Nắng chiếu bên kia đồi

02:05, 06/05/2021
.
Truyện ngắn của BẢO HÒA
 
(Báo Quảng Ngãi)- Nếu những ký ức chẳng có gì là êm đềm, thì hãy biến nó thành động lực để ngày mai tốt đẹp hơn. Thanh từng suy nghĩ như vậy.
 
Miếng bắp nướng trong miệng Thanh bỗng trở nên nghẹn lại, khi người phụ nữ bán bắp chợt quát thật to:
 
-  Mày đi vô trong lột bắp cho tao.
 
Đứa nhỏ tầm 8, 9 tuổi mới đi học về, bỏ cặp xuống, chạy tới bao tải đựng bắp, ôm chừng chục trái thả xuống đất. Trái bắp to hơn bàn tay của nó, vỏ bắp lại dày, nó vội vàng nắm chặt lớp vỏ cố hết sức để bóc ra. Thằng nhỏ gồng tay định bẻ phần cùi bắp ra, thì bà mẹ giựt phăng trái bắp trên tay nó:
 
-  Mày ngu vừa phải thôi, làm lẹ lên để tao nướng.
 
-  Má nướng mấy trái kia đi, để đây con lột. Đứa nhỏ trả lời.
 
-  Mày ngu mà còn nói to, người ta mua 5, 6 trái bắp, đưa đây tao lột lẹ rồi nướng bán.
 
Cuộc đối thoại của hai mẹ con khiến Thanh thả trái bắp đang ăn giữa chừng xuống cái dĩa nhựa trên bàn. Nếu người ngoài nhìn vào chứng kiến cuộc nói chuyện chỉ toàn những lời to tiếng của người mẹ, kèm theo những lời cười cợt, đùa giỡn của những người hàng xóm xung quanh, “thôi cho nó nghỉ học về đi nướng bắp đi, mày nuôi nó chỉ tổ tốn cơm rồi sau này cũng giống thằng cha thôi”, có lẽ sẽ chẳng nghĩ đó là hai mẹ con. 
Thỉnh thoảng khi ghé qua đây mua bắp nướng, Thanh thấy thằng bé quẩn quanh bên xe bắp nướng của mẹ. Ba nó hiếm khi ra phụ vợ bán buôn. Xe bán bắp tại đầu hẻm của một xóm lao động nghèo, phần lớn họ làm nghề chạy ba gác, khiêng hàng thuê. Cuối giờ chiều, đàn ông lại tụ tập uống rượu. Còn những người phụ nữ dùng những đồng tiền lẻ nhàu nát để sơn móng tay, móng chân và nướng vào những trận bài bạc hơn là dành thời gian nấu những bữa cơm chiều cho gia đình. Những cuộc trò chuyện đính kèm những lời chửi thề là điều thường xuyên tại nơi này.
 
Người phụ nữ bán bắp có vẻ ngoài khắc khổ, khoác chiếc áo bạc thếch, ngồi quạt than liên tục để kịp nướng bắp bán cho người qua đường. Lúc đứng dậy trả tiền bắp nướng, chẳng hiểu sao Thanh buột miệng nói nhỏ với bà mẹ:
 
-  Nó không ngu mà chị chửi nó ngu hoài, nó ngu thiệt thì sao.
 
Bà mẹ đơ người ra trong giây lát nhìn Thanh. Giây phút ấy, Thanh không biết mình có nên xen vào cuộc nói chuyện của hai mẹ con chỉ thấy trong lòng chợt áy náy, thương thằng nhỏ phải chịu đựng những lời nói không hay từ mẹ nó.
 
***
Trên đường đi về, cuộc trò chuyện của hai mẹ con và lời nói của những người hàng xóm cứ khiến Thanh khó chịu, xốn xang trong lòng. Những ký ức chợt ùa về chực chờ như nước mắt Thanh cứ đợi có dịp òa ra để giải tỏa những cảm xúc đè nén lâu ngày. Mạnh mẽ đi qua bao tháng ngày, rốt cuộc Thanh cũng chỉ là cô gái yếu đuối, mỏng manh. Thanh dừng xe tại công viên gần nhà, nắng chiều vương trên hàng cây, xuyên qua những tán lá. Cô gái đưa tay ra hứng lấy, ánh nắng trôi tuột đi như trò chơi của Thanh những ngày còn nhỏ thiếu thốn.
 
Ngày ấy, chỉ cần mẹ con Thanh làm chậm điều gì, ba Thanh lại sẵn sàng xổ những tràng chửi to tiếng. Ly rượu ông rót sẵn, mồi chưa kịp bưng lên, ông đã la lối. Mâm cơm dọn ra, trong cơn say xỉn ông hất rơi loảng xoảng. Đôi khi, Thanh không hiểu tại sao mẹ có thể chịu đựng tính cách thất thường và sự nghiện rượu của ông suốt bao nhiêu năm qua. Những lúc ấy, Thanh lại nhìn về quả đồi trước nhà và ao ước mình sẽ vượt qua nó. Bên kia quả đồi là gì, cuộc sống có đổi thay và ấm êm hơn nơi Thanh đang ở. Thanh từng ao ước có lần mình lạc đường bên kia quả đồi để tránh khỏi những trận đòn say xỉn của cha. Thanh từng nghĩ cuộc sống nơi bản làng nhỏ khuất sau ngọn đồi là rào cản khiến nhiều người chỉ học đến cấp hai rồi ở nhà làm nương rẫy. Bản nhỏ hiu quạnh khiến những người đàn ông chỉ biết làm bạn với rượu. Những người chị gái họ của Thanh đã lần lượt nghỉ học, kết hôn, tiếp nối cuộc sống vốn dĩ đã trở thành bình thường như thế hệ những người bà, người mẹ nơi xóm nhỏ dưới chân đồi.
 
Mỗi buổi sáng đi học, nhìn mặt trời dần lên bên kia đồi, Thanh đặt ra quyết tâm mình phải tiếp tục học lên. Tiếp thêm nghị lực cho Thanh chính là ánh mắt tin tưởng của cô giáo chủ nhiệm khi Thanh bày tỏ muốn được vượt chặng đường xa băng qua quả đồi. Sáng hôm ấy, mẹ thức dậy sớm, nấu nồi xôi dẻo rồi gói lại. Mẹ siết tay thật chặt dặn dò Thanh, đi đi con, hãy học và lập nghiệp ở một nơi thật tốt hơn bản nhỏ đìu hiu này.
 
***
 
Và giờ Thanh đã ở đây, nơi phố thị sau những năm tháng vừa học, vừa đi làm phụ quán cơm, cộng với số tiền học bổng nhà trường đã giúp cô nữ sinh ở vùng sâu vùng xa tiếp tục theo đuổi việc học. Thanh chỉ có một việc đó là nỗ lực không ngừng để tiến về phía trước. Những lúc nghĩ lại, cô gái mạnh mẽ hay mộng mơ vẫn chưa quên ngày mình cưỡi chiếc xe đạp băng qua quả đồi, xuống đường lớn để đón xe đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ không người thân thích. Hành trang của Thanh chỉ là túi đựng sách vở cùng vài bộ quần áo cất vào góc giường tại ký túc xá. Tốt nghiệp đại học, một công ty nhận Thanh vào làm việc thông qua sự giới thiệu của nhà trường. Thanh đảm nhận phụ trách dây chuyền sản xuất chính của công ty. Mỗi tháng ngoài tiết kiệm chút đỉnh cho mình, Thanh đều gửi tiền về cho ba mẹ.
 
Thanh thấy đứa nhỏ đang ngồi phụ mẹ dọn dẹp đống vỏ bắp. Sau cuộc trò chuyện hỏi han, Thanh biết đứa nhỏ mới chỉ học lớp 2, chậm một lớp so với độ tuổi vì ba mẹ nó chuyển chỗ trọ khắp nơi, nên việc học bị gián đoạn. Nhớ lại lời những người hàng xóm nói với đứa nhỏ, Thanh vội khuyên:
 
-  Này em, khi người ta nói em nghỉ học, thì em chỉ có một việc đó là cố gắng học thật giỏi.
 
Đứa nhỏ nhìn Thanh như chừng hiểu ý, nhưng rồi nó trả lời:
 
-  Ba nói cho em nghỉ học để sáng bưng bún bò. Tối đi phụ quán hủ tiếu, cũng đủ kiếm tiền ăn qua ngày.
Ánh mắt trong trẻo, nhưng có phần già hơn tuổi của thằng bé cứ khiến Thanh dằn vặt mãi. Đứa nhỏ liệu lặp lại như ba mẹ nó, thiếu học, bám víu vào công việc bấp bênh, không có niềm tin vào ngày mai. Dù chẳng có mối quan hệ thân thích nào, Thanh chợt thương thằng bé như thương chính bản thân mình của ngày trước. Thanh chợt nghĩ hay là thời gian rảnh, mình chỉ cho thằng bé học bài, biết đâu mang đến niềm vui cho nó. Thanh lấy hết sự mạnh dạn đề nghị bà mẹ bán bắp nướng để mình kèm cho đứa nhỏ học. Bà mẹ tặc lưỡi khi thấy có người bỗng nhiên muốn "vác tù và hàng tổng". Sau mỗi giờ đi làm về, Thanh chỉ cho thằng nhỏ ôn lại bài, học thêm bài mới. Chừng hiểu bài, thằng bé thích thú, yêu thích việc học. Mỗi giờ chiều, nó lại trông chờ chị Thanh đến dạy học. Thằng bé tiến bộ lên từng ngày. Những lời phê của cô giáo trên trường khiến Thanh cảm thấy vui lây với kết quả của đứa nhỏ.
 
Những ngày ngồi chỉ thằng nhỏ học bài, Thanh cảm thấy những cuộc trò chuyện của hai mẹ con đã bớt cộc cằn. Những người hàng xóm thay vì dò xét, chỉ trỏ như ban đầu giờ xúi con mang vở ra ngồi gần để sẵn tiện chị Thanh chỉ bài cho học. Cái bàn nhựa nhỏ trong góc dành cho khách đến ngồi ăn bắp nướng hiển nhiên trở thành bàn học vào mỗi chiều. Những đứa nhỏ ríu rít như bầy chim non vây quanh Thanh, hồn nhiên cười đùa sau giờ học giữa xóm lao động nghèo. Bỗng dưng những cuộc đàn đúm nhậu nhẹt, hút thuốc dần tránh xa để mấy đứa nhỏ học bài.
 
***
 
Thanh xin nghỉ phép một tuần để trở về quê khi mẹ báo tin ba bị ốm. Hai mẹ con người bán bắp nướng nhất quyết đòi đi theo để về thăm nhà của Thanh. Chuyến xe rời khỏi phố thị, băng qua con đường xung quanh đồng lúa. Quả đồi phía xa dần hiện ra, đằng sau ấy là ngôi nhà Thanh từng lớn lên. Đứa nhỏ thoát ra khỏi không gian chật hẹp chen chúc tại xóm lao động nghèo ở phố thị thích thú, háo hức với cảnh đồng ruộng, cây cối. Còn Thanh chợt suy nghĩ về nơi mình từng chọn ra đi để đến với vùng đất mới. Điều bình thường của người này lại là điều thú vị đối với người kia. Trước đây, Thanh cứ nghĩ cuộc sống nghèo khó, quẩn quanh nơi xóm mình tại bởi quả đồi ngăn cách gây ra. Thế mà ngay chính giữa phố thị vẫn có những nơi bị “quả đồi” làm rào cản. Rốt cuộc chẳng phải những tia nắng lấp lánh phía xa cuốn Thanh về phía trước, mà chính những tia nắng trong lòng mới thực sự là động lực để Thanh mạnh mẽ hơn. Băng qua quả đồi, hay là chính Thanh đã băng qua những tư duy cũ kỹ lạc hậu nơi bản làng xa xôi để tìm con đường cho mình.
 
Ngôi nhà quen thuộc hiện ra trước mắt Thanh. Về già, ba Thanh lại dựa vào tấm lòng bao dung chăm sóc của mẹ Thanh, dù lúc trẻ không thể đếm hết những lần ông say xỉn, đánh mắng, la lối mẹ con Thanh vô cớ. Dáng vẻ ông hom hem gầy còm bởi ảnh hưởng của rượu tàn phá cơ thể. Biết Thanh về, ông ngồi trên ghế, ôm ngực đứng dậy, nhoẻn nụ cười chào con. Có lẽ cũng đã đến lúc Thanh mở lòng để quên đi những điều đã qua./.
 

.