Gìn giữ nét riêng của làng

09:03, 04/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cây gạo sân đình trong tâm thức người Việt như “cọc tiêu” đánh dấu mỗi ngôi làng. Không ngoại lệ, cây gạo trong đình thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) qua bao nhiêu năm vẫn sừng sững, gắn bó với người dân nơi đây và được xem như "di sản" của làng. 
[links()]
Thôn Vĩnh An là một quần cư sống khép kín sau luỹ tre, chủ yếu làm nghề nông. Trong thôn có ngôi đình thờ Thần hoàng bổn xứ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, đồng thời là nơi sinh hoạt của dân làng. Trước đình làng có cây ba gạo cổ thụ. Bà Phạm Thị Quá (78 tuổi) cho biết: "Khi tôi lớn lên đã thấy cây gạo cao to như vậy rồi. Người dân nơi đây chẳng ai rõ cây gạo lớn lên trên đất này tự lúc nào, chỉ biết suốt bao năm qua cây vẫn sừng sững, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc".  
Đình Vĩnh An, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) được xây dựng từ sự đóng góp của nhân dân.
Đình Vĩnh An, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) được xây dựng từ sự đóng góp của nhân dân.
Theo các bậc cao niên, đình làng thôn Vĩnh An xây dựng cách đây hàng trăm năm, có lẽ cây gạo cũng chừng ấy năm tuổi. Trong kháng chiến chống Pháp, đình làng là nơi nuôi dưỡng các anh thương binh và cũng là nơi đưa tiễn các trai làng ra đi bảo vệ Tổ quốc... Xung quanh đình thôn Vĩnh An ngày đó có nhiều lô cốt và giao thông hào để quân ta ẩn nấp mỗi khi tấn công, phòng ngự bảo vệ xóm làng. Ngày ấy, dưới gốc cây gạo có một sân khấu được dựng để đoàn văn công biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội.
 
Từ nhiều đời nay, ngôi đình gắn bó với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Hằng năm, người dân tổ chức lễ Thanh minh tại đình làng với nhiều nghi thức để tưởng nhớ công đức của vị thành hoàng làng có công với nước, với dân. Hội làng diễn ra trong không khí nhộn nhịp với các nghi lễ tế thần theo đúng tập tục truyền thống của làng. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống, trình diễn nghệ thuật hát bài chòi, hát sắc bùa...
 
Phó Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh An Nguyễn Văn Tây cho biết: Ngôi đình bị sập do bom đạn của chiến tranh, chỉ còn lại nền và ba cây gạo. Đình làng là nét đẹp văn hóa truyền thống, bởi vậy người dân trong thôn và con em xa quê cùng chung tay đóng góp xây dựng lại ngôi đình. Đây là nơi củng cố các mối quan hệ cộng đồng, bảo tồn và phát huy những thuần phong mỹ tục của địa phương.
 
Hằng năm, cứ tháng Ba về, cây gạo trước sân đình ra hoa đỏ rực. Trong tâm thức của người dân, đây là cây thiêng nên bên gốc cây đặt một lư hương để mọi người đến cúng lạy, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh, phát triển trường tồn. Ba cây gạo luôn xanh tốt, uy nghi tọa lạc giữa xóm làng. Thân gốc dù già nua nhưng cứ mỗi độ xuân về lại tách vỏ bật chồi thay áo mới.
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 
 

.