"Có con chim non líu lo sớm xuân nay"

09:02, 16/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là ca từ mở đầu xuyên suốt cho cả bài hát “Quảng Ngãi quê em sớm xuân nay” của nhạc sĩ Ánh Dương viết vào mùa xuân năm 1975 để tặng cho quê hương Quảng Ngãi - quê hương người vợ thân yêu của mình.
 
Cuối tháng 3 năm 1975, quân và dân  ta đã giải phóng các tỉnh Tây Nguyên. Cùng với các đoàn quân rầm rập tiến về Sài Gòn là những cảm xúc vô bờ cho các nhạc sĩ viết về cuộc tổng tấn công thần kỳ để chuẩn bị giải phóng hoàn toàn miền Nam.  
Nhạc sĩ Ánh Dương (trái) với người bạn cùng thời.      ẢNH: NVCC
Nhạc sĩ Ánh Dương (trái) với người bạn cùng thời. ẢNH: NVCC
Cũng từ nguồn cảm hứng đó, nhạc sĩ Ánh Dương đã viết một bài hát về Quảng Ngãi với lời ca trong sáng hòa quyện trong giai điệu rộn ràng, tràn ngập niềm vui, hứng khởi sau ngày giải phóng. “Có con chim non líu lo sớm xuân nay/ Quê em giữa ngày giải phóng bao mừng vui/ Vút câu lý thương nhau như một làn gió mới? Núi Ấn, sông Trà, bờ xe nước thiết tha giữa đời tự do...". Đây là cái tình đối với quê hương của người vợ yêu thương và cái nghiệp đối với nhạc sĩ  khi hai người đến với nhau bằng giai điệu âm nhạc. Có thể nói, đây là bài hát hay duy nhất được sáng tác năm 1975 cho Quảng Ngãi. Bài hát được phổ biến ngay sau khi Quảng Ngãi giải phóng có sức lan tỏa, bền lâu cho đến hôm nay.
Nhạc sĩ Ánh Dương được biết đến với những ca khúc như: Tạm biệt em, Tiếng trống tòng quân, O dân quân và chàng lính pháo trẻ, Hành khúc sư đoàn sông Lam, Hoa đào nở trên biên giới… Đặc biệt là bài hát "Chào em cô gái Lam Hồng".
Nhạc sĩ Ánh Dương tên thật là Lê Ánh Dương, sinh năm 1935 ở làng Sơn  Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ông  có anh rể là nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu và người anh họ nhạc sĩ Trần Ngọc Cừ với bài hát nổi tiếng một thời "Con cua đá". Thuở nhỏ ông được cậu ruột chơi đàn violon cho dàn thánh ca ở một nhà thờ tại địa phương chỉ dạy. Ai ngờ, từ nốt nhạc đầu tiên bỡ ngỡ ấy mà sau này ông trở thành nhạc sĩ tài hoa.
 
Còn câu chuyện tình giữa ông và cô ca sĩ Hồng Mậu (Nguyễn Thị Mậu) sau này trở thành người bạn đời của ông cũng rất thú vị. Năm 1964, sau khi Mỹ ném bom xuống miền Bắc, chiến trường miền Nam cũng ngày càng ác liệt, Tổng cục Chính trị kêu gọi các văn nghệ sĩ có sức khỏe tốt vào miền Nam phục vụ chiến đấu. Ông Lê Ánh Dương được tuyển chọn và tập trung ra Hà Nội để chia thành từng đội vào Nam. 
 
Đội của ông có 13 anh chị em được giao nhiệm vụ về Khu 5. Trong đội mỗi người một quê và người nhỏ nhất là cô ca sĩ Hồng Mậu, người Quảng Ngãi. Khi mới 14 tuổi, Hồng Mậu theo Đoàn Văn công Khu 5 tập kết ra Bắc để học văn hóa và học nhạc, sau đó cùng đồng đội về miền Nam chiến đấu. Lúc đó cô đã nổi tiếng với những bài hát: Bến nước (Nhật Lai), Tiếng hò trên đất Nghệ An (Tân Huyền)... Khi đội đến Vinh, thì được lệnh cấp trên không vào miền Nam nữa, vì địch đánh phá rất ác liệt ở Khu 5. Thế là, cả đội được bổ sung vào Đoàn Văn công Quân khu 4. Ánh Dương thì sáng tác âm nhạc, còn Hồng Mậu được phân công phụ trách đội ca.
 
 Sống gần gũi, mến tài nhau qua những lần biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân và các đợt hội diễn nghệ thuật. Hồng Mậu là người lĩnh xướng, solo nhiều bài hát do Ánh Dương sáng tác và để lại ấn tượng cho nhiều người nghe (những bài hát này nằm trong cụm tác phẩm để sau này ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt II). Được đơn vị vun đắp, tình cảm giữa chàng nhạc sĩ tài hoa và cô ca sĩ trẻ ngày càng sâu đậm. Họ cưới nhau, có 4 người con và sống cùng nhau trên 30 năm đầy hạnh phúc.
 
MINH ĐIỀN
 
 
 
 
 

.