Tín ngưỡng thờ nữ thần trong tâm thức người Quảng

07:03, 14/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, Quảng Ngãi còn hàng trăm dinh, miếu thờ các nữ thần, được người dân quanh năm khói hương, cúng tế. Ấy chính là minh chứng cho tín ngưỡng thờ nữ thần vẫn luôn có sức sống bền bỉ qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian. 
[links()]
Trăm năm dinh, miếu còn đây
 
Lần giở sách “Các nữ thần Việt Nam”, tác giả Đỗ Thị Hảo - Mai Thị Ngọc Chúc thống kê rằng, cả nước Việt Nam có tới 75 nữ thần. Trong số 75 nữ thần ấy, người dân Quảng Ngãi đã và đang thờ cúng hầu như đầy đủ các nữ thần tại hàng trăm dinh, miếu, gồm: Thiên Y A Na, Ngũ Hành, Thủy Long, Tứ Vị Thánh Nương, Cửu Thiên Huyền Nữ, U Linh Xạ Nữ vương, Bà Chúa Yàng, Bà Chúa Ngọc, Linh Sơn Thánh Mẫu, Tây Vương Mẫu... 
Người dân Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) thường lui tới miếu Bà tại Định Tân để dâng hương cầu một năm thuận buồm xuôi gió trước khi đi biển.  Ảnh: Ý THU
Người dân Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) thường lui tới miếu Bà tại Định Tân để dâng hương cầu một năm thuận buồm xuôi gió trước khi đi biển. Ảnh: Ý THU
Người Quảng Ngãi gọi chung tất cả các Mẫu, các nữ thần đều là Bà. Trong đó, vị nữ thần được thờ phụng nhiều nhất là Ngũ Hành (gồm 5 nữ thần Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) và Thiên Y A Na (vị nữ thần của người Chăm, được người Việt tiếp biến, thờ cúng như vị thành hoàng làng). Tiêu biểu cho những điểm thờ Bà có thể kể đến điện Trường Bà ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng); dinh thờ Thiên Y A Na (Lý Sơn), dinh Bà ở xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi); miếu Bà Kỳ Tân ở xã Đức Lợi (Mộ Đức), dinh Thiên Y và Thủy Long bên cạnh cửa biển Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ)...
 
Ngoài thờ các nữ thần nói trên, người Quảng Ngãi còn thờ riêng một vị nữ thần mang tên Phạm Tiên Điều, hay còn gọi là Bà Roi. Theo nhiều ghi chép và truyền thuyết kể lại, bà Roi, sinh năm 1629, quê ở Lý Sơn, là thứ nữ của ông bà thủy tổ họ Phạm Văn - một trong các họ tộc tiền hiền đến khai khẩn đất Lý Sơn. Vào ngày rằm tháng 5 (âm lịch), năm 1645, bà Roi phát hiện giặc Tàu Ô đang đổ bộ vào đảo Lý Sơn nên đã vội chạy đi tìm cách báo cho dân làng. Nhưng không may, bà Roi bị giặc phát hiện và truy đuổi đến tận vũng Thầy Tu. Vì không muốn sa vào tay giặc, bà đã nhảy xuống biển tự vẫn. Người làng tiếc thương, mang bà về chôn cất rồi lập đền thờ và xem bà là vị phúc thần cho cả làng An Vĩnh (Lý Sơn). Hằng năm, ngoài tộc họ Phạm Văn đảm nhận việc tế tự tại miếu Bà Roi, còn có Ban Khánh tiết các lân Vĩnh Hòa, An Hòa cùng các bô lão, trai tráng... của các họ tộc tề tựu đông đủ.
75 nữ thần là những nữ tướng đã hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc; là những kỳ nữ đã khai dân lập ấp, truyền thụ các tri thức ngành nghề. Hay giản dị hơn, đó là những bà mẹ, người vợ, người chị đã có tài năng này, hoặc đức hạnh khác. Những cuộc đời thực đáng trân trọng ấy đều được nhân dân ghi nhớ, để rồi người dân đã vận dụng tư duy nghệ thuật để tưởng tượng ra những điều kỳ vĩ và nâng các bà, các chị lên thế giới thần linh. Để rồi các vua chúa, các triều đại sau này cũng công nhận và phong thần cho các vị nữ thần ấy, rồi các nhà nho học cũng chấp nhận và ghi sự tích của các vị thần ấy vào thần tích, thần phả...
Mãi kính cẩn, biết ơn
 
Biết ơn những nữ thần khai sáng, các thế hệ người Quảng hết lớp đến lớp luôn kính cẩn thờ cúng, khói hương và tổ chức đầy đủ lễ tế theo các lệ xuân thu nhị kỳ và theo ngày vía bà. 
Lễ Mộc Dục tẩy uế cho tượng Thánh Mẫu tại điện Trường Bà (Trà Bồng).  Ảnh: Ý THU
Lễ Mộc Dục tẩy uế cho tượng Thánh Mẫu tại điện Trường Bà (Trà Bồng). Ảnh: Ý THU
Tại điện Trường Bà, vào ngày 15 và 16.4 âm lịch, người dân ở thị trấn Trà Xuân, gồm cả người Việt và người Cor (Trà Bồng) cùng tổ chức lễ hội tại điện thờ này. Vào thời khắc giao thời giữa ngày 15 và 16, người dân nơi đây bày soạn các lễ vật gồm bò, heo và nhiều vật phẩm khác để cúng ngoài sân điện. Theo ghi chép tại Địa chí Quảng Ngãi, lễ tế ấy gọi là lễ ngoại đàn, là một lễ thức vốn được quy định trong các hương ước xưa tại các làng xã mà nay nhiều nơi đã mất.
 
Điều đáng quý nữa là, dù trải qua nhiều đổi thay của thời gian, nhưng việc tế tự tại điện Trường Bà vẫn giữ nguyên theo lễ thức bao gồm lễ yết, chánh tế. Vào ngày chánh tế, người dân Trà Xuân và vùng lân cận đều đến tham gia lễ tế. Kết thúc chánh tế, Ban tế tự cùng thực hiện lễ rước vong Bà.
 
Tại miếu Bà Kỳ Tân, ngoài tổ chức lễ vía Bà vào ngày 14.7 âm lịch, thì người dân còn kính cẩn tổ chức lễ hội Kỳ Yên vào tháng 9 âm lịch hằng năm. Theo Ban Tế tự miếu bà Kỳ Tân, lễ hội Kỳ Yên là đại lễ đối với người dân xã Đức Lợi. “Người dân chúng tôi luôn cố gắng thu xếp thời gian tham gia lễ hội. Bởi đây là dịp để chúng tôi tỏ lòng tôn kính đến nữ thần, chư vị thần linh... và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”, bà Nguyễn Thị Hường, ở xã Đức Lợi, bày tỏ.
 
Không chỉ quanh năm khói hương, người dân tại nhiều địa phương còn thành kính đóng góp kinh phí trùng tu, sửa chữa các dinh, miếu thờ Bà. Nhờ đó, những điểm thờ nữ thần như dinh thờ Thiên Y A Na ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn), dinh thờ Bà ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn), miếu Bà Kỳ Tân, xã Đức Lợi (Mộ Đức)... dù có tuổi đời mấy trăm năm, nhưng vẫn vững chãi “tựa sơn, nghinh thủy” cùng thời gian.
 
Ý THU
 
 

.