(Baoquangngai.vn)- Quảng Ngãi có rất ít các cơ sở làm trống, nhưng điều đặc biệt ở hầu hết các cơ sở đều có chủ là những thế hệ kế thừa đến từ làng nghề làm trống Đọi Tam (tỉnh Hà Nam), nức tiếng cả nước. “Đất lành chim đậu”, họ đã mang cái nghề của tổ tiên tha hương lập nghiệp. Để rồi, mỗi dịp Tết đoàn viên, âm vang tiếng trống Đọi Tam cứ vang vọng trên đất Quảng, vùng đất lành cho làng nghề phát triển.
"Tiếng sấm" làng trống Đọi Tam
Vào mỗi dịp Tết Trung thu, cơ sở làm trống của ông Nguyễn Quang Thắng, 56 tuổi, nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, TP. Quảng Ngãi trở nên tất bật. Tiếng máy mài, gõ, đục, vỗ trống làm thủ công vang liên hồi, lấn át cả tiếng xe ngoài đường. Gia đình ông Thắng đang tất bật mỗi người một công đoạn sản xuất hơn 1.000 chiếc trống cung cấp cho thị trường trong dịp Tết Trung thu này.
Gõ vào từng mặt trống phẳng vừa hoàn thiện để kiểm tra lại lần cuối, ông Thắng cho biết, quê gốc ông ở làng Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Nghề mà cả nhà đang làm được mang từ quê vào.
Gia đình ông Thắng là một thế hệ kế thừa của làng trống Đọi Tam. |
Nhắc về làng nghề truyền thống ở quê, ngưng việc trong chốc lát, ngồi bệt xuống xưởng, tựa lưng vào chiếc trống lớn, ông kể một cách say sưa, đầy tự hào về làng nghề nổi tiếng cả nước với lịch sử hàng nghìn năm, gắn liền với bề dày văn hóa Việt.
Vị tổ nghề của làng trống Đọi Tam là ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Theo truyền thuyết, vào năm 986 được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, anh em cụ Năng và cụ Bản tự tay làm một cái trống to để đón Vua. Tiếng trống vang như sấm rền nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm.
"Nghề làm trống Đọi Tam nổi tiếng từ đó, được con cháu trong làng giữ gìn cho đến tận ngày nay. Từ nhỏ, bọn trẻ đã hiểu cách làm trống, chừng 15- 20 tuổi đã có thể tự làm. Các thế hệ cứ cha truyền con nối mà kế thừa nghề. Sau này, ở quê đông người làm quá, họ mang nghề này đi khắp nơi trong cả nước. Đến độ, cứ ở đâu làm trống là biết ngay con cháu làng Đọi Tam", ông nhất quyết.
"Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mỗi một gia đình ở làng Đọi Tam quê tôi được cử một người lên Hà Nội làm trống cho đại lễ đấy", ông Thắng khoe.
Vào mỗi dịp Tết Trung thu, mỗi cơ sở phải làm việc liên tục để cung cấp ra thị trường hàng nghìn sản phẩm. |
Cơ duyên đến Quảng Ngãi lập nghiệp của ông Thắng cũng thật tình cờ. Cách đây gần 30 năm ông có theo vào làm thuê cho một cơ sở làm trống đầu tiên ở Quảng Ngãi là người của làng Đọi Tam. Nhận thấy Quảng Ngãi là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có nhu cầu lớn về trống chất lượng cao nên ông đã quyết định định cư hẳn ở nơi này.
Hiện nay, được biết ở Quảng Ngãi có 4 hộ chuyên làm trống với qui mô lớn thì cả 4 hộ này đều là người của làng Đọi Tam. Hai hộ ở Sơn Tịnh, 1 hộ ở huyện Mộ Đức và 1 hộ ở xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn.
Bí quyết nghìn năm
Nghề làm trống nghe sơ qua tưởng dễ, tuy nhiên càng tìm hiểu vào sâu thì đó là cả một qui trình phức tạp, kỳ công, đòi hỏi những người thợ phải có những bí quyết riêng được truyền từ đời này qua đời khác của một làng nghề.
Quy trình kỹ thuật làm trống phải được thực hiện kỹ lưỡng qua 3 khâu: làm da, làm tang và bưng trống. Khâu bưng trống là khó nhất. Nó không đơn giản chỉ là căng da trâu trên mặt trống rồi dùng đinh ghim cố định vào thân trống mà người thợ còn phải khéo léo để căng mặt trống thật phẳng, cho âm thanh vang xa... Thỉnh thoảng, tôi lại thấy ông Thắng leo lên mặt trống, loại có đường kính trên 50cm dậm chân liên tục, đảm bảo mặt trống bền chắc trước khi xuất hàng.
"Trong quá trình mình làm, còn phải để ý gọt mài da cho phù hợp. Ví như vị trí trung tâm gõ đánh nhiều nên cần chịu lực lớn, phải làm mặt da dày hơn. Ngoài đó một khoảng là mặt da cần gọt mỏng hơn và ngoài cùng là dày hơn...", ông chia sẻ.
Điều đặc biệt của làng trống Đọi Tam là không truyền nghề cho con gái, con rể và chỉ truyền nghề cho gia đình con trai. Chị Nga may mắn lấy chồng là người trong làng nên được kế nghiệp của cha ông. |
Bí quyết ở cách mà mỗi người thợ chọn nguyên liệu để làm. Gỗ phải là loại "gỗ mít đánh ít kêu nhiều" như tương truyền. Ông quả quyết, loại nào làm trống cũng chẳng "ngon ơ" bằng gỗ mít, không vênh và giữ tiếng tốt. Các loại gỗ khác dễ đàn hồi, ban đầu khít nhưng sau đó giãn dần.
Việc chọn nguyên liệu da rất quan trọng. Da phải là loại da trâu chọn mua từ những con trâu già, ốm. Theo lý giải, trâu ốm là những con trâu lao động nhiều nên da có độ bền, chắc hơn, mắc tiền hơn.
Dù chỉ sử dụng 2 nguyên liệu chính là gỗ mít và da trâu nhưng tiếng trống do những nghệ nhân ở Đọi Tam có âm vực riêng. Nhất là tiếng trống cái, trống hội bao giờ cũng trầm hùng, vang dội hơn trống do những nơi khác sản xuất. Còn nếu người chơi trống muốn có âm thanh như mong muốn, họ cũng sẵn sàng chiều lòng khách hàng.
"Người làm trống phải có sự đam mê, phải có tai thẩm âm để xác định độ vang của trống bởi mỗi loại trống có tiếng vang khác nhau. Còn đó là sức khỏe và sự dẻo dai bền bỉ để làm những công đoạn nặng nhọc", vợ ông Thắng nhận thấy.
Chính vì nền văn hoá lâu đời của làng nghề Đọi Tam và những bí quyết làm nghề không thể truyền ra bên ngoài, mà điều đặc biệt là nghệ nhân chỉ được phép truyền dạy cho con trai, không có ngoại lệ. Như gia đình của ông Thắng có 3 người con nhưng ông chỉ truyền dạy nghề cho đứa con trai duy nhất, 2 người con gái còn lại tự kiếm nghề khác để mưu sinh.
Hay như trường hợp của chị Nga, mặc dù là cháu gái ruột trong nhà nhưng may mắn lấy chồng là người làng nên được kế nghiệp của làng.
"Trống Đọi Tam sản xuất ở Quảng Ngãi chất lượng cao chẳng kém trống sản xuất tại làng nghề. Mỗi năm, mỗi cơ sở làm trống cung cấp ra thị trường hàng nghìn sản phẩm các loại, từ trống trường học, trống hội, trống chùa với kích thước lớn, cho đến các loại trống con. Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết Trung thu, các cơ sở phải làm việc hết công suất mới kịp cung ứng hàng nghìn trống múa lân cho thị trường...", chị Phạm Thị Nga, 37 tuổi, chủ cơ sở làm trống Đọi Tam ở xã Bình Hiệp (huyện Bình Sơn), cháu ông Thắng cho hay.
Hàng chục năm ròng rã xa quê, chỉ thỉnh thoảng những nghệ nhân làm trống mới trở về làng Đọi Tam khi có dịp, vì bây giờ họ đã là một phần nơi xứ Quảng. Tranh thủ những lúc trở về, họ học hỏi thêm nghề, trao đổi thị trường tiêu thụ, tìm nguồn nguyên liệu với các nghệ nhân của làng.
Thật mắn thay, các con cháu của làng dù ở làng hay đi đâu, về đâu họ cũng gắn bó với niềm đam mê, để tiếng trống Đọi Tam vang vọng mãi không thôi nơi đất Quảng, vùng đất lành cho nghề truyền thống phát triển.
Bài, ảnh: Thiên Hậu