(Báo Quảng Ngãi)- Khu bảo tồn di tích văn hóa Sa Huỳnh, ở thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) là nơi được kỳ vọng trở thành điểm nhấn trưng bày, tái hiện nền văn hóa cổ xưa của người Việt, kết nối với “Con đường di sản miền Trung”, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế... Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động vào năm 2017 đến nay, khu bảo tồn di tích này chưa phát huy giá trị một cách xứng tầm.
[links()]
Khung cảnh đìu hiu
Là "trái tim" của khu bảo tồn, song Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh lâu nay khá đìu hiu. Gọi là "nhà trưng bày" nhưng bên trong phần lớn là ảnh chụp quang cảnh. Còn những khu vực khai quật khảo cổ trơ trọi nền đất, không bảng chỉ dẫn. Ngay trên chính cái nôi vùng lõi của nền văn hóa Sa Huỳnh, nhiều người khi đến đây tham quan cũng cảm thấy thất vọng.
Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: TRÍ PHONG |
Cách nhà trưng bày 300m là di tích khảo cổ học Long Thạnh trên gò Ma Vương. Tại đây, hai hố khai quật có diện tích 223m2 và nhà bao che rộng 320m2 xây dựng ngay vị trí phát hiện Kho Chum Sa Huỳnh từ những năm 1909. Hố khai quật phía nam gò Ma Vương phục dựng 16 ngôi mộ táng của cư dân Sa Huỳnh. Hố khai quật phía bắc phục dựng tầng văn hóa Sa Huỳnh 3.000 năm trước.
Thế nhưng, bên trong di tích hố khai quật nhiều tầng đất nông, sâu được phục dựng bằng những mảnh gốm vụn vỡ xỉn màu, nằm rải rác. Tại đây không có bảng chỉ dẫn, không lời thuyết minh, mô tả.
Khu bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Sa Huỳnh xây dựng trên diện tích 20ha, có tổng vốn đầu tư gần 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay trung bình mỗi tháng khu di tích này chỉ có khoảng 50 - 100 lượt khách đến tham quan. Những người đến đây chủ yếu là giới nghiên cứu, học sinh, sinh viên, còn khách tham quan thì rất ít. Hơn nữa, do thiếu nhân lực, nên nhà trưng bày chỉ mở cửa vào các ngày làm việc, còn lại ngày nghỉ trong tuần không mở cửa phục vụ du khách.
Phó trưởng Phòng phụ trách Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh Huỳnh Chí Cường cho hay: Do không có nhân lực, cả khu này chỉ có tôi và một người bảo vệ làm tất cả mọi công việc từ bảo quản hiện vật đến thuyết minh cho du khách. Còn ngày nghỉ, nếu có khách đến tham quan liên hệ trước, bảo vệ đến mở cửa và hướng dẫn cho khách.
Phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
Anh Huỳnh Chí Cường bày tỏ: Chúng tôi mong muốn các cấp ngành có sự quan tâm đầu tư, đặc biệt là bổ sung thêm nhân lực để nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động khu bảo tồn di tích. Hiện tỉnh cũng đã có chủ trương mở một tuyến đường nối từ Quốc lộ 1 vào khu bảo tồn di tích, với số vốn đầu tư hơn 49 tỷ đồng. Hy vọng sau khi có con đường, di tích này sẽ bớt vắng vẻ hơn.
Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Nguyễn Viết Nghĩa cho biết: Hiện đơn vị chưa đảm bảo nhân lực nên chỉ có thể bố trí một cán bộ vào quản lý và hướng dẫn du khách. Để Khu bảo tồn di tích văn hóa Sa Huỳnh phát huy, gắn kết với việc phát triển du lịch, thì cần nâng cấp Di tích quốc gia Khảo cổ Sa Huỳnh thành di tích quốc gia đặc biệt.
Theo Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thì cần bảo tồn nguyên vẹn không gian đầm An Khê, là không gian sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Do đó, không gian đầm An Khê phải được đưa vào bản đồ khoanh vùng bảo vệ và cần khai quật khảo cổ, nhằm nâng cao giá trị về tính xác thực của di sản, hướng đến xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho di sản văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, đến nay di tích này vẫn chưa được công nhận, trong đó có nguyên nhân do vướng Dự án điện mặt trời tại đầm An Khê.
TRÍ PHONG