà uống trà dưới bóng tre. Nhà ông Hai, tre giăng lối bốn bề nên lần nào quét lá, vợ ông cũng càm ràm đòi chặt bớt. Nhưng bà càm ràm hết hồi rồi thôi, vì bà hiểu chồng mình coi vườn tre như chân như tay, dễ gì chịu bỏ đi một phần.
 
Sống ở xứ sở của tre, nên người Đồng Tre khéo léo mưu sinh bằng nghề đan lát. Những chiếc rổ, nia, mủng... làm từ lạt tre dẻo dai trở thành sản phẩm đặc trưng của làng. Ông Hai vẫn thường tự hào kể rằng bà Ba bán cá ở chợ tỉnh - cách làng ông gần 60 cây số, nhưng năm nào cũng tìm ra tận nhà ông Hai để đặt rổ lồng đựng cá. “Bả bảo rổ lồng tre của xóm mình đan đều tăm tắp và dù dính nước liên miên, cũng không dễ gì hư”, ông Hai vẫn thường khoe với ông Năm Thương như thế trong mỗi buổi trà chiều.
 
Ông Hai thường vui về những điều “không giống ai”. Mùa gặt, thấy người làng mình cột bao lúa lại bằng những sợi lạt, chứ không phải là những sợi nilông đại trà như các làng khác, mắt ông Hai thế là chợt cay cay. Ông Hai lên phố, tình cờ thấy người thành phố dựng giàn trồng mướp bằng tre nơi góc vườn, ông xúc động và kể mãi với vợ.
 
Ông Hai yêu tre, yêu mảnh đất có bóng tre vướng vít, yêu âm thanh xào xạc của lá tre va vào nhau vào mỗi buổi trưa hè, yêu tiếng kêu chí chóe của bầy chim dồng dộc làm tổ treo lủng lẳng trên các ngọn tre... Vậy nên, khi hay tin xóm Đồng Tre của ông sắp phải di dời để nhường đất xây dựng nhà máy, lòng ông chợt như bức tường vôi bị thấm nước, cứ lở loang, bong tróc dần từng mảng... Bởi trong lòng người đàn ông đã sống gần trọn cuộc đời ở Đồng Tre ấy, nhà thì có thể dựng cái mới ở chỗ tái định cư, chứ những lũy tre cả trăm năm tuổi, có từ thời cha, thời ông, thì làm sao có thể trồng lại được.
 
Con ông Hai thấy cha mình buồn, liền thuê người đào một vài gốc tre già sau nhà rồi mang đi theo trong hành trình di cư. “Chỉ có thể mang đi bấy nhiêu thôi. Nơi ở mới chật chội, chứ không rộng rình như chỗ ở cũ, ba cũng đừng trồng tre dày đặc nữa nghen ba”, con trai ông Hai dặn dò cha mình. 
 
Đến nơi ở mới, ông Hai thường buồn với những điều không giống ai. Ông buồn khi những người ở làng cũ thì vẫn còn nguyên, mà tên làng của họ thì đã đổi thành “khu tái định cư 21”. “Tui ghét mấy con số. Nghe khô khan, xa lạ quá. Sao không là xóm Cựu Đồng Tre, Nguyên Đồng Tre hê”, ông Hai hóm hỉnh đùa với bạn, nhưng khuôn mặt thì buồn rười rượi.
 
Đến nơi ở mới, ông Hai thường buồn với những điều không giống ai. Thấy ánh nắng mặt trời rọi vào phòng khách, ông cũng lấy điều đó làm buồn. “Phải mà còn ở Đồng Tre, tre bao phủ tứ phía! Mát rượi! Chứ nào có nắng khô nắng khốc như vầy”, ông Hai thở dài. Rồi tới mùa gặt, thấy mọi người cột bao lúa bằng ni lông thay cho sợi lạt, ông Hai lại: “Phải mà còn ở Đồng Tre, nhà nhà chẻ lạt, thì đâu phải mua mấy sợi dây xanh đỏ như vầy”...
 
Đến nơi ở mới, ông Hai và mấy mươi hộ dân khác của xóm Đồng Tre mất luôn nghề cũ. Không còn tre để đan mủng, rổ... Những người già như ông Hai, ông Năm Thương, bà Chín Nhơn... chẳng còn rủng rỉnh đồng ra đồng vào như trước đây.
 
Không muốn trở thành gánh nặng của con cháu, ông Hai rủ mọi người trong làng cùng góp sức trồng tre để phục hồi lại nghề đan tre truyền thống. Ông vừa mở lời, lớp người lớn tuổi trong làng ai nấy đều nghe theo. Cứ thế, từng khoảnh đất trống, dọc hai bên đường, đất vườn... đều được người làng cắm tre lên đấy. Màu xanh của tre, dần lấp đầy màu đất cát pha xám ngắt ở nơi tái định cư.
 
Ngày ngày nhìn tre lớn lên, nét mặt ông Hai cũng dần tươi tỉnh. Ông không còn buồn với những điều không giống ai, không còn thở dài nhớ và kể về những ngày tháng ở Đồng Tre ngày trước. Thay vào đó là những câu chuyện lấp lánh hy vọng về “khu tái định cư 21” bây giờ và mai sau; về ngôi làng sửa soạn trở thành làng tre đan mới; về những người dù ngồi nhà cũng có công ăn việc làm ổn định mỗi ngày...
 
Không chỉ ông Hai, mà bà Chín Nhơn, ông Bốn Bình, bà Ba bán cá... ai nấy đều gieo trong lòng mình nỗi trông mong, ngóng đợi. Bà Chín Nhơn mong tre mau lớn để bà được trở lại với nghề cũ, thay vì phải lặn lội đạp xe đạp đi bán vé số sáng chiều. Ông Bốn Bình trông đứng trông ngồi đến ngày có tre để đan nia, đan rổ bán đặng có tiền phụ với con tiền chợ, tiền điện, đến tiền thuốc thang cho chính mình. Con ông Bốn Bình đi làm công nhân, lương ba cọc ba đồng, chỉ vừa đủ trang trải cho con ăn học. Vậy nên, nhìn con oằn lưng “gánh” thêm mình, ông thương đứt ruột mà không biết phải làm sao...
 
Khi những bụi tre ở khu tái định cư số 21 hãy còn chưa kịp thành hàng, thành lũy; khi những rổ lồng bằng tre của ông Hai, ông Năm Thương, ông Bốn Bình, bà Chín Nhơn mới chỉ bán ra thị trường với số lượng ít vì chưa đủ nguyên liệu..., thì mọi người nhận được tin làng mình lại sắp phải di dời lần thứ hai để nhường đất lại cho một tuyến đường huyết mạch đi qua.
 
“Mình tới đâu, là dự án “đuổi theo” tới đó. Hay là làng mình mai này dời tới chỗ mới, mình đừng gọi nó là Cựu Đồng Tre, Nguyên Đồng Tre nữa. Mình gọi nó là “Làng Dời” được không ông?”, ông Hai hóm hỉnh bông đùa bằng giọng buồn rười rượi.
 
Nghe ông Hai nói tới đâu, bà Chín Nhơn rơm rớm nước mắt tới đó: "Mấy nay bệnh khớp của tui tái phát. Giờ ngồi nhà đan rổ tre thì được, chứ tuổi này mà trở lại với nghề đi bán vé số, chắc tui không đi nổi, ông ơi".
 
Ông Bốn Bình ngó mông lung ra bụi tre hãy còn xanh mơn mởn trước nhà, rồi thở dài thườn thượt: " Thôi vậy là hết. Tôi sẽ chẳng còn tự lo cho mình tiền thuốc thang khám bệnh được nữa. Tre đã già, mà còn làm phiền măng mọc, măng lớn... khổ tâm lắm ông à!"
 
Ông Hai nghe những người bạn già tâm sự mà nẫu cả ruột gan. Buồn lắm, thương lắm nhưng ông lặng im để trong lòng, vì ông chẳng biết phải đáp lời thế nào...
 
Ngày mà nhà chuẩn bị dời đến khu ở mới lần thứ hai, con ông Hai không còn thấy ông Hai đòi bứng gốc tre mang đi nữa, cũng không còn nghe ông thở than về những ngày tháng phải xa lũy tre làng. Ông Hai bảo tuổi già như chuối chín cây, ông đâu còn thời gian để hết lần này đến lần nọ trồng tre và chờ tre thành hàng, thành lũy mãi được. Vậy nên, ông Hai chỉ giữ lại một chiếc mủng tre rồi dặn con nếu có xây nhà mới, thì hãy dành một góc thật trang trọng để ông có thể đóng khung rồi treo chiếc mủng tre ấy lên như một kỷ niệm...
 
Dặn dò con xong, ông Hai tưởng như cả một vườn tre vừa ào ạt trút hết lá trong lòng mình.../.
 

.