Đôi điều về trùng tu, tôn tạo đền Văn Thánh ở Mộ Đức

02:10, 05/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tư, tôn tạo  đền Văn Thánh là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ được kiến trúc và phát huy giá trị di tích là vấn đề cần lưu tâm.
Truyền thống tôn sư, trọng đạo và đức tính hiếu học của người Phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng đã khiến cho các văn miếu trở thành biểu tượng về văn hóa, tri thức của một dân tộc, một vùng đất. Các văn miếu, văn từ được xây dựng ở Quảng Ngãi trước đây cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó.     
Sân trước và đền thờ đã được tôn tạo năm 2019.                                      ẢNH: LÊ HỒNG KHÁNH
Sân trước và đền thờ đã được tôn tạo năm 2019. ẢNH: LÊ HỒNG KHÁNH
Ngày 7.2.2018, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 246/QĐ-UBND xếp hạng di tích đền Văn Thánh Mộ Đức là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, với tổng diện tích bảo vệ là 5.454m2, trong đó khu vực bảo vệ nguyên trạng là 3.450m2. Tiếp theo đó, huyện Mộ Đức triển khai Dự án Tôn tạo khu di tích. Chính quyền và nhân dân địa phương đã chọn ra 11 bậc cao niên uy tín để thành lập Ban Tế lễ. Đến nay, công trình phục dựng, tôn tạo cơ bản hoàn thành: Làm đường đường dẫn vào đền (dài 452m, rộng 9,5m; kinh phí hơn 2 tỷ đồng), sửa sang khuôn viên và tôn tạo phần chính ngôi đền với những nét cổ kính, phảng phất kiến trúc thế kỷ XIX (kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng).
 
Đầu tư, tôn tạo nhằm hướng đến phát huy giá trị di tích đền Văn Thánh là một chủ trương đúng đắn của huyện Mộ Đức, đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Từ một khu vườn hoang tàn đổ nát, nay đang dần hình thành một khu di tích bề thế, thu hút sự quan tâm đáng kể của các nhà nghiên cứu cũng như người dân trong huyện và trong tỉnh, quả thật là một việc làm rất đáng quý trọng và xiển dương.
Theo Đại Nam nhất thống chí (Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn, vào cuối thế kỷ XIX) và Quảng Ngãi nhất thống chí (do Tiến sĩ nho học Lê Ngải viết vào đầu thế kỷ XX), thì dưới thời phong kiến ở tỉnh Quảng Ngãi có 4 văn miếu, văn từ được xây dựng và có tế lễ xuân thu định kỳ. Trong đó, Văn từ huyện Mộ Đức (tên thường gọi là đền Văn Thánh Mộ Đức, đền Văn Bân) xây dựng vào năm Tự Đức thứ 11 (1858) tại làng Văn Bân, nay thuộc xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức. Phó bảng Nguyễn Bá Nghi (1807 - 1870) là người đề ra ý tưởng tạo lập Văn từ Mộ Đức và lập Hội khổng học ở huyện này. Văn từ Mộ Đức tế một năm 2 kỳ vào mùa xuân và mùa thu. Di tích này bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, hiện nay còn lưu lại 5 bia đá và 2 cổng.
Cũng chính vì sự quý trọng và cần được xiển dương như thế, đồng thời góp phần vào việc phát huy di tích, mang lại hiệu quả thiết thực, tôi xin góp thêm mấy ý kiến. 
 
Một bia đá còn lại trong khu di tích. ẢNH: LÊ HỒNG KHÁNH
Một bia đá còn lại trong khu di tích. ẢNH: LÊ HỒNG KHÁNH
Những người được tùng tự, vinh danh ở đền Văn Thánh Mộ Đức là “các bậc tiền nhân có học vấn cao, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi và một số tỉnh lân cận”. Thế nhưng, cụ thể những người này là ai? Văn bia, tư liệu chưa được sao chép, lưu giữ, nghiên cứu đầy đủ; ghi chép của người đời sau cũng chưa tìm thấy. Nếu có một hoặc vài nhân vật nằm trong danh sách đó, mà hiện nay dư luận đang còn ý kiến khác nhau khi đánh giá về hành trạng của họ thì xử lý như thế nào?
 
Cổng đền (chính và phụ), một số đoạn tường xây bằng đá ong, mấy am thờ và đặc biệt là 5 bia đá có khắc văn bia bằng chữ Hán là hiện vật thực sự có giá trị lịch sử văn hoá còn lại ở đền Văn Thánh. Tuy nhiên, các cổng đình đã xuống cấp, đại tự chạm khắc không còn. Những gì còn thấy ở bức bình phong là dấu vết hồ vữa mà các nghệ nhân làm chất kết dính để khảm hình lên đó bằng chất liệu là các mảnh gốm sứ.
 
Các bia đá thì hầu như không còn đọc được chữ, không nhìn rõ hoa văn. Thiển nghĩ, bảo tồn, phục dựng di tích ở đây, ưu tiên hàng đầu phải là chống xuống cấp các thành phần kiến trúc còn lại (cổng đình, bình phong, am thờ) và văn bia, mà trong đó phần quan trọng là bia ký, nhưng có vẻ như điều này chưa được chú trọng đúng mức.
 
Về lễ hội và duy trì lễ hội. Theo ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí cũng như ghi nhớ của các bậc cao niên, Văn Thánh Mộ Đức tế một năm 2 lần (xuân thu nhị kỳ), vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch. Kinh phí lễ hội trích từ nguồn thu hoa lợi của khoảng 5 mẫu (Trung kỳ) ruộng do Ban tế tự quản lý. Hiện nay, phục dựng nghi lễ tại đền trong các kỳ tế như thế nào cho đúng quy định và phù hợp với truyền thống văn hoá địa phương? Quỹ tế tự trích từ đâu? Vai trò của chính quyền địa phương, của ngành văn hoá ở đây như thế nào? Đó là những vấn đề cần phải được lưu tâm.
 
Tôi nêu các ý kiến ở đây, rất mong mọi người cùng trao đổi và đóng góp để huyện Mộ Đức phục dựng thành công di tích và lễ hội tại đền Văn Thánh, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm đối với việc tôn tạo, phát huy các di sản văn hoá của cha ông trên địa bàn tỉnh.
 
LÊ HỒNG KHÁNH
 
 
 
 
 

.