Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý |
Niềm hạnh phúc ấy nhiều khi thật bé bỏng, như lời ru của mẹ trong bài hát “Mẹ yêu con”: "Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng... Mấy nắng sớm rồi mưa chiều, chín tháng so chín năm...". Với người mẹ, hy sinh cho con, sống vì con là niềm hạnh phúc bất tận.
Trong chiến tranh, lại những người mẹ ấy, những người mẹ từ nhân dân lặng lẽ vá những tấm áo của chiến sĩ, trong bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, những mảnh vá nhỏ nhoi như mang cả một tình yêu thương sâu nặng của mẹ Nhân Dân dành cho những đứa con bộ đội. Đó là hạnh phúc của người mẹ khi chăm con, và hạnh phúc của những đứa con chiến sĩ khi mặc lên người tấm áo vá thấm đẫm hạnh phúc từ Mẹ.
Ai đã có những tác phẩm âm nhạc kết nối niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà lớn lao đến thế từ mẹ và con? Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe lại trên youtube bài hát bất tử “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, cảm nhận được từ âm nhạc và lời ca những ấm áp vô cùng của tình mẹ thương con, tình con yêu mẹ. Tôi nghĩ, những người từng khoác áo lính, những người kháng chiến cũ mỗi khi nghe lại bài hát này đều không thể nén những xúc động, không thể không nhớ về những tháng năm thấm đẫm niềm hạnh phúc trong chiến tranh mà mình từng trải.
Ai cho chúng ta niềm hạnh phúc được nhớ lại ấy, nếu không phải nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý?
Năm 1982 tôi về Bến Tre dự Hội thảo Nguyễn Đình Chiểu, và bài hát được nghe ca sĩ Bích Phượng của Bến Tre hát trong hội thảo ấy, bài “Dáng đứng Bến Tre” đã khiến tôi trào nước mắt. Bởi tôi nhớ, một người chị giao liên quê Bến Tre, một cô gái Bến Tre “toàn tòng” như cô gái tóc dài trong bài hát của Nguyễn Văn Tý, một người vợ của bạn thân tôi, đã hy sinh khi trên đường giao liên mật từ Bến Tre qua Mỹ Tho vào năm 1973.
Bài hát đã gợi tôi nhớ đến người chị Bến Tre dịu hiền mà can đảm vô song ấy. Tự nhiên, qua bài hát, tôi yêu Bến Tre hơn trước rất nhiều, mà cũng chưa thể giải thích vì sao. Sau này, khi cùng nhà thơ Chim Trắng (quê Bến Tre) thường về xứ dừa này thăm lão nhà văn Trang Thế Hy, tôi mới chợt nhận ra, mình đã yêu mảnh đất này biết bao. Ai đã cho tôi niềm hạnh phúc được yêu thương ấy, nếu không phải nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
“Có thể một mình nghe bài hát
Một mình yêu bài hát vậy thôi
Có thể một mình bay hút mật
Giữa hoang sơ như chú ong ruồi”
Người nghệ sĩ đôi khi cũng nhỏ bé như chú ong ruồi ấy thôi, nhưng biết bay hút mật ngọt từ ca dao, dân ca, từ lời ăn tiếng hát của nhân dân mình, và biến nó thành âm nhạc.
Chính bài hát “Dáng đứng Bến Tre” của Nguyễn Văn Tý đã mang lại cho tôi cảm giác ấy, một cảm giác hạnh phúc thật bình dị của người sáng tạo.
Và mỗi khi nghe ai đó cất lên lời hát: “ Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”, thì dù quê mình không ở Hà Tĩnh, vẫn cảm thấy thấm thía tình quê hương với mảnh đất nghèo khó mà tuyệt đẹp ấy.
“Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh
Nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La
Nhớ biển rộng quê ta…”
Âm nhạc Nguyễn Văn Tý khiến tâm hồn ta khoảng khoát mát mẻ như được đón ngọn gió nồm mùa hạ từ biển thổi về.
Người ta nói khi về già, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chỉ ở căn nhà có 10 mét vuông. Tôi chưa một lần được tới nhà ông, nhưng tôi nghĩ, ngôi nhà của Nguyễn Văn Tý rộng lắm, nó là cả quê hương này, đất nước này.
Mười mét vuông chỉ là nơi trú ngụ, còn tâm hồn, âm nhạc, tài năng của người nhạc sĩ ấy thênh thang ở “những cánh đồng muối trắng”, ở những “cây dừa để lại cho ta bóng quê”, ở “con sông dài Hàm Luông bến ta quen ghé”, và sao không, ở “tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre”.
Chúng ta đã mất một người nhạc sĩ mà thiên mệnh là sống để ngợi ca hạnh phúc của nhân dân mình, những niềm hạnh phúc nhiều khi nhỏ bé, nhiều khi chỉ như miếng vá trên áo những đứa con bộ đội, nhưng nó còn mãi trong tâm hồn người Việt.
Nếu Hàn Mặc Tử “chỉ toàn là thơ”, thì Nguyễn Văn Tý “chỉ toàn là âm nhạc”, trong trẻo, yêu thương, ngọt lành như nươc dừa Bến Tre, an ủi tâm hồn chúng ta những khi khô khát.
Dù nhân dân ta có nhiều phen bất hạnh, lắm nỗi truân chuyên, âm thầm chịu đựng, thì không vì thế mà nhân dân không có những niềm hạnh phúc, bình dị, nhỏ bé, chắt chiu, đầy xúc cảm.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những nghệ sĩ mang tới, ca ngợi niềm hạnh phúc của nhân dân, coi đó là niềm hạnh phúc của chính mình.
“Ai đứng như bóng dừa”, còn ai nữa, chính là Ông, người nhạc sĩ cực tài năng và cực bình dị của nhân dân, người có thể sống lâu như một cây dừa lão, và hát những bài ca thầm lặng của cây dừa:
“Mỗi lúc đi xa dừa ơi ta nhớ lắm nghe”.
Bây giờ thì Ông đã đi xa, và cả rừng dừa bên sông Hàm Luông ấy nhớ về Ông như nhớ một cây dừa trĩu quả âm nhạc, mang tới thứ nước dừa tinh khiết dâng tặng nhân dân mình.
Vĩnh biệt Ông!
Thanh Thảo