(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày giáp Tết, người dân tại nhiều làng chài trên địa bàn tỉnh đang tập trung chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền tứ linh truyền thống sẽ diễn ra vào dịp đầu năm mới. Đây là nét đẹp văn hóa mà người dân miền biển gìn giữ suốt bao năm qua và xem đấy là hoạt động khai xuân truyền thống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ công chuẩn bị thuyền đua
Đua thuyền vào ngày mùng 4 tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống được người dân làng chài Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) duy trì suốt mấy mươi năm qua. Để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền tết Canh Tý 2020, người dân các thôn của Tịnh Kỳ và cả những người con của Tịnh Kỳ đi làm ăn xa đều đồng lòng đóng góp kinh phí cho các đội đua đóng thuyền.
Chia sẻ niềm vui khi người dân thôn mình vẫn luôn hướng lòng về với những giá trị truyền thống, trưởng thôn Kỳ Xuyên Nguyễn Sinh hồ hởi bảo: “Đội thuyền đua thôn Kỳ Xuyên chúng tôi vừa “tậu” một thuyền đua mới trị giá hơn 150 triệu đồng để chuẩn bị cho đợt đua thuyền Mùng 4 tết Canh Tý. Thuyền này được chúng tôi ra tận xưởng chuyên đóng thuyền đua ở Quảng Nam để đóng và vừa đưa về vào đầu tháng Chạp năm nay”.
Trưởng thôn Kỳ Xuyên (Tịnh Kỳ) kiểm tra lại thuyền đua trước khi đưa thuyền xuống nước tập luyện. |
Không chỉ riêng thôn Kỳ Xuyên, mà năm nay thuyền đua của thôn An Kỳ và Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tịnh Kỳ đều được đóng mới. Các thuyền đua tuy đóng mới, nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc, cách trang trí truyền thống, vẫn mô phỏng theo hình tượng tứ linh (long - ly - quy - phụng) và đang được người dân các làng chài Tịnh Kỳ bảo quản rất kỹ lưỡng để chuẩn bị cho xuân Canh Tý 2020.
Khẩn trương tập luyện
Người dân các làng chài Quảng Ngãi quan niệm rằng, thuyền đua làng nào về nhất thì năm đó làng ấy sẽ được mùa màng bội thu. Vì vậy, song song với việc đóng thuyền, công tác chuẩn bị lực lượng và tập luyện trước lễ hội được Ban tổ chức thuyền đua các làng chài đặt lên hàng đầu.
Tại làng chài Đức Lợi (Mộ Đức), dù Mùng 4 Tết mới diễn ra lễ hội đua thuyền đầu xuân, nhưng ngay từ 24 tháng Chạp, ngư dân đã tề tựu đông đủ để tập đua thuyền tại Cửa Lở. “Đua thuyền là lễ hội rất ý nghĩa, nên đội thuyền đua 15 người của thôn dù hầu hết đều đi biển ở xa, nhưng đã cố gắng nghỉ biển, về quê sớm và cùng tập luyện. Không chỉ anh em ngư dân chú tâm cho lễ hội, mà người dân trong thôn ai nấy đều quan tâm đến lễ hội này bằng cách tự nguyện góp kinh phí cho mấy anh em uống nước khi luyện tập, khiến các anh em trong đội đua rất vui và cảm động”, Trưởng thôn Vinh Phú (xã Đức Lợi) Đinh Công Thông cho biết.
Còn tại làng chài Tịnh Kỳ, ngay từ ngày 19 tháng Chạp, 4 đội thuyền đua sẽ tham gia lễ hội đua thuyền của xã là thôn An Vĩnh, An Kỳ, Kỳ Xuyên và Nghiệp đoàn nghề cá xã Tịnh Kỳ đã chính thức bước vào tập luyện.
“Mỗi đội thuyền đua có 18 người, nhưng chúng tôi luôn chuẩn bị lực lượng từ 30 - 35 người. Những tay chèo nằm trong danh sách đội đua đều chủ động tạm gác lại việc riêng để tập trung tập luyện từ 19 tháng Chạp đến tận 30 Tết. Vì đua thuyền đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả đội nên phải tập luyện kỹ lưỡng, cả đội mới thống nhất được động tác, kỹ thuật... ”, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tịnh Kỳ Phan Hữu Nhất cho biết.
Gác lại việc nhà để tập trung chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền tứ linh, người dân tại các làng chài ven biển Quảng Ngãi đang góp sức gìn giữ nét đẹp văn hóa tín ngưỡng độc đáo. Lễ hội đua thuyền với họ không chỉ là hoạt động khai xuân truyền thống mang tính cộng đồng, mà mọi người còn gửi gắm vào đấy những mong muốn về một năm mưa thuận gió hòa, mùa biển cũng như nông nghiệp được bội thu.
Góp cả trăm triệu cho lễ hội đua thuyền
“Hướng lòng về với lễ hội đua thuyền truyền thống, bà Nguyễn Thị Lời, một người con của Kỳ Xuyên hiện đang sống tại Thụy Điển đã gửi về 100 triệu đồng ủng hộ đội đua thuyền Kỳ Xuyên đóng thuyền mới. Những người con của Kỳ Xuyên đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc cũng hồ hởi đóng góp 17 triệu đồng...”, ông Nguyễn Sinh, trưởng thôn Kỳ Xuyên (Tịnh Kỳ) vui mừng liệt kê.
|
Bài, ảnh: Ý THU