Hệ thống thư viện ở Quảng Ngãi: Nơi đông đúc, chỗ đìu hiu

10:05, 20/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở đã từng bước xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tri thức, thói quen đọc sách của người dân. Tuy nhiên, hoạt động của không ít thư viện trong tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả.
Đến Thư viện Tổng hợp tỉnh, tôi không khỏi ấn tượng và cảm phục tinh thần đam mê đọc sách của lão nông Tạ Ngọc Ân (89 tuổi) ở thôn 3, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa). Dù tuổi đã cao, nhưng hằng tuần, ông Ân đều đạp xe đạp đến Thư viện tỉnh đều đặn 1-2 lần để đọc sách.
 
Ông Ân cho hay: “Tôi phải chắt chiu từng đồng để có tiền mua sách. Tủ sách của tôi giờ đã hơn 300 cuốn. Ngoài ra, tôi đến thư viện thường xuyên để đọc và mượn sách về nghiên cứu. Tôi thật tiếc khi có một bộ phận giới trẻ bây giờ tốn thời gian la cà quán xá, nhưng lại lười đọc sách. Tôi nghĩ, ở tuổi nào cũng phải đọc sách để bồi đắp tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn”.
Còn ông Nguyễn Trung Thuật (70 tuổi), ở xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ), mỗi tuần đều dành thời gian đến thư viện đọc sách. “Thư viện đầu tư hiện đại, có hàng nghìn cuốn sách có giá trị nên không đến đây đọc sách thì tiếc lắm”, ông Thuật bày tỏ.
 
Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh đã trang bị hàng nghìn đầu sách phong phú, đa dạng về nhiều lĩnh vực để phục vụ độc giả, đồng thời đầu tư 1,5 triệu tài liệu điện tử. Năm 2019, thư viện thu hút 200 - 300 nghìn lượt bạn đọc.
 
Tại TX.Đức Phổ, nhờ đầu tư đồng bộ, đầu năm 2020 địa phương đã đưa vào sử dụng thư viện quy mô 3 tầng, tổng kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng; trang bị hơn 14 nghìn đầu sách và phòng vi tính phục vụ bạn đọc. Chị Trần Thị Nữ Vương - cán bộ phụ trách thư viện cho hay: “Đầu năm 2020 đến nay, số lượt bạn đọc đến thư viện rất đông. Mỗi ngày đơn vị tiếp nhận hơn 50 lượt bạn đọc. Đa số độc giả là học sinh, sinh viên”.
 
Tại huyện Lý Sơn, mới đây địa phương đã khánh thành đưa vào sử dụng thư viện huyện. Thư viện xây dựng từ nguồn tài trợ của Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Nhờ đó đã thu hút nhiều người dân, học sinh địa phương đến tham quan, tìm hiểu, đọc sách.
 
Bên cạnh một số thư viện được đầu tư đồng bộ, thu hút nhiều bạn đọc, thì hiện tại còn nhiều thư viện tuyến huyện và tủ sách tại các xã, thị trấn chưa phát huy tác dụng.
 
Tại huyện miền núi Sơn Tây, trung bình mỗi năm số người dân đến thư viện huyện đọc sách, mượn sách chỉ có vài chục lượt người. Đơn vị thì đang thiếu cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này.
Còn tại huyện Trà Bồng, số lượt người dân đến thư viện huyện đọc sách cũng rất khiêm tốn. Theo chị Hồ Thị Bích Liễu- cán bộ phụ trách Thư viện Trà Bồng, thì thư viện phục vụ cho học sinh dịp nghỉ hè là chính, còn ngày thường thì rất ít người đến.
 
Không chỉ ở miền núi, mà một số huyện đồng bằng, hoạt động của thư viện cũng kém hiệu quả. Nhiều tủ sách được xây dựng tại các xã, thị trấn cũng không duy trì hoạt động. Theo lãnh đạo nhiều địa phương, một trong những nguyên nhân khiến thư viện huyện đìu hiu là do bùng nổ công nghệ thông tin, giới trẻ ít đam mê đọc sách, nguồn sách một số nơi còn nghèo nàn.
 
Phó Giám đốc phụ trách Thư viện Tổng hợp tỉnh Trần Thị Hưng cho biết: Biên chế cán bộ phụ trách thư viện ở nhiều nơi chưa có. Do đó, nhiều đơn vị cắt hợp đồng nhân viên có chuyên môn, dẫn đến hoạt động của các thư viện hiện chưa phát huy hiệu quả. Muốn đổi mới một cách toàn diện hoạt động các thư viện rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, cũng như sự phối hợp giữa thư viện với các đoàn thể và ngành giáo dục trong việc tuyên truyền, giới thiệu sách đến với người đọc, nhằm tạo thói quen đọc sách cho giới trẻ trong gia đình, nhà trường, khơi dậy văn hóa đọc trong xã hội.
 
“Trong thời gian đến, Thư viện Tổng hợp tỉnh sẽ luân chuyển sách phục vụ lưu động tại các địa phương và trường học để tạo thói quen đọc sách cho học sinh; tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ phụ trách thư viện cơ sở. Ngoài ra, tập trung xây dựng thư viện điện tử để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc”, bà Hưng cho biết thêm.
 
 KIM NGÂN
 

.