Ấm tình những thửa ruộng chung của làng

04:08, 04/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Người Quảng Ngãi ngày trước thường dành phần nhiều diện tích ruộng đất làm của cải chung cho cả làng. Trên phần ruộng đất ấy, người làng cùng rủ nhau ra sức canh tác để có lúa bán, dùng làm chi phí phục vụ việc chung.
[links()]
Khi nói đến việc sở hữu ruộng đất ở Quảng Ngãi từ thời xa xưa đến trước khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, Giáo sư Nguyễn Đình Đầu đã từng nghiên cứu, ghi chép tỉ mỉ tại Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Quảng Ngãi (xuất bản năm 2010) rằng, ruộng đất ở Quảng Ngãi xưa chia ra thành công điền, công thổ và tư điền, tư thổ. Còn phần ruộng đất chung của mỗi làng được người xưa đặt tên là “bổn thôn điền, bổn thôn thổ”. 
Người dân làng Đồng Quýt (Bình Sơn) lưu giữ lại diện tích ruộng chung của làng để cùng canh tác và có tiền dùng vào việc chung.  Ảnh: Ý THU
Người dân làng Đồng Quýt (Bình Sơn) lưu giữ lại diện tích ruộng chung của làng để cùng canh tác và có tiền dùng vào việc chung. Ảnh: Ý THU
Những tưởng, điền thổ chung của làng sẽ được xếp vào mục công điền, công thổ. Nhưng hóa ra, công điền, công thổ là phần ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước, do quan chức nhà nước quản lý hoặc giao lại cho thôn xã quản lý và định kỳ phân phối cho dân. Còn “bổn thôn điền, bổn thôn thổ” thì thuộc về tư điền, tư thổ, là phần đất thuộc sở hữu riêng của làng xã. Điều này đã minh chứng rõ nét cho tinh thần “xã thôn tự trị” của nước ta ngày trước.
 
Là ruộng đất thuộc về tư điền, tư thổ, nhưng “bổn thôn điền, bổn thôn thổ” ở các làng quê Quảng Ngãi ngày trước lại mang giá trị sử dụng chung, chỉ để phục vụ cho tập thể chứ không riêng bất cứ cá nhân nào. Trong đó, đa số ưu tiên dùng vào mục đích khuyến học, tế tự...
 
Theo địa bạ lập năm Gia Long thứ 12 (1813), làng Long Phụng có 202 mẫu công điền, 376 mẫu tư điền (1 mẫu thời ấy là 4.970m2). Địa bạ năm 1813 không nói rõ trong số 376 mẫu tư điền này, phần ruộng đất chung của làng chiếm bao nhiêu. Song, thật đáng mừng là, hơn 100 năm sau, trong hương ước làng, người làng vẫn ghi chép rõ rằng phần ruộng đất chung mà làng gìn giữ vẫn còn lại 1 mẫu. Càng trân quý hơn, khi phần ruộng chung này được người làng Long Phụng chuyên sử dụng vào hoạt động khuyến học, gọi tên là ruộng khuyến học. Phần ruộng này hằng năm được đấu giá để lấy tiền phục vụ việc mua giấy viết, sách vở hạng tốt để cấp thưởng; trích dùng tu bổ trường và bàn ghế...
 
Lần giở hương ước các làng quê Quảng Ngãi là Nam An, Diên Niên, Thi Phổ Nhì, Diên Trường... vào năm 1937 - 1938, ta lại càng hình dung thêm được ý nghĩa của phần đất chung của làng. Tại làng Nam An, coi trọng việc tế tự, nên người làng dành 1 mẫu đất để đấu giá cho dân làm rồi thu lúa đặng bán lấy tiền dùng vào việc tế tự. Còn làng Diên Niên, kể từ năm Khải Định thứ 9, có trưng đất vườn chùa. Từ khi trưng dụng, người làng đã khai thác thành thổ, ước khoảng 1 mẫu rồi mang đi cho thuê mỗi năm 12 đồng dùng vào việc tế tự. Còn tại làng Thi Phổ Nhì, “bổn thôn điền, bổn thôn thổ” của làng được cấp phát làm ruộng thờ. Ruộng thờ ấy sẽ được phân phó cho dòng họ của các bậc hậu hiền trong làng nhận cấy cày, lấy lúa để có kinh phí thờ phụng.
 
Ngoài tự canh tác hoặc đấu giá để có kinh phí phục vụ cúng tế, nhiều làng quê xứ Quảng còn giao hẳn “bổn thôn điền, bổn thôn thổ” cho các chùa, nhà thờ canh tác để có chi phí tu bổ nhà chùa, nhà thờ. Như tại làng Diên Trường, Diên Khánh, hai làng có một chùa chung nên hằng năm đều giao ruộng của hai làng là 13 sào cho nhà chùa tự canh tác dùng vào việc cúng tế. Hai làng còn chung một sở Đạo đường, nên lại tiếp tục dành ra 1 mẫu 3 sào để sở Đạo đường canh tác, đặng có tiền tu bổ nhà thờ...
 
Tư liệu từ Đại Nam thực lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, sách Eonomie agricole de I'indochine của Yves Henry, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Quảng Ngãi của Giáo sư Ngô Đình Đầu... cho thấy, từ năm 1764 - 1930, ruộng đất của Quảng Ngãi từ 52.639 mẫu lên 108.800 mẫu. Diện tích ruộng đất canh tác tăng lên hơn gấp đôi, nhưng dân số lại tăng lên gần gấp 3. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, diện tích trồng lúa bình quân đầu người ngày càng giảm lại. Song, không vì vậy, mà người làng không duy trì “bổn thôn điền, bổn thôn thổ” dùng vào các việc nghĩa trong làng. Điều này đã được minh chứng rõ nét qua các hương ước làng từ năm 1937 - 1938 đã đề cập ở trên. Thế mới tỏ tường hơn, nét đẹp văn hóa, tinh thần cố kết cộng đồng trong các làng quê xứ Quảng ngày xưa. Dầu khó khăn, nhưng phần ruộng chung của làng thì vẫn luôn được dành riêng cho những việc tri ân tiền nhân, khuyến khích con cháu học hành...
 
Phát huy nét đẹp văn hóa ấy, một số ít làng quê xứ Quảng bây giờ vẫn còn gìn giữ và phát huy “bổn thôn điền, bổn thôn thổ”. Trong đó, phải kể đến một xóm nhỏ mang tên Đồng Quýt, nằm ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận (Bình Sơn). Trên thửa ruộng chung của xóm rộng 6.000m2, người làng chia nhau làm 2 tổ để cùng gách vác việc gieo sạ, chăm sóc. Số tiền bán ra sau khi thu hoạch nông sản sẽ được đóng góp vào công quỹ và cho những gia đình khó khăn trong xóm vay mượn không lãi suất... “Bổn thôn điền, bổn thôn thổ” dầu ở thời nào, cũng luôn mang lại ý nghĩa và chan chứa tinh thần tương thân tương ái như vậy!
 
ĐÔNG YÊN
 
 

.