Giữ lửa bài chòi

06:01, 26/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Ham mê cái thứ bài chòi/ Bỏ con hắn khóc cho lòi rún ra/ Ai về dãy đất miền Trung/ Nghe người con xứ Quảng ung dung hô chòi...”.  Những câu hò, điệu lý đặc trưng của bài chòi làm say đắm lòng người, là nguồn huyết mạch ngọt ngào, nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ của biết bao thế hệ người dân Nam Trung Bộ.
Về “cái nôi” của bài chòi xứ Quảng
 
Nếu Bình Định là "cái nôi" của bài chòi miền Trung, thì xã Bình Thuận (Bình Sơn) là “cái nôi” của bài chòi Quảng Ngãi. Qua bao thăng trầm, lời ca mượt mà, thấm đẫm tình quê vẫn lưu truyền qua bao thế hệ. 
Các nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật bài chòi đầu xuân. Ảnh: A.KIỀU
Các nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật bài chòi đầu xuân. Ảnh: A.KIỀU
Nhắc đến bài chòi, khuôn mặt đầy nếp nhăn của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thu - Chủ nhiệm CLB Dân ca bài chòi xã Bình Thuận như giãn ra. Ông Thu cười khà khà: “Bài chòi đã ăn sâu vào máu thịt của  người dân Bình Thuận, từ trẻ con đến người già, ở đâu có biểu diễn bài chòi là ở đó dân làng kéo đến đông như hội”.
 
Sinh ra và lớn lên ở làng biển thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn). Thuở thiếu niên, ông Thu đã theo ông, cha đi biển. Những ngày làm bạn với sóng gió, nghe ông và cha ngâm nga làn điệu dân ca bài chòi, từ đó tình yêu dành cho nghệ thuật dân gian cứ lớn dần trong ông và ngấm vào trong máu thịt. “Ngày đó, bài chòi không tấu hòa trong thanh âm của các loại nhạc cụ như bây giờ. Vậy mà, những điệu lý, câu hò vẫn làm say đắm lòng người”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thu trải lòng.
 
Mấy chục năm qua, sau những giờ lao động, cứ đến mùa trăng là thời gian nghỉ đánh bắt, mọi người lại tụ tập hát bài chòi để thỏa niềm đam mê và giữ gìn cho đời sau. Người chưa biết hát thì hào hứng gõ theo nhịp. Không chỉ dịp Tết mà bất cứ lễ, hội của xóm làng đều có biểu diễn bài chòi. 
 
Đam mê cháy bỏng với nghệ thuật bài chòi, năm 2011, cố nghệ nhân ưu tú Bùi Duy Huyễn đứng ra kêu gọi và thành lập CLB đàn và hát dân ca xã Bình Thuận. Để rồi, CLB mang nét đặc sắc của môn nghệ thuật này đi khắp cả nước và được đông đảo khán giả mến mộ. Năm 2017, CLB đổi tên thành CLB Dân ca bài chòi xã Bình Thuận.
 
Là học trò “ruột” của cố nghệ nhân Bùi Duy Huyễn, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thu quả không phụ lòng thầy. Ông đã đưa tiếng tăm của CLB lên tầm cao mới. Ông Thu được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng vì có thành tích trong việc tham gia xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Giữ “ngọc” cho đời sau
 
Năm 2018, UNESCO công nhận Nghệ thuật bài chòi Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có nghệ thuật bài chòi xứ Quảng. Với những người theo đuổi bộ môn nghệ thuật bài chòi, bài chòi là “ngọc” cần giữ gìn cho đời sau. Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca bài chòi xã Bình Thuận, nghệ nhân Nguyễn Thực cho rằng: “Gìn giữ bài chòi là giữ “ngọc” cho đời sau. Hai năm qua, các thành viên CLB đã mang đến cho học sinh ở xã Bình Thuận hoạt động ngoại khóa ý nghĩa, đó là mang bài chòi vào trường học với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi ngay trong trường học. Bài chòi mang đậm tính giáo dục, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp. Thế nên, việc đưa bài chòi vào trường học đã và đang góp phần gìn giữ di sản, đồng thời lan tỏa ngọn lửa đam mê đến với lớp trẻ hôm nay.
Nghệ nhân của làng 
 
Bước sang tuổi 70, nghệ nhân dân gian Vũ Huy Bình ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) vẫn mải mê gìn giữ, sưu tầm những làn điệu bài chòi. Thuở thiếu thời, ông Bình hay theo cha đến tham dự, vui chơi ở các lễ hội văn hóa ở địa phương. Tại đây ông được nghe những lời ca, tiếng hát mượt mà, da diết khiến ông đắm chìm vào đó.
 
Gần nửa phần đời gắn bó với ngành văn hóa thông tin, một lòng hướng về làn điệu dân ca, trong đó có bài chòi, hình ảnh những năm tháng thơ ấu vẫn hiện hữu trong tâm trí ông. Thế là, ông tìm gặp các cụ cao niên trong làng, lắng nghe các cụ kể chuyện, hát bài chòi... 
 
“Những ca từ các cụ cất lên mang hơi thở, đậm nét văn hóa xa xưa. Tôi chép lại hết để làm tư liệu. Sau 10 năm tôi sưu tầm được hàng trăm bài dân ca bao gồm cả làn điệu bài chòi”, ông Bình cho biết.
 
Để nhân rộng loại hình nghệ thuật bài chòi, ông Bình đứng ra kêu gọi, thành lập CLB Bài chòi xã Bình Thạnh. Hiện tại, CLB có gần 70 thành viên. Từ Mùng 2 đến Mùng 8 tết Nguyên đán, CLB Bài chòi biểu diễn tại nhà văn hóa xã. “Sống đến tuổi này tôi vui nhất khi chứng kiến người dân quê hứng thú với nghệ thuật bài chòi. Những ngày tết khuôn viên sân của nhà văn hóa chật kín người. Tiếng cười, câu hát, những thẻ bài giơ lên... tạo nên một không gian văn hóa dân gian đậm nét. Tôi mong rằng, nghệ thuật dân gian bài chòi sẽ được lưu truyền muôn đời”, ông Bình trải lòng.
 
Còn nghệ nhân Phạm Thị Lượng ở thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức) thì tâm sự: Bài chòi như máu đang chảy trong cơ thể. Được hát bài chòi làm cho cuộc sống của tôi thêm ý nghĩa.
 
Vào năm 16 tuổi, lần đầu tiên bà Lượng nghe bài chòi khi được người cô dẫn đến Đoàn ca kịch Thuận Hải. Những câu hát, hình thái biểu diễn ấn tượng của những người nghệ sĩ đã theo bà Lượng đến tận bây giờ. Từ đó bà Lượng tìm tòi, tập luyện những làn điệu bài chòi. Dù vất vả làm đủ nghề để mưu sinh, nhưng niềm yêu thích nghệ thuật bài chòi vẫn luôn rực cháy trong người nghệ nhân này. “Khi hát bài chòi sẽ giúp tâm hồn tôi nhẹ nhàng, yêu đời hơn”, bà Lượng bộc bạch.
 

 

 ÁI KIỀU - DƯƠNG NỮ
 
 
 
 

.