Nhớ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

04:04, 20/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba". Câu ca dao ấy đã ăn sâu vào trong tâm thức của người dân đất Việt. Ở Quảng Ngãi, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân lại hướng về đất Tổ, thắp nén tâm hương để nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với tấm lòng thành kính.
[links()]
Hằng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, hàng trăm hộ gia đình ở thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) lại tụ họp tại đình Lâm Sơn để dâng lễ vật, vọng cúng các vua Hùng và các bậc tiền hiền, hậu hiền. Trước ngày giỗ, người dân trong làng tạm gác việc đồng áng, lo quét dọn sân đình và chuẩn bị để tổ chức lễ trang nghiêm, chu đáo. 
Người dân thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) tập trung tại đình Lâm Sơn mùng 10 tháng 3 hằng năm để làm lễ cúng tổ tiên, các bậc thành hoàng có công lập làng, có công dựng nước.
Người dân thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) tập trung tại đình Lâm Sơn mùng 10 tháng 3 hằng năm để làm lễ cúng tổ tiên, các bậc thành hoàng có công lập làng, có công dựng nước.
Trưởng Ban Quản lý đình Lâm Sơn Đoàn Pháp Luật cho biết: Hơn 200 năm tồn tại, đình Lâm Sơn luôn là niềm tự hào của người dân địa phương, là nơi nâng cao tinh thần cố kết cộng đồng, giáo dục con cháu về truyền thống của cha ông và bảo tồn những di sản văn hoá của một vùng đất. Người dân quê tôi tổ chức lễ giỗ đúng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch để nhớ về tổ tiên, nguồn cội". 
 
Năm nào cũng vậy, bà Lê Thị Kim Thùy, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) đều sắp xếp công việc gia đình để về đình Lâm Sơn tham gia sửa soạn, chuẩn bị lo lễ cúng. “Cứ tới ngày này, dù có bận đến mấy, tôi cũng sắp xếp đưa con cháu về dự. Về với cội nguồn là niềm tự hào, thiêng liêng và cũng là thể hiện trách nhiệm của con cháu đời sau với công đức tiền nhân, với cha ông đã có công dựng xây đất nước”, bà Thùy bày tỏ.
 
Để chuẩn bị các lễ vật dâng cúng vua Hùng và các vị thành hoàng, các hộ dân trong xóm đóng góp tiền tùy theo điều kiện của mỗi nhà. Phụ nữ trong làng cùng nhau đi chợ mua các vật dụng chuẩn bị mâm cỗ. Thanh niên trai tráng thì dựng rạp, kê bàn ghế. Các vị cao niên chuẩn bị hương đèn, áo dài khăn đóng chỉnh tề. Khi những phẩm vật bàn soạn xong, phần nghi lễ được tổ chức rất trang nghiêm.
 
“Trong nghi thức lễ, những lời ghi nhớ công đức vua Hùng và các vị thần làng luôn được nhắc đến. Sau nghi lễ vọng bái của các vị cao niên, mỗi người dân trong làng đều đến các ban thờ để thắp hương bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên”, ông Luật chia sẻ. 
 
Cũng giống như người dân ở làng Phước Lâm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, người dân ở thôn 1, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) tụ họp tại dinh Bà để dâng lễ vật, vọng cúng các vua Hùng và các vị thần làng. Ông Trương Bình, thành viên quản lý tại dinh Bà, cho hay: “Năm nay, chúng tôi chuẩn bị lễ tươm tất hơn. Lễ cúng được tổ chức để bày tỏ lòng biết ơn trước công đức của vua Hùng và các vị thần làng. Trước đó, chúng tôi cũng thông báo cho con cháu họ tộc ở xa sắp xếp công việc về tham dự để chung vui với làng”.
 
Tại xã Bình Phú (Bình Sơn), dòng họ Vũ - Võ cũng tổ chức dâng hương nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, thể hiện lòng tri ân, nhớ ơn các vị vua Hùng đã có công dựng nước, nhớ ơn Bác Hồ và tổ tiên dòng họ đã mang đến một cuộc sống mới cho họ tộc. Ông Võ Văn Lợi, ở xã Bình Phú bộc bạch: Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, dòng họ Vũ - Võ giáo dục thế hệ con cháu về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", ra sức học tập, lao động để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
 
Không chỉ những địa phương trên, mà một số làng quê khác trong tỉnh cũng chọn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để tập hợp con cháu, tế lễ thần linh, tưởng nhớ công đức tiền nhân. Tấm lòng thành kính hôm nay như một chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại thể hiện lòng biết ơn, đề cao vai trò người có công với dân, với nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, mỗi người con đất Việt nói chung và người dân Quảng Ngãi nói riêng đang mang trong mình dòng máu Lạc Hồng luôn tự nhủ sẽ ra sức học tập, lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc... để xứng đáng với tổ tiên, với công lao của các vua Hùng như lời Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 
 

.