(Báo Quảng Ngãi)- Tôi rất khâm phục người mẹ Hồ Thị Hải Âu khi chị đã kiên trì trong ngót 20 năm dạy con gái để con trưởng thành, đoạt được học bổng toàn phần của Đại học Havard, bước cùng toàn cầu một cách đầy tự tin và tự hào.
Cuốn sách “Mẹ Việt - dạy con bước cùng toàn cầu” của chị Hồ Thị Hải Âu đã thu hút rất nhiều người đọc, nhiều người không chỉ khâm phục, mà còn học được nhiều điều từ cách dạy con của người mẹ Việt này. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, cốt lõi của “công dân toàn cầu” và làm sao để có thể trở thành một công dân toàn cầu.
Sách "Mẹ Việt - dạy con bước cùng toàn cầu" của Hồ Thị Hải Âu. Ảnh: Internet |
Tôi có người em xã hội, nhà không khá giả cho lắm, nhưng đã lo kiếm được tiền cho con học thạc sĩ ở Canada. Học thạc sĩ chỉ gần 2 năm, số tiền anh chị cho con cũng không nhiều, vì khi sang Canada học chưa được bao lâu, con anh đã tự tìm việc làm thêm, tuy khá vất vả, nhưng bù lại, cháu có tiền trang trải một phần kinh phí cho việc học tập.
Chưa hết. Khi đi làm thêm như thế, cháu đã thể hiện được năng lực lao động của mình, sự cần cù của mình, đức liêm chính của mình, khả năng hòa nhập của mình và khiến các ông chủ những nơi cháu làm thuê rất hài lòng và tôn trọng cháu. Bù lại, cháu được trả lương tốt, lại có cơ hội thường xuyên tiếp xúc với nhiều người nói tiếng Anh để trau dồi ngoại ngữ. Làm thuê, nhưng không hề bỏ bê việc học, vì đó mới là việc chính khiến cháu phải sang tận xứ Canada lạnh lẽo này, quyết học và hành tại đây cho xứng với công cha, nghĩa mẹ đã vất vả kiếm tiền lo việc học cho mình.
Khi có bằng thạc sĩ tại Canada, cháu có ngay việc làm tốt, khả năng cháu làm việc lâu dài tại đất nước này là hiện thực, dĩ nhiên, khả năng cháu trở thành công dân Canada cũng là hiện thực luôn, dù không mất một đồng nào để “mua quốc tịch”. Khi biết chuyện này, một người bạn đã nói: “Em nó chắc chắn sẽ thành một công dân toàn cầu”. Vì sao có nhận định ấy?
Để thành "công dân toàn cầu”, không bắt đầu từ khi được đi du học nước ngoài, mà sớm hơn nhiều, nó bắt đầu từ khi còn học trong nước. Thành công dân toàn cầu bắt đầu từ Việt Nam, đó là câu chuyện tôi muốn nói hôm nay.
Khi vào học đại học ở TP.Hồ Chí Minh, cháu ở trọ như bao sinh viên khác từ miền Trung vào học. Nhưng khi cháu ở trọ, hai vợ chồng bác chủ nhà đã hết sức quý mến cháu, chỉ vì cháu sẵn sàng giúp hai bác làm những công việc nhà, cháu không ngại khó ngại khổ và làm việc giúp người khác cùng tâm thế như làm việc cho bản thân mình.
Hòa nhập bằng lao động, bằng sự chân thành, bằng tấm lòng và sự sẵn sàng giúp đỡ người khác, đó là bước đầu chắc chắn để trở thành một “công dân toàn cầu”. Dĩ nhiên, phải học và sử dụng được tiếng Anh thành thạo. Cũng dĩ nhiên, phải hòa nhập tốt vào những nền văn hóa khác với văn hóa Việt Nam. Nhưng nếu chỉ giỏi tiếng Anh, am hiểu văn hóa nước ngoài, thì chưa chắc đã thành công dân toàn cầu.
Chính khả năng hòa nhập cởi mở, sống như một người tốt, khả năng biết nghĩ cho người khác, biết giúp đỡ người khác sẽ khiến bạn khi du học nước ngoài hòa nhập nhanh và căn cốt nhất với cộng đồng quốc gia mình theo học. Và sau này, với bất cứ cộng đồng quốc gia nào mình có cơ hội tới làm việc. Vì ở đâu cũng là con người, ở đâu cũng là nhân loại, và ở đâu, người sống chân thành, người có lòng tốt thực sự cũng tìm được sự đồng cảm, sự chia sẻ, cũng tìm thấy chỗ đứng của mình giữa những cộng đồng khác nhau, những quốc gia khác nhau.
Để thành công dân toàn cầu, không phải ai cũng là những tài năng xuất chúng, những người nổi tiếng được công nhận rộng rãi. Khi ta nói “công dân”, thì đây không phải là “công dân danh dự”, mà giản dị hơn, chỉ là công dân thôi, dù là công dân ở bất cứ quốc gia nào.
Chỉ cần mình sống tốt, sống nhân ái, học tập và làm việc hết mình, sẵn sàng vì người khác, giúp đỡ người khác thật lòng, mình sẽ được yêu mến dù sống ở đâu. Và như thế, mình sẽ có cơ hội thành công, cả trong công việc và trong đời sống. Phải chăng, đó là căn cốt của “công dân toàn cầu”?
Thanh Thảo