Nơi từng đùm bọc người Quảng Ngãi ở kinh thành Huế

08:04, 22/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần 145 năm là Kinh đô của nước Việt Nam, Huế là vùng đất quy tụ tất cả giai tầng trong xã hội, từ quan lại, binh lính... cho đến đội ngũ dân thường. Chọn Huế làm “quê hương thứ hai”, nhu cầu kết nối, thắt chặt tình làng nghĩa xóm trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của không ít người xa hương lạc xứ lúc bấy giờ. Có lẽ, “Quảng Ngãi đồng châu hội” là hội đồng hương có mặt khá sớm trên đất Huế, để lại một dấu ấn vô cùng đậm nét.
 
Quảng Ngãi đồng châu hội là hội “không thuộc về tôn giáo”, một tổ chức “chính trị, xã hội, nghề nghiệp” có đầy đủ tư cách pháp nhân, được thừa nhận bởi chính quyền lúc bấy giờ, cơ cấu tổ chức chặt chẽ và có ngân sách riêng.
 
Khối đại đoàn kết cộng đồng
 
Hội Quảng Ngãi đồng châu ra đời không phải vì mục đích về kinh tế, không phục vụ lợi ích cá nhân, cốt yếu để xây dựng “khối đại đoàn kết cộng đồng”. Trong phần đầu của bản Điều lệ, các thành viên thống nhất hướng đến một lý tưởng chung, đó là gây tình liên lạc trong các hội viên và giúp đỡ người đồng châu bất kỳ lúc nào và tùy theo điều kiện của phổ. 
Bản tấu của bộ Lại về việc thành lập Quảng Ngãi đồng châu hội.
Bản tấu của bộ Lại về việc thành lập Quảng Ngãi đồng châu hội.
Hội viên của hội bao gồm 3 dạng hội viên: Danh dự hội viên, Ân nghĩa hội viên và Thực hành hội viên. Ân nghĩa hội viên được xác định là những người có lòng hảo tâm “biếu tặng” cho hội một số tiền, nhưng không đòi hỏi quyền lợi từ phổ. Thực hành hội viên là những hội viên được thừa hưởng quyền lợi trực tiếp từ phổ và chỉ có hàng quan viên mới đủ điều kiện vào được Thực hành hội viên. 
 
Theo quy định của hội, ban trị sự của hội tổng cộng có 7 người, với cơ cấu nhân sự như: Chánh Phổ trưởng, Phó Phổ trưởng, Chánh Thư ký, Phó Thư ký, Chánh Thủ quỹ, Phó Thủ quỹ, Kiểm sát. Nhiệm kỳ của ban trị sự có thời hạn 1 năm và được bầu thông qua “bỏ phiếu kín”. Hằng năm, Đại hội đồng tổ chức họp 1 lần, cụ thể là ngày Chủ nhật sau ngày Đông chí.
 
Căn cứ quyết định được ban hành vào ngày 16 tháng 3 năm 1935, Ban Trị sự Tạm thời của hội, gồm có: Nguyễn Hữu Tiễn (Chánh Phổ trưởng), Lưu Văn Mậu (Phó Phổ trưởng), Lưu Đức Phương (Chánh Thư ký), Nguyễn Tấn Lang (Phó Thư ký), Nguyễn Phú Phu (Chánh Thủ quỹ), Nguyễn Phú Hoán (Phó Thủ quỹ), Nguyễn Hữu Duyên (Kiểm sát). Có thể dễ dàng nhận thấy những cái tên đã rất quen thuộc trong danh sách ban Trị sự Tạm thời của Quảng Ngãi đồng châu hội. Đặc biệt hơn là, sự góp mặt của một trong những danh tướng khá nổi tiếng dưới hai triều vua cuối cùng của nhà Nguyễn, đó chính là Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn.
 
Nguyễn Hữu Tiễn là con trai của Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng và bà Đặng Thị Thạnh. Theo một số tư liệu cho biết, ông sinh vào năm 1884, tại Chánh Lộ, phủ Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Năm 1903, ông “sánh duyên” cùng Công chúa Nguyễn Phúc Hỷ Hỷ (Ngọc Sơn công chúa), con gái vua Đồng Khánh và bà Tiệp dư Hồ Thị Quy. Ông mất vào ngày 23 tháng 11 năm 1958, hưởng thọ 75 tuổi. Ngôi nhà vườn tuyệt đẹp nằm ở địa chỉ số 31, đường Nguyễn Chí Thanh (phường Phú Hiệp, TP.Huế) chính là phủ thờ của Công chúa Ngọc Sơn và Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn. Đây cũng là tư gia của ông Phan Thuận An - nhà nghiên cứu văn hóa Huế.
 
Quảng Ngãi đồng châu hội không phân biệt tuổi tác, sang hèn, ai muốn gia nhập hội thì làm đơn xin ông Chánh Hội trưởng và trình ban Trị sự xem xét. Hội không chấp nhận những thành phần nhân danh hội để mưu cầu chính trị, đả kích tôn giáo hoặc những ai đã can án tù tội thì nhất quyết không cho gia nhập. Về bổn phận, quyền lợi của hội viên. Căn cứ trên bảng lương và thu nhập của từng hội viên, Quảng Ngãi đồng châu hội quy định cụ thể số tiền nộp hội phí.
 
Những nghĩa cử nhân văn
 
Theo quy ước của hội, khi một người Quảng Ngãi bất kỳ đi đường mà chẳng may bị trộm cướp hoặc đau ốm hết tiền, không có tiền về lại quê hương thì ban Trị sự “phải cấp tiền” và cấp đủ số tiền chi phí ăn uống, tiền tàu xe. Đối với những người lao động nghèo, thu nhập thấp nếu bị bệnh thì hội phải lo liệu việc liên lạc với người nhà và hỗ trợ tiền thuốc thang. Trong trường hợp có người đồng châu qua đời tại Huế, thì hội sẽ đứng ra chu toàn việc mai táng. Có thể nói, đây là một “nghĩa cử” hết sức nhân văn, mà cho đến thời điểm hiện tại, giá trị của nó là điều mà không một ai có thể phủ nhận.
 
Quảng Ngãi đồng châu hội được hình thành dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, không áp đặt, không mang màu sắc tôn giáo, chính trị và hoàn toàn “phi lợi nhuận”. Đây là địa chỉ sinh hoạt của tất cả các hội viên; qua đó, gắn kết và hỗ trợ lúc khó khăn hoạn nạn, sẵn sàng đùm bọc lẫn nhau nơi đất khách quê người, trên tinh thần “ly hương bất ly tổ”.
 
Dẫu rằng, Quảng Ngãi đồng châu hội tồn tại trong một khoảng thời gian khá ngắn, nhưng có thể nói đây là dấu mốc vô cùng đặc biệt.
Ra đời năm 1935
 
Trong khoảng 30 năm đầu của thế kỷ XX, tiếp nối “mô hình” của Bắc Kỳ Châu phả hội, các tổ chức đồng hương ở miền Trung cũng lần lượt chính thức “chào đời”, như: “Quảng Nam đồng châu hội”, “Bình Định đồng châu hội”. Việc hình thành các châu phả đã góp phần tác động mạnh mẽ đến tất cả thành viên là những người sinh quán ở Quảng Ngãi, thường trú tại Huế. Qua đó, họ thấy rõ sự cần thiết để tiến tới thành lập một hội, nhóm trên cơ sở cam kết pháp lý chung. Trải qua một thời gian dài vận động, với sự hỗ trợ và tán dương tích cực của cụ Lưu Văn Mậu (Đề đốc Hộ thành), Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn, một hội đồng hương khác trên đất Huế mang tên “Quảng Ngãi Quan viên Đồng châu Tương tế phổ” được thành lập. Căn cứ bản “Tấu” của bộ Lại “về việc xin cho lập hội Quảng Ngãi quan viên đồng châu tương tế phổ”, thì Quảng Ngãi đồng châu hội được vua Bảo Đại và Khâm sứ chuẩn y, cho phép hoạt động vào năm 1935.
Đỗ Minh Điền
 
 
 
 
 
 

.