Truyện ngắn của
LÊ VĂN TRƯỜNG
(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày phong trào chơi mai nổi lên, thì bất cứ chỗ nào có mai đẹp, người mua mai cũng lặn lội tìm kiếm cho bằng được. Những cây mai lớn tuổi dáng đẹp, thân hình xù xì thì giá càng cao. Thế là những gốc mai già ở quê tôi cứ lần lượt bị bứng đưa lên xe rồi chở đi về đâu cũng không rõ.
Chỉ có cây mai trước cửa nhà ông Năm bên kia sông là một trường hợp đặc biệt. Không biết ông đã trồng nó tự bao giờ. Từ khi tôi biết, thì gốc mai đó đã khá to rồi. Tán nó xòe rợp mát cả một khoảng sân rộng. Mỗi dịp cuối năm, muốn lặt hết lá cho cây mai ấy phải mất mấy ngày. Ông Năm không nhớ nổi đã có bao nhiêu người đến hỏi mua cây mai này, nhưng ông vẫn lạnh lùng từ chối.
Chuyện cây mai đến tai mấy người con của ông. Đứa con trai lớn là người làm ăn thành đạt, lại sống ở xa, nên không ai nghe lời ra tiếng vào. Còn hai đứa con kế thì khác. Anh con rể bảo với vợ:
- Em về nhà xúi ổng bán cây mai đó đi. Số tiền lớn chớ đâu phải nhỏ. Sẵn đó em xin cha một mớ mà chuộc lại miếng đất để làm. Chứ em tính đi, với thu nhập cóc ken như thế này, thì biết tới chừng nào mới có số tiền năm bảy chục triệu mà chuộc lại đất đây?
Chuyện bàn tính của vợ chồng chị Đào ông nghe mà rất đau lòng, nhưng ông không thay đổi ý định của mình. Chỉ có bà Năm vì thương con gái, nên cũng xuôi theo:
- Hay là mình bán cây mai này đi ông?
Ông nạt ngang: Bà im đi. Chuyện của tụi nó thì cứ để tụi nó tự lo. Không ai mượn bà xen vào.
Chuyện cây mai đến tai vợ chồng anh Út. Vậy là có lý do để vợ chồng anh cãi vã với nhau:
- Anh về nhà cha mà năn nỉ ổng bán cây mai đó đi, rồi cho anh xin mớ tiền mà trả nợ cá độ đá banh. Còn nếu không thì để bọn xã hội đen nó “xử” anh, chứ anh đừng có hòng mà kêu tôi nai lưng ra làm trả nợ.
- Em không trả thì anh từ từ kiếm tiền mà trả. Còn kêu anh xúi cha bán mai thì miễn đi! Ổng có chịu bán đâu mà kêu anh xúi.
- Anh không nói thì để tôi nói.
- Em vừa phải thôi nghe! Bây giờ muốn gì nữa đây?
Một hồi sau cãi vã, thì lại nghe đồ đạc trong nhà kêu lổn cổn. Mấy đứa nhỏ chạy qua nhà nội méc là cha mẹ của tụi nó đang cãi nhau dữ lắm.
Từ bữa biết chuyện lục đục của con đến nay, lúc nào ông cũng buồn hiu. Ông được ba đứa con. Đứa lớn coi như là thành đạt rồi, ông luôn hài lòng về đứa con trai ấy của mình. Còn lại hai đứa cũng đã có chồng, có vợ và ở riêng. Vậy mà, không hiểu sao lại làm ăn chẳng ra gì lại nợ nần chồng chất. Ông buồn vì con mình mà tánh lại chẳng giống mình.
Người qua đường ai cũng bảo rằng lúc này thấy ông Năm có vẻ hơi ốm, lại thêm ít nói. Ông hay ngồi uống trà một mình. Thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn ra phía sân. Cây mai vẫn đứng đó xanh um màu lá.
Lúc này hễ mỗi lần thấy mấy người mua mai ghé nhà là ông lại bỏ đi ra sau vườn, để cho bà tiếp khách. Bởi với ông, sự hiện diện của họ chính là sự làm phiền. Mặc dù có người họ đến chỉ để ngắm, để sờ và tặc lưỡi nuối tiếc thôi, vì họ thừa hiểu ông không chịu bán cây mai này.
Biết tính ông cương quyết, nên bà Năm chẳng dám hở nửa lời chuyện vợ chồng của chị Đào, anh Út. Dù ai cũng muốn nhờ mẹ nói hộ cảnh khó khăn của mình. Muốn cha bán cây mai để mà xin mớ tiền xoay xở việc nhà. Bà thương con, nhưng nhìn thấy ông rầu rĩ thì bà càng lo hơn. Nhà chỉ có hai vợ chồng già thủ thỉ với nhau. Nhưng lúc này tính ông hay bực và cũng ít nói hơn mọi khi.
Sinh con ra rồi nuôi con lớn. Cưới vợ, gả chồng rồi cho con đất đai, vốn liếng ra riêng. Tuổi già của ông ngoài công việc chăm sóc vườn tược ra thì chỉ là những phút giây ngồi uống trà rồi ngó ra khoảng sân nơi có cây mai gắn liền với ký ức khi ông đem nó về.
Tôi cũng có lần được ông kể cho nghe về chuyện ông hì hục bứng cây mai này khi nó đã hơi lớn và mọc hoang ngoài vườn. Mải lo đào đến nỗi vô tình bị đứt tay chảy máu rất nhiều. Cũng may là lúc đó có một người đàn ông đi ngang qua, thấy thế ghé lại băng bó vết thương dùm. Còn khen rằng: "Thằng này thấy vậy mà gan thật, chảy máu nhiều như vậy mà vẫn tỉnh queo. Có vợ con gì chưa? Chưa thì tao gả con gái tao cho!". Ai có ngờ rằng người đàn ông ấy sau này lại là cha vợ của ông thật. Cứ mỗi lần ngồi chung trên mâm cơm, cha vợ cứ trêu thằng rể: "Con mê cây mai đó đến đổ máu mà cũng không chịu nghỉ tay. Vậy con ráng dưỡng nó đi, biết đâu sau này con mà già thì cây mai đó chắc cũng có giá trị lắm đó!".
Tưởng câu nói ấy là đùa, ai ngờ bây giờ đã linh nghiệm thật. Cây mai của ông giờ quý như vàng. Chỉ có điều là ông không bao giờ có ý định bán nó đi. Nhưng trớ trêu thay, hai đứa con của ông giờ đang khổ. Có thể bề ngoài ông lạnh lùng như không quan tâm. Nhưng có ai biết rằng trong lòng ông cũng đang trăm mối tơ vò. Ông cứ nhìn cây mai như đã gắn với cả cuộc đời mình mà tâm sự ngổn ngang. Ông hồi tưởng lại lần ông đưa nó về. Rồi những lần nó nở hoa mỗi khi Xuân về Tết đến. Nhìn sắc vàng rực rỡ trong nắng ấm yên bình. Hương mai tỏa thơm, bướm ong quanh quẩn, chỉ thế thôi mà lòng ông cũng cảm nhận được sự ấm áp khi thêm một tuổi đời ngang qua.
Giờ đây ông như đang đứng giữa hai con đường. Phải cứng rắn quyết tâm giữ nó lại bên cạnh mình như còn thấy mùa xuân về ngang cửa. Còn lại là ông phải bán nó đi để có được mớ tiền dưỡng già và cũng để giúp cho hai đứa con xoay xở khốn khó trong lúc này.
Ông gọi cho tất cả các con về đầy đủ để ông bàn tính công chuyện. Đó là một ngày nhà ông đầy đủ trai gái, dâu rể và cả những đứa cháu nội, cháu ngoại nữa. Chị Đào, anh Út ở gần nên qua nhà khá sớm. Đến trưa thì anh chị Hai mới về đến nhà. Với chiếc xe bốn bánh sáng loáng đậu phía ngoài lộ. Trông anh rất sang trọng và bảnh bao. Chị đi bên cạnh anh cũng lịch thiệp không kém với chiếc đầm xinh xắn, thơm phức.
Mấy đứa con nít tụ lại thỏa sức mà chơi đùa chạy giỡn ở ngoài sân. Chỉ có ở trong nhà là không khí căng thẳng. Con, dâu, rể ngồi đó, mỗi người một nét mặt. Ông Năm bưng ly trà uống nghe cái ực rồi nói bằng giọng buồn buồn:
- Bữa nay cha kêu các con về đây đầy đủ để tính chuyện bán cây mai. Dù rằng cha biết nếu bán nó đi rồi thì cha sẽ rất là buồn - Nói tới đây thì giọng của ông như nghèn nghẹn. Ông đưa tay lên quẹt hai giọt nước mắt trên má rồi nói tiếp - Nhưng mà nếu không bán thì thấy hoàn cảnh của con Đào, thằng Út cha chịu cũng không nổi. Bữa nay ba anh em tụi con có mặt đầy đủ, cha báo cho hay như vậy, khi nào bán xong cha cho mỗi đứa một ít mà lo cho gia đình mình.
Giọng của ông cứ nghẹn đi như đang khóc trong lòng. Chị Đào, anh Út thì cứ cúi mặt xuống làm thinh như đang thấy có lỗi với cha. Chỉ có chồng chị Đào, vợ anh Út thì vui ra mặt vì nguyện vọng bấy lâu nay đã sắp thành hiện thực. Chỉ có anh Hai là người có vẻ không kìm nén được cảm xúc nghẹn ngào, anh tỏ ra tức giận:
- Cha giờ lớn tuổi rồi mà còn phải lo cho tụi mày nữa. Vậy tụi mày thấy có vui không? Làm ăn kiểu gì mà đứa thì cầm cố hết đất, đứa thì cờ bạc nợ nần. Rồi bây giờ kêu cha bán cây mai để lo cho tụi mày, thật là quá đáng mà!
Vợ anh Út chen vào:
- Anh Hai nói vậy sao được. Tại tụi em khổ mới qua nhờ vả cha mẹ chứ nếu giàu có như anh thì nhờ làm gì.
Anh Út nghe vợ nói khó nghe nên cản:
- Em im đi. Em không lên tiếng không ai nói em câm đâu.
Vợ anh Út giãy nảy:
- Cũng tại anh cờ bạc giờ tôi mới khổ vậy nè. Anh giỏi thì đi kiếm tiền mà trả nợ đi!
Ông Năm lại lên tiếng:
- Thôi mấy đứa đừng có cãi nhau nữa. Cha quyết định rồi. Chừng nào bán xong cây mai thì cha sẽ gọi mấy đứa con về.
Anh Hai ngăn cản:
- Không! Con không đồng ý chuyện cha bán cây mai này đâu.
Lúc này chồng chị Đào cũng chen vô:
-Anh Hai nói gì kỳ vậy! Bán hay không là quyền của cha chứ đâu phải của anh đâu mà anh đòi quyết định chứ!
Không khí trong gia đình lại thêm căng thẳng. Bà Năm bước đến bên cạnh đứa con trai lớn của mình mà thỏ thẻ:
-Con cứ chiều theo ý của cha con đi, chứ nếu con ngăn cản thì làm sao giải quyết được chuyện trong gia đình.
Anh Hai quay sang vỗ nhẹ vai mẹ:
- Mẹ cứ yên tâm đi. Chuyện này để con lo cho. Bây giờ con sẽ đứng ra chuộc đất lại cho con Đào. Còn thằng Út mày thiếu nợ tiền cá độ bao nhiêu tao trả luôn cho. Nhưng tụi mày cũng phải biết lo làm ăn đàng hoàng và cũng đừng có gây sức ép kêu cha bán cây mai đó nữa!
Nghe câu nói của anh Hai vậy là vợ chồng chị Đào, anh Út đều rất vui mừng. Còn ông Năm cũng thở phào nhẹ nhõm. Ông thầm cảm ơn đứa con trai lớn của mình. Giỏi tính toán chuyện làm kinh tế. Giờ là chủ một doanh nghiệp tư nhân. Nhờ làm ăn phất lên nên giờ anh đứng ra mà lo trang trải nợ nần luôn cho hai đứa em của mình.
Ông Năm như được nhẹ lòng. Giờ thì ông không phải nghĩ đến chuyện bán đi cây mai trước cửa nhà nữa. Ông lại hình dung đến một cái Tết đầy sắc hoa mai vàng lung linh trước cửa nhà mình. Lòng của ông lại bình yên như từng tiếng chim đang hót phía trên cành mai trước cửa.
Ngoài kia gió xuân đang thổi. Mùa xuân đang về.../.