(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày cuối năm, các cô gái Hrê ở Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) bận rộn hơn khi nhận nhiều đơn hàng mới. Đó là những đơn hàng dệt khăn quàng, mẫu đầm, váy cưới thổ cẩm có họa tiết tinh tế, nhẹ nhàng, nhưng không kém phần lộng lẫy.
[links()]
Hai năm trở lại đây, nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng trở nên rộn ràng, sôi động hơn. Đó là nhờ lớp trẻ dám nghĩ, dám làm và đưa sản phẩm thổ cẩm truyền thống Làng Teng trở nên gần gũi với mọi người, mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc.
Làm mới sản phẩm truyền thống
Chịu khó, năng động, sáng tạo, Phạm Thị Y Hòa (29 tuổi) và Phạm Thị Hải (26 tuổi) là những bạn trẻ chọn cách tân thổ cẩm làm hướng đi cho mình. “Cuộc sống hiện đại, những trang phục bán sẵn, thuận tiện đã dần thay thế các trang phục từ thổ cẩm. Chỉ những dịp lễ hội, các bà, các mẹ, thiếu nữ Hrê mới mặc trang phục truyền thống, vì trang phục thổ cẩm dệt từ sợi chỉ nên vải rất cứng, dày và nặng. Làm thế nào để khắc phục nhược điểm trên, mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình?”, từng là câu hỏi của nhiều bạn trẻ ở Làng Teng. Từ trăn trở đó, Y Hòa và Hải đã sáng tạo nên những trang phục từ thổ cẩm với sắc màu đa dạng hơn, thay vì chỉ có ba màu đen, trắng, đỏ. Cách dệt thổ cẩm cũng hiện đại hơn, có thể phối hợp với các chất liệu khác, nhưng khi nhìn vào các họa tiết, người ta vẫn nhận ra đó là thổ cẩm Làng Teng.
|
Cán bộ Huyện đoàn Ba Tơ mặc áo dài cách tân với những họa tiết thổ cẩm Làng Teng. Ảnh: B.HÒA |
Bộ trang phục thổ cẩm cách tân đầu tay, Y Hòa tự tay phác họa mẫu trên giấy, chọn vải, rồi đặt may. Cô gái Hrê này tự tin mặc bộ trang phục này trong một lễ hội và đã gây ấn tượng mạnh với nhiều người với lối thiết kế sáng tạo, độc đáo. Vì thế, nhiều người Hrê đặt Y Hòa may các mẫu đầm em bé, áo vét, áo dài, đầm, váy cưới... từ thổ cẩm cách tân. Đôi bạn trẻ còn sáng tạo cách dệt thổ cẩm, phối vải, phối màu hiện đại hơn để tạo ra những trang phục từ thổ cẩm với sắc màu đa dạng kèm phụ kiện như vòng đeo cổ, khuyên tai, ví cầm tay, mũ... trẻ trung hơn.
Không những thế, Y Hòa và Hải còn tự làm người mẫu, giới thiệu trang phục lên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc sáng tạo, “phá cách” đã gặp không ít sự phản đối, ngay cả người trong nhà. Y Hòa tâm sự: “Khi đưa lên mạng, lời khen nhiều, song cũng không ít lời chê. Nhưng chính những điều đó lại là động lực để tôi cố gắng hơn nữa, bởi tôi là “tay ngang” thiết kế trang phục. Nghề dệt thổ cẩm muốn tồn tại trong thời hiện đại phải theo kịp xu thế, thích nghi, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Dần dần, những trang phục được kết hợp từ thổ cẩm được nhiều người đón nhận, kể cả thuyết phục được những người lớn tuổi khó tính”.
|
Những tấm khăn quàng cổ thổ cẩm cách tân có nhiều màu sắc đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh B.HÒA |
“Áo dài cách tân từ thổ cẩm giúp di chuyển nhẹ nhàng và chỉ cần nhìn vào, mọi người đều biết tôi đến từ Ba Tơ. Là người con của quê hương, tôi rất tự hào vì điều này. Càng vui hơn khi các bạn trẻ ở Ba Tơ trân quý nghề dệt thổ cẩm, tìm cách gìn giữ, giới thiệu những tấm thổ cẩm đến nhiều du khách trong và ngoài nước”, Bí thư Huyện đoàn Ba Tơ Phạm Thị Chiến, một khách hàng ưa chuộng sản phẩm thổ cẩm Làng Teng, chia sẻ.
“Sản phẩm thổ cẩm Làng Teng dần đến gần hơn với nhiều người qua các sản phẩm cách tân dễ sử dụng như áo dài, trang phục công sở, khăn quàng, túi xách... Về lâu dài, nghề dệt thổ cẩm rất cần “bà đỡ” là các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và có cơ chế hỗ trợ, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, để thổ cẩm Làng Teng trở thành sản phẩm du lịch".
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
HUỲNH THỊ PHƯƠNG HOA
|
Vẫn giữ bản sắc và sự gần gũi
Năm 2019, Bộ VH-TT&DL vinh danh nghề dệt thổ cẩm của người Hrê ở Làng Teng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là niềm vui, niềm vinh dự lớn đối với quê hương Ba Tơ. Nhà thiết kế Minh Hạnh từng đánh giá rất cao thổ cẩm Làng Teng và đã đưa vào các bộ sưu tập trình diễn của mình tại các chương trình lớn, khiến nhiều người ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng tinh hoa độc đáo của sản phẩm thổ cẩm truyền thống Làng Teng.
|
Các mẫu váy cách tân bằng thổ cẩm thu hút giới trẻ sử dụng trong đời thường. Ảnh: A.KIỀU |
Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, nếu sản phẩm không có đầu ra ổn định, mà chỉ dừng lại ở trình diễn thì rất “khó sống”. Vì thế, thời gian qua, Phòng Văn hóa - Thông tin và Đoàn Thanh niên huyện Ba Tơ đã tham gia vào các chợ phiên văn hóa miền núi, để quảng bá văn hóa của người Hrê, tổ chức các ngày hội thi dệt thổ cẩm truyền thống tại huyện. Các hoạt động đã thu hút khá đông đoàn viên, thanh niên và du khách tham gia. Mỗi khi nhóm Du lịch thanh niên cộng đồng Ba Tơ đón các đoàn khách về thăm, trang phục chính của các bạn trẻ luôn là những bộ thổ cẩm đặc sắc của quê hương. “Cách tân thổ cẩm, nhưng không đánh mất bản sắc của dân tộc là xu thế phát triển của thời đại. Chúng tôi sẽ nỗ lực góp sức mình cùng với chính quyền địa phương phát triển nghề dệt thổ cẩm Làng Teng”, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Tơ Phạm Văn Xuân cho hay.
Gần đây, mô hình phát triển du lịch cộng đồng Ba Tơ được tổ chức, với nhiều hoạt động như tham quan bảo tàng, chiêm ngưỡng các làn điệu ca lêu, ca choi, múa chiêng, thưởng thức ẩm thực và nhất là trình diễn các công đoạn dệt thổ cẩm. Những điều này như làn gió mang hơi thở mới khuyến khích người dân Làng Teng, nhất là lớp trẻ tìm về với nghề dệt. Và để đưa sản phẩm thổ cẩm gần gũi hơn với đời thường, các bạn trẻ ở Làng Teng sáng tạo, thiết kế các trang phục dễ sử dụng hơn.
Theo TS.Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL, trải qua năm rộng tháng dài, chưa bao giờ thổ cẩm Hrê phôi pha, đứt gãy. Các mẹ, các bà không chỉ dệt nên tấm thổ cẩm với những sắc màu từ cỏ cây, hoa lá giữa đại ngàn, mà còn dệt vào những sắc màu đầy ắp tình yêu đất đai, sông núi. Hôm nay, những sắc màu ấy vẫn giữ vẻ đẹp truyền thống, nhưng đã thêm một lần sáng tạo để phù hợp với thẩm mỹ đương thời.
BẢO HÒA - ÁI KIỀU