Bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch

08:08, 14/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ nhiều năm qua, nhờ nhận thức được nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình nên đồng bào Ca Dong ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) đã động viên con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc. Xa hơn, họ muốn bảo tồn văn hóa của dân tộc mình để thu hút khách du lịch. 
[links()] 
 Đội văn nghệ xã Sơn Mùa (Sơn Tây) với những nhạc cụ truyền thống.  ẢNH: ĐINH QUANG
Đội văn nghệ xã Sơn Mùa (Sơn Tây) với những nhạc cụ truyền thống. ẢNH: ĐINH QUANG
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 3 âm lịch là đồng bào Ca Dong lại tổ chức lễ hội ăn trâu để tạ ơn trời đất đã phù hộ cho dân làng làm ăn được mùa lúa, khoai, không có dịch bệnh chết người. Dù vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, nhưng lễ hội ăn trâu của người Ca Dong ở huyện vùng cao Sơn Tây mang đậm bản sắc văn hóa riêng.
 
Dường như cuộc sống sinh hoạt của người Ca Dong ngày xưa được tái hiện lại trong lễ hội này. Cũng nhờ lễ hội này mà hàng trăm bộ chiêng quý của các làng được gìn giữ bảo tồn qua bao thế hệ. Như gia đình của già làng, nghệ nhân ưu tú Đinh Ka La hiện còn giữ hơn 10 chiếc chiêng quý để phục vụ lễ cúng ăn trâu, cúng mang nước hay lễ cưới. Từng có người hỏi mua trên chục triệu đồng một chiếc, nhưng gia đình ông vẫn không bán. 
Nghệ nhân Đinh Văn Khoăn với cây đàn brood.                       ẢNH: ĐINH QUANG
Nghệ nhân Đinh Văn Khoăn với cây đàn brood. ẢNH: ĐINH QUANG
Cho đến nay, Sơn Mùa là xã có nhiều nghệ nhân được công nhận nghệ nhân ưu tú. Trong đợt phong tặng năm 2020, xã vùng cao này vinh dự có 5 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân ưu tú. Đa số các nghệ nhân được phong tặng đều biết chơi nhiều nhạc cụ cổ truyền của người Ca Dong và nhiệt tình chỉ dạy cho lớp trẻ trong làng. Nghệ nhân ở trong làng dành thời gian truyền nghề cho lớp trẻ rất nhiệt tình và không nhận tiền bồi dưỡng. Nghệ nhân ưu tú Đinh Khoăng ở làng Tu La, chia sẻ, mình biết chơi đàn Brood, biết làm đàn nước, mình sẵn sàng chỉ cho các em trẻ biết cách chế tác và biểu diễn nhạc cụ mà không lấy tiền công.
 
Nhờ những nghệ nhân, già làng nhiệt tình với công tác bảo tồn gìn giữ văn hóa cổ truyền dân tộc nên ở Sơn Mùa đã hình thành đội văn nghệ của xã khá mạnh. Trong các cuộc hội diễn Liên hoan cồng Chiêng đàn và hát dân ca ở huyện và tỉnh, đội đều đoạt giải cao.
 
Là xã nằm trên con đường Đông Trường Sơn đi qua, nơi có nhiều thôn làng nhà sàn đẹp và có nhiều giá trị văn hóa cổ truyền của người Ca Dong. Nhận thấy những giá trị văn hóa có tiềm năng để phát triển du lịch, năm 2020 chính quyền địa phương đã đề nghị huyện và các sở, ngành cùng Ban Dân tộc tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm thành lập Câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa Ca Dong. Câu lạc bộ ra đời có nhiệm vụ truyền dạy hát dân ca, chế tác, sử dụng các nhạc cụ văn hóa cổ truyền của người Cà Dong cho lớp trẻ và xây dựng làng văn hóa truyền thống của người Ca Dong để phục vụ khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Trước mắt, xã tạo điều kiện cho các nghệ nhân đi tham quan học tập kinh nghiệm những mô hình bảo tồn văn hóa ở Kon Tum để nghệ nhân rút kinh nghiệm làm tốt hơn khi tham gia vào câu lạc bộ ở địa phương.
 
“Kế hoạch đã có, chúng tôi đang chờ dịch Covid-19 được kiểm soát trên địa bàn tỉnh sẽ chính thức ra mắt câu lạc bộ”, Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa Hà Phải bày tỏ.
 
Đinh Quang
 
 
 
 
 

.