Trên đỉnh cực tây Tổ quốc

09:02, 16/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hạnh phúc vô bờ khi chúng tôi tận mắt chứng kiến cột mốc 0 nơi ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào. Cảm thức Tổ quốc nơi cực tây biên ải trên đỉnh Khoang La San thật khó diễn tả bằng lời nói hay con chữ.
 
Khi đứng trên đỉnh cực tây Tổ quốc và gặp những chủ nhân của vùng đất này, họ đã sống, đã giữ gìn từng tấc đất biên thùy, tôi cảm nhận rất rõ, đây là một trong những chuyến đi ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình.
 
Những người lính biên thùy
 
Chúng tôi đặt chân đến A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) vào buổi chiều tà, nắng biên ải phủ xuống những triền đồi vàng rực hoa dã quỳ. Trước những mái nhà hoa đào, hoa mận cũng bung sắc tạo nên khung cảnh biên ải tươi đẹp, thanh bình. Điểm trú chân qua đêm là Đồn Biên phòng A Pa Chải. Những người lính canh đất, giữ trời biên ải tiếp đón chúng tôi thắm đượm tình quân dân.  
Bia đá - nơi điểm dừng xe cho hành trình đi bộ xuyên rừng.  Ảnh: TRẦN MAI
Bia đá - nơi điểm dừng xe cho hành trình đi bộ xuyên rừng. Ảnh: TRẦN MAI
Giới thiệu sơ qua vùng đất này cho “người mới”, lãnh đạo đơn vị đầy tự hào khi nói về mốc biên giới ở cực tây Tổ quốc. Đỉnh Khoang La San nơi đặt mốc 0 với những người lính là vị trí thiêng liêng. Ngày nào đơn vị cũng cử chiến sĩ đi tuần tra dọc vùng biên thùy. Dĩ nhiên, điểm cuối cùng trong những đợt hành quân chính là cột mốc rất quan trọng này. “Cột mốc là nơi xác định vị trí biên giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, một tiếng gà gáy là ba nước cùng nghe. Nói đơn giản vậy để các anh chị thấy ý nghĩa rất to lớn của cột mốc nằm ở cực tây với chủ quyền Tổ quốc”, lãnh đạo đơn vị chia sẻ.
 
Nhiều năm qua, song song với nhiệm vụ bảo vệ biên thùy, Đồn Biên phòng A Pa Chải còn có nhiệm vụ đưa du khách tham quan mốc biên giới 0 này. Nghe chia sẻ của những người lính, tôi hiểu nơi ấy như cuộc sống của họ, có hy sinh cũng giữ vững từng tấc đất biên cương. Không những thế, mỗi người dân Việt Nam đến được với cột mốc biên giới là họ được các chiến sĩ gieo thêm niềm tự hào.
 
5 giờ sáng, khi tiếng kẻng vang lên, chúng tôi thức dậy và bắt đầu lên đường chinh phục đỉnh Khoang La San. Trung úy Mạnh được giao nhiệm vụ dẫn đoàn, mới 25 tuổi, nhưng đã có 3 năm làm nhiệm vụ dẫn du khách khắp mọi miền Tổ quốc lên đỉnh núi thiêng. Thuốc diệt côn trùng, áo ấm, mũ len, nước uống, lương khô... được trang bị đầy đủ. Đó là nhu yếu phẩm cần thiết, bởi hướng về phía đỉnh núi, mây giăng kín. Đứng dưới đơn vị mà cái lạnh tê buốt đôi tay, thì trên Khoang La San sẽ là lạnh cóng. 
Leo lên 600 bậc thang để đến với cột mốc 0 là điều tuyệt vời. Ảnh: TRẦN MAI
Leo lên 600 bậc thang để đến với cột mốc 0 là điều tuyệt vời. Ảnh: TRẦN MAI
Bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé là bản cực tây Tổ quốc, trước khi rẽ vào đường rừng chinh phục Khoang La San chúng tôi nhìn thấy cửa khẩu biên giới A Pa Chải chỉ cách khoảng 100m. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc giao thương đình trệ, cửa khẩu đìu hiu. Chiếc xe xuyên qua con đường rừng lởm chởm đá, trung úy Mạnh kể về những ngày căng thẳng này, đơn vị phải căng mình chống nhập cảnh bất hợp pháp. Quả thật, trên đường từ ngã ba Chung Chải rẽ vào con đường độc đạo hướng về cực tây có đến ba chốt gác với các lực lượng biên phòng, công an và y tế phối hợp chốt chặn.
 
Cuộc nói chuyện chưa đến hồi kết thì chiếc xe máy dừng lại tại một lán trại dã chiến của quân đội, cạnh đó là một tấm bia đá lớn ghi đầy đủ thông tin về cực tây Tổ quốc. Trong khi đêm qua chúng ta ngon giấc, những người lính biên phòng ở đây vẫn trắng đêm canh giữ trời tây, nghĩ đến đó lòng bỗng biết ơn những người lính nơi địa đầu Tổ quốc.
 
Chinh phục Khoang La San
 
Nhà báo Lê Đức Dục - báo Tuổi Trẻ gắn bó với biên giới phía Bắc hơn 20 năm qua, A Pa Chải nhiều lần đặt chân đến, nhưng lần nào ông cũng muốn lên đỉnh Khoang La San, với ông mỗi cột mốc biên cương, mỗi bài viết về biên giới là cách mà ông có thể đóng góp cho Tổ quốc. Chỉ cần lên Google gõ địa danh A Pa Chải sẽ thấy vô số bài viết của ông về vùng đất này, vậy mà ông bảo: “Cứ về lại nhớ, đến lại chẳng muốn về”. Chuyến đi này là lần thứ 4 ông chinh phục đỉnh Khoang La San, bởi vậy những kinh nghiệm và ký ức về nơi này với chúng tôi cực kỳ quý giá.  
Đứng nơi cột mốc 0 nhìn về Tổ quốc để cảm nhận đủ đầy Tổ quốc linh thiêng.  Ảnh: TRẦN MAI
Đứng nơi cột mốc 0 nhìn về Tổ quốc để cảm nhận đủ đầy Tổ quốc linh thiêng. Ảnh: TRẦN MAI
Lần đầu tiên ông chinh phục Khoang La San đã gần 15 năm, lúc đó đoàn của ông phải xuyên qua những lối mòn hành quân ẩn dưới tán rừng già, thung lũng mà những người lính biên phòng mở ra. “Thời điểm đó đi bộ 100%, phải ráng sức bám đoàn. Chỉ cần chậm chân là bị lạc ngay. Mỗi lần tôi trở lại nơi này, mọi thứ luôn tốt hơn trước. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho khu vực trọng yếu này rất nhiều. Điều ấy không chỉ tôi mà bất cứ ai quay lại đều hạnh phúc”, nhà báo Lê Đức Dục tâm sự.
 
Qua lời kể của ông, chúng tôi có thể hình dung được một thời khó khăn ở vùng đất này và hôm nay dù hành trình vượt 4,5km đường rừng và gần 600 bậc thang (dài gần 1km) để đến đỉnh Khoang La San được dự báo sẽ rất mệt cũng chẳng là gì so với chục năm về trước. Lối mòn hành quân ngày nào giờ là đường bê tông rộng khoảng 1,5m xuyên qua rừng già, những chiến sĩ biên phòng trở thành tay lái xe máy cự phách và bản lĩnh khi đủ bình tĩnh chở những người lớn tuổi đi trên con đường một bên vực thẳm, một bên đỉnh núi. Còn những người trẻ chúng tôi phải đi bộ, chinh phục từng đoạn dốc dựng ngược, chúng tôi hiểu được vì sao chỉ 4,5km mà phải mất 7 năm (2012 - 2018) cật lực xây dựng mới hoàn thành. Qua lời kể của người lính, để có con đường này, họ phải gùi từng bao cát, đá, xi măng, rồi mở đường cũng tránh đụng chạm đến rừng già... Con đường ấy đẫm mồ hôi để chúng ta đỡ vất vả khi đến đỉnh cực tây biên giới.
 
Cảnh sắc giữa rừng quá đỗi lung linh. Tổ quốc đẹp vô cùng. Có lẽ vì mải ngắm đất trời biên giới mà quên mất cái mệt mỏi của đôi chân. Gần một giờ lội bộ, chúng tôi cũng đến được điểm dừng chân, ngước lên gần 600 bậc thang cứ như thể đụng trời khi mây vờn che khuất quá nửa. Đứng ở điểm ấy, chúng tôi nhìn lại hành trình vừa trải qua mà tự thấy đôi chân mình cũng rắn rỏi, những thung lũng, quả đồi mờ xa phía dưới bỗng trở nên nhỏ bé và bằng phẳng. Thú thật, đến lúc đó tôi mới hiểu vì sao đồng bào Hà Nhì lại đặt tên chung cho toàn bộ địa danh này là A Pa Chải (tiếng Hà Nhì có nghĩa là vùng đất bằng phẳng).
 
Mốc 0 có sức mạnh vô hình, thúc giục chúng tôi nhanh chóng leo bậc thang thay vì nghỉ ngơi. Cứ nghỉ sẽ rất mệt, nhưng hóa ra gần 600 bậc thang ấy lại được chinh phục nhanh chóng. Có lẽ ai cũng muốn tận mắt nhìn thấy nơi ngã ba biên giới. “Đỉnh Khoang La San đây rồi”, tôi hét lên tạo thành một âm vang kéo dài giữa núi rừng. Bao mệt nhọc xua tan. 
Cột mốc 0 nơi cực tây biên giới là hành trình khó khăn nhất trong các điểm cực tây của Tổ quốc.  Ảnh: TRẦN MAI
Cột mốc 0 nơi cực tây biên giới là hành trình khó khăn nhất trong các điểm cực tây của Tổ quốc. Ảnh: TRẦN MAI
Điểm mốc số 0 ở độ cao 1.864m so với mặt nước biển, đứng đây có thể nhìn thấy tứ phía mà không bị bất kỳ ngọn núi nào che khuất. Tự hào thay khi chinh phục được điểm cực có đường đi khó khăn gian khổ nhất của Việt Nam. Điểm này nằm trên đỉnh núi Khoang La San là ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam - Lào  - Trung Quốc được các bên thống nhất cắm mốc vào ngày 27.6.2005. Cột mốc đẹp nhất Đông Dương này được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông mỗi cạnh dài 5m. Cột mốc hình lăng trụ, cao 2m tính từ chân đế ba cạnh, có ba mặt khắc tên và quốc huy của ba nước, mặt nào quay về hướng nào thì thuộc chủ quyền lãnh thổ nước đó.
 
Trong chuyến đi ấy, có một nhân vật đặc biệt là ông Nguyễn Văn Dũng - nhà văn, võ sư karate huyền đai đệ nhất đẳng. Ông Dũng nguyên là trưởng tràng hệ phái Suzucho Karate-do, được biết đến là đại tôn sư trong võ đạo Việt Nam với võ đường Nghĩa Dũng Karate-do đào tạo hơn 1 triệu môn đồ khắp thế giới. Những học trò của ông có cả giáo sư, tiến sĩ, chính khách và võ sư karate-do ở khắp mọi miền Tổ quốc. Đã đi nhiều nước, nhưng ông vẫn thốt lên: “Chẳng nơi nào tôi đặt chân đến lại đẹp như Tổ quốc mình, cột mốc này chứng minh cho sự trường tồn của đất nước ta”. Rồi ông nói với học trò mình rằng ở tuổi 82, ông đã có một hành trình quá ý nghĩa...
 
Quốc kỳ tung bay ở cực tây Tổ quốc  
Ngôi nhà của ông Lỳ Na Na nơi cực tây biên ải luôn hiện diện lá cờ đỏ sao vàng tung bay.                  Ảnh: TRẦN MAI
Ngôi nhà của ông Lỳ Na Na nơi cực tây biên ải luôn hiện diện lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Ảnh: TRẦN MAI
Ngôi nhà nằm cuối cùng ở cực tây Tổ quốc ngay cạnh đường lên đỉnh Khoang La San. Chủ nhân là ông Lỳ Na Na - một người Hà Nhì. Nhà ông lúc nào cũng treo cờ Tổ quốc trước ngõ. Quả thật giữa xanh hút biên viễn này, lá cờ đỏ sao vàng như một chấm đỏ cô đơn. Nhưng cái chấm đỏ ấy sao mà tha thiết đến vậy. Cảm giác ấy y hệt như lúc tôi đi Trường Sa, trên nền biển xanh thẳm bỗng xuất hiện một tàu cá tung bay cờ đỏ sao vàng tự khắc trong mỗi người hiểu Tổ quốc đang hiện diện. Lá cờ ở nhà ông Lỳ Na Na là khái quát cho hình hài Tổ quốc trong lòng dân, thế trận bền chặt ấy là phên dậu trường tồn mãi mãi.
 
Ông Lỳ Na Na nguyên là Bí thư chi bộ bản Tả Miếu, nay ông giữ chức trưởng bản, trong nhà ông cái gì có thể thiếu, nhưng cờ Tổ quốc thì luôn phải treo trước nhà. Con trai ông Na tên Lỳ Xuân Hà cũng là một nhân vật đặc biệt ở cực tây, chàng trai trẻ đang học năm 3 Trường Đại học Việt Trì. Với ông Na nói riêng và người Hà Nhì ở miền cực tây nói chung, thế hệ của Hà sẽ tiếp thêm sức mạnh để miền biên viễn đổi thay.

TRẦN MAI

 

.