Mùa lân

04:10, 02/10/2020
.
Truyện ngắn của LÊ NGỌC PHƯỚC
 
(Báo Quảng Ngãi)- Thằng Quân chạy một lượt khắp xóm nhỏ, réo đám bạn cùng trang lứa ra bộ bàn đá nơi góc nhà chú Thông để bàn việc. Khi mọi người có mặt đông đủ, nó mau miệng hỏi: Mùa Trung thu sắp tới rồi, tụi bây có muốn góp tiền mua lân để đi múa không? Cả lũ đồng thanh đáp: Có.
 
Sau câu nói đó, dăm bảy đứa chạy về nhà chuẩn bị. Có đứa đập heo đất vét sạch tiền tiết kiệm bấy lâu nay, có đứa nghĩ ra lý do hợp lý để thuyết phục bố mẹ cho tiền.
 
Lát sâu, hội của Quân lại tập trung tại địa điểm quen thuộc. Quân điểm qua một lượt rồi bắt đầu giải thích cặn kẽ:
 
-  Một con lân và trống có giá tới hơn 1 triệu đồng. Đứa nào có nhiều thì đóng nhiều, ít thì đóng ít, miễn là có tâm huyết, đồng ý không?
 
- Đồng ý. Thằng Bảo giơ hai tay ủng hộ và liên tục giật nhẹ cùi chỏ vào những đứa ngồi kế bên để tìm đồng minh có chung quan điểm với mình. 
Hơn nửa tiếng sau, khi gom đủ số tiền cần dùng tới, Quân đứng bật dậy, dõng dạc nói: 
 
-Tau sẽ ghi lại cụ thể số tiền từng đứa đóng góp vào sổ, để sau này khi hết mùa Trung thu thì căn cứ theo đó chia cho chắc ăn, ai góp nhiều thì chia nhiều, góp ít thì chia ít, đảm bảo không đứa nào phải chịu thiệt.
Xong xuôi, cả lũ lấy xe đạp đèo nhau ra tận chợ thị, dạo quanh một vòng khắp các cửa hàng bày bán lân cốt để tìm mua con lân ưng cái bụng nhất.
 
-  Ở đây lân không bắt mắt cho lắm, giá lại hơi đắt, tụi mình tạm thời mua ít đồ nghề lận lưng như mặt nạ Xa Tăng, Bát Giới, Tề Thiên, Ông Địa, trang phục... trước đã, thằng Quân nói.
 
-  Chúng mình chịu khó đi xa hơn tí, xuống tận làng nghề xem sao, có khi chọn được hàng tốt giá hời. Bảo thuyết phục.
 
-  Ok.
 
Cả đám lại hì hục rong ruổi gần chục cây số  ra khỏi thành phố. Lâu lắm rồi, bọn chúng mới có một ngày cưỡi xe vất vả, cật lực như thế chứ mọi khi muốn đi đâu đều có bố mẹ đưa đón.
 
-  Tới rồi, tới rồi, người ta treo đầu lân nhiều quá. Sơn chỉ tay về phía trước mặt mình nói lớn khiến tụi bạn lóng ngóng.
 
-  Chỉ có mày là tinh mắt còn tụi tao đều cận nặng, đeo “đít chai” tối ngày có thấy gì đâu. Hậu đáp.
 
Đến nơi, Quân lệnh mấy tay cầm lái tấp xe ngay ngắn vào vệ đường để đi bộ cho tiện, an toàn vì các nhà sản xuất đầu lân thường ở san sát với nhau.Thằng Huy chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng quy mô, hoành tráng như thế nên cứ luôn miệng lẩm bẩm: Đẹp quá, đã quá!
 
Hết cả buổi chiều, cả hội mới chọn được đầu lân như ý. Người bán thấy tụi trẻ dễ mến nên thương tình bớt cho vài chục nghìn đồng lưu phước và ngỏ lời chúc “kinh doanh” mau mắn. Trên đường về, thằng Huy cứ cầm đầu lân múa loạn xạ, tỏ vẻ thích thú.
 
***
 
Cái yên ắng của xóm nhỏ bỗng chốc bị phá tan khi đoàn quân nhí xuất hiện. Chuẩn bị mọi thứ đâu vào đấy, Quân ngồi xổm xuống đất, chăm chú "xem tướng" từng thằng rồi phán như đinh đóng cột:
 
- Sơn làm Tề Thiên, Tiến làm Ông Địa, Bảo mập làm Bát Giới, Huy đánh trống, Hậu và Đại múa lân. Cứ y vai mà diễn.
 
Suốt những hôm sau đó, cứ tầm 7 - 8 giờ tối là chúng tụ lại, cùng nhau tập những bài nhảy lân và đánh trống. Tiếng trống tùng tùng nổi lên xen lẫn tiếng chập cheng khiến không khí có phần rộn rã. Không phải tay trống chuyên nghiệp, nên đôi lúc thằng Huy quên nhịp đánh tầm bậy, nhưng chẳng đứa nào dám la ó, ngược lại còn được một trận cười khoái chí.
 
Duy chỉ có thằng Sơn là múa đẹp nhất, bởi dáng người nó gầy, mỏng manh như tờ giấy trắng, thế nhảy và cách que quẫy cây gậy trên tay trông giống Tề Thiên Đại Thánh thực thụ.
 
- Được, được lắm. Thằng Quân cứ vỗ đành đạch vào đùi khen lấy khen để.
 
- Tao coi phim Tây Du Ký biết bao lần rồi, không đẹp mới là lạ. Sơn đáp lại.
 
- Chỉ có tao và Đại nhận vai hơi nặng, cứ thay nhau cầm đầu lân di chuyển liên tục, mệt đứt hơi. Hậu than vãn.
Nghe câu đó, thằng Quân nhanh trí trấn an:
 
-  Hai đứa bây cứ múa cho tốt vào, sau này tao sẽ thưởng thêm. Tao là thủ quỹ nên có quyền quyết mọi chuyện, khỏi lo.
 
Như “rót mật vào tai”, cả lũ hí hửng, tập tành rất nhiệt tình. Tiếng hò reo, cổ vũ của các bậc phụ huynh và những đứa trẻ khác trong xóm càng khiến tụi nó thêm phần hưng phấn, tranh nhau phô diễn những màn nhảy “tùy hứng lý qua cầu” rất dị.
 
***
 
Gần nửa tháng trời tập luyện, đứa nào đứa nấy đều đã thuần thục mọi động tác. Chúng chỉ còn chờ tới ngày để thi triển những tài nghệ tuyệt đỉnh của mình. Trăng bắt đầu tròn, tỏ hơn, đó cũng là thời điểm tết Trung thu cận kề. Cả nhóm lại ngồi quây quần bên chiếc bàn đá để hội ý, chọn giờ tốt đi “xông đất” hàng xóm.
 
- Tụi mình sẽ bắt đầu múa trước Rằm tháng 8 vài ngày để lấy lại vốn, mấy đứa bây thấy sao? Thằng Quân hỏi dò ý kiến.
 
- Đó là phương án hay, triển khai ngay thôi, càng sớm càng tốt. Cả đám tán thành, vỗ tay không ngớt.
 
- Thế thì thống nhất tối ngày mai nhé.
 
Đêm hôm ấy có lẽ là đêm dài nhất đối với Quân và đám bạn. Chẳng đứa nào có thể chợp mắt được, chỉ trông cho trời mau sáng rồi lại trôi sang buổi tối. Điều gì đến cũng phải đến. Đồng hồ con lắc bắt đầu điểm 19 giờ với tiếng chuông ngân vang liên hồi. Nghe âm thanh đó, thằng Quân nhảy cẫng lên, lao vút ra đường, í ới gọi những thành viên trong đoàn lân. Đứa nào đứa nấy vui như “mở cờ trong bụng”. Đoàn lân bắt đầu rảo quanh khắp các tuyến đường ở trung tâm thành phố. 
 
Chúng chọn những ngôi nhà còn tỏ đèn, cổng chưa đóng để xin vào múa xả xui, lấy hên. Đi tới đâu đoàn lân “con nít” ấy cũng được gia chủ đón tiếp nồng nhiệt, bởi tâm lý mong muốn con cháu trong nhà có cái gọi là tết Trung thu đúng nghĩa, mà tết Trung thu thì không thể thiếu món múa lân, chưa kể cả năm mới có một mùa nên cũng chẳng đành lòng đuổi. Tiến Ông Địa được cả bọn mặc định cho cái biệt danh nghe khá lém lỉnh là “Tiến hốt bạc”, vì nó là thằng “mát tay” hay được gia chủ cho tiền bồi dưỡng.
 
Còn thằng Bảo Bát Giới có vẻ ma lanh hơn khi cứ liên tục nháy mắt ra hiệu cho Tiến bám sát, luôn tay phe phẩy cái quạt vào người chủ nhà bởi đó là tuyệt chiêu để họ chi đậm, nhất là khi thấy nhà đó có vẻ khá giả. Không những thế, đối với những chủ nhà khó tính, nó còn lệnh cho Huy trống phải đánh hồi dài cho lân nằm nghỉ để câu giờ, chờ đợi lộc. Thậm chí còn sẵn sàng đưa ra nước cờ “đánh nhanh rút gọn” khi đã nắm chắc trong tay chiến lợi phẩm. Tài điều binh bố trận của Bảo khiến toàn đội cảm thấy yên tâm, răm rắp nghe lệnh dù nó là đứa trẻ tuổi nhất hội.
 
- Cứ theo dõi cử chỉ của tao rồi làm theo chứ múa nhiệt tình quá thì mỗi đêm chỉ được dăm ba nhà là cùng. Thằng Bảo cười đắc ý.
 
Cứ thế, ngày này qua ngày khác, doàn lân rầm rập những bước chân bộ hành dưới ánh trăng rọi chiếu sáng vằng vặc, phủ bóng chúng xuống mặt đường nhựa láng bóng. Tiếng cười nói vang vọng, không ngớt. Tiếng trống mạnh mẽ liên hồi như thúc giục. Ý nghĩ về một mùa “bội thu” bất chợt lóe lên trong đầu tụi nhỏ.
 
***
 
Trăng lặn dần, mùa Trung thu khép lại. Số tiền mà nhóm của Quân thu được sau gần 1 tuần dài đi múa chẳng đáng là bao, bởi không đắt “sô” như những đoàn lân quy mô lớn, được đầu tư khá bài bản. Nhưng dù sao, điều đó chẳng làm chúng thấy buồn, miễn là thỏa sở thích, đam mê bất tận. Đêm cuối cùng, thằng Quân gọi tất cả thành viên trong nhóm lại rồi công bố:
 
- Số tiền chúng ta kiếm được hơi khiêm tốn, chỉ gần 2 triệu đồng thôi. Giờ ta sẽ chia số tiền ấy theo lệ đã nêu ra từ trước. Hậu, Đại mỗi đứa 300 nghìn đồng; Sơn, Tiến, Bảo, Huy, Quân mỗi đứa 250 nghìn đồng; còn lại làm tiệc liên hoan.
 
Thằng Sơn bồi thêm:
 
-  Tao nghĩ tụi mình nên giữ lại đầu lân và một số thứ cần thiết để sang năm đỡ phải mua lại chi cho tốn kém, tiền lời chắc sẽ nhiều hơn.
 
Nghe chí lý nên ai nấy đều gật đầu đồng ý. Trong chốc lát, tiền được chia xong. Đứa nào đứa nấy hả hê, cười tít mắt, liên tục đếm đi đếm lại số tiền mình kiếm được.
 
Bữa tiệc liên hoan mà thằng Quân đề cập đến cũng chỉ là những ly chè thập cẩm rẻ tiền nơi đầu hẻm. Dù không mấy thịnh soạn, nhưng cả lũ cùng nhau ăn ngon lành. Có lẽ, chúng nghĩ đó là thành quả làm ra từ công sức chính đáng của bản thân, nên dù ít dù nhiều gì cũng quý và đáng trân trọng./.
 

.