(Báo Quảng Ngãi)- Ở Lý Sơn có những ngọn núi lửa kỳ vĩ, tiêu biểu là núi Thới Lới và Giếng Tiền. Miệng núi lửa Thới Lới cao 149m, Giếng Tiền cao 86m được ví như những "đài quan sát" biển đảo ở Lý Sơn. Đây là hai di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2020.
[links()]
Độc đáo hai di tích núi lửa cổ
Theo các nhà địa chất, vào cuối kỷ Neogen (một kỷ địa chất thuộc đại Tân Sinh), cách ngày nay khoảng 25 - 30 triệu năm, đảo Lý Sơn được hình thành do sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa. Trên đảo lớn Lý Sơn có 5 hòn núi (Giếng Tiền, Hòn Tai, Hỏi Sỏi, Hòn Vung, Thới Lới) đều là chứng tích của núi lửa đã phun trào, rõ nhất là các hồ hình phễu (vốn là miệng núi lửa) trên núi Giếng Tiền và núi Thới Lới. Sự phun trào và quá trình nguội tắt của núi lửa cùng những tác động của thiên nhiên hàng triệu năm đã tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo, mà trong đó núi lửa cổ Thới Lới là thắng cảnh độc đáo, thu hút sự chú ý của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Toàn cảnh núi Giếng Tiền . Ảnh: Bùi Thanh Trung |
Để khám phá thắng cảnh này, từ cảng Lý Sơn, chỉ sau chừng 15 phút đi xe máy là có thể đến chân núi Thới Lới. Ở đây có một trảng đất rộng, tương đối bằng phẳng, là địa điểm dựng cột cờ Lý Sơn cao chót vót, với cờ đỏ sao vàng tung bay. Con đường bộ đưa du khách từ vị trí cột cờ Tổ quốc, theo hướng nam, leo dần lên đỉnh núi để đến một lòng hồ tự nhiên như "chiếc phễu của trời" treo trên núi. Đây chính là miệng núi lửa từ hàng triệu năm về trước đã phun trào cuồn cuộn những dòng nham thạch, góp phần hình thành diện mạo đảo Lý Sơn. Núi Thới Lới là đỉnh núi cao nhất ở Lý Sơn. Từ đỉnh núi, có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng không gian biển đảo bao la. Xuôi về hướng tây là hòn Vung, hòn Sỏi, hòn Tai, giếng Tiền. Xa hơn, chếch về tây bắc là hòn Bé và xa hơn nữa là đất liền, nơi có cảng Sa Kỳ, mũi Tổng Binh lờ mờ trong khói sóng.
Đối với di tích núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa lớn thứ hai trên đảo Lý Sơn, miệng núi có hình phễu, hẹp dần ở phần đáy, đường kính miệng trung bình là 900m, lòng chảo của núi xiên dần đến đáy. Trải qua các giai đoạn kiến tạo địa chất, các vách núi lửa ở đây cũng bị tác động bào mòn của nước và sóng biển, tạo nên các kỳ quan không thua kém cụm núi lửa Hang Câu - Thới Lới. Trong thời kỳ biển tiến, đỉnh núi đã bị nhấn chìm bởi nước biển, qua các giai đoạn khác nhau, các vách đá đã bị bào mòn, để lộ ra những mặt cắt đẹp đẽ, điển hình đó là hòn Meo nằm ở phía bắc núi, vách bào mòn bởi các ngấn nước trông rất đẹp.
Thắng cảnh núi lửa Giếng Tiền trong hệ thống núi lửa Lý Sơn không chỉ là di sản địa chất mà còn liên quan đến các sự kiện lịch sử văn hóa, kiến trúc tín ngưỡng như văn hóa Sa Huỳnh thời tiền sử, văn hóa kiến trúc chùa trong hang động như chùa Đục.
Lợi thế để phát triển du lịch
Trải qua 11 triệu năm kiến tạo từ những đợt phun trào núi lửa đầu tiên, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn quần thể thắng cảnh tuyệt tác, địa hình, địa mạo độc đáo trên bờ cũng như hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú. Tài nguyên du lịch địa chất, địa mạo ở Lý Sơn độc đáo hiếm có trên thế giới. Lý Sơn là mảnh đất hội tụ, giao thoa tinh hoa của các nền văn hóa lớn với nhiều di tích văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc khác. Đây là những tiềm năng lớn không phải nơi nào cũng có được, là thế mạnh để phát triển du lịch. Với kho tàng di sản về địa chất núi lửa biển và những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo riêng có, quê hương của hành, tỏi... Lý Sơn đã và đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết: “Trong thời gian tới, huyện Lý Sơn sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Tăng cường trùng tu, bảo vệ di tích, quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa với quy mô lớn. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch chất lượng để thu hút khách du lịch".
TRÍ PHONG