(Báo Quảng Ngãi) - Ngoài thương cảng Thu Xà nổi tiếng là nơi giao thương sầm uất của ngành thương nghiệp Quảng Ngãi, thì vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chợ Chánh Lộ (nay là chợ Quảng Ngãi) hình thành, trở thành trung tâm mua bán, trao đổi hàng hóa của cả tỉnh cho đến tận bây giờ.
Theo các nhà nghiên cứu, chợ Chánh Lộ hình thành với "sứ mệnh" là biến nơi đây trở thành “trung tâm” mua sắm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các thương gia, kể cả việc thiết lập giá đối với các loại hàng hóa nhằm chuẩn hóa giá trị để tiện trong bán buôn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo các nhà nghiên cứu, chợ Chánh Lộ hình thành với "sứ mệnh" là biến nơi đây trở thành “trung tâm” mua sắm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các thương gia, kể cả việc thiết lập giá đối với các loại hàng hóa nhằm chuẩn hóa giá trị để tiện trong bán buôn.
Chợ Chánh Lộ xưa được xây dựng ở phía tây thị xã Quảng Ngãi, sau này mở rộng và xây dựng tại phường Nguyễn Nghiêm. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tại chợ Chánh Lộ ngày càng sầm uất.
Sách Địa dư tỉnh Quảng Ngãi của Nguyễn Đóa và Nguyễn Đạt Nhơn xuất bản năm 1939 ghi: Xưa kia ở địa bàn các làng quê nơi đây đều có chợ: Chợ Ông Bố (phía tây), chợ Ba La (phía đông), chợ Gò Quán (phía nam), chợ Phú Mỹ Hạ... và lớn nhất là chợ Chánh Lộ (sau trở thành chợ tỉnh), nơi hội tụ việc mua bán của toàn tỉnh.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho hay: Dấu tích để khẳng định cho sự sầm uất và lâu đời của chợ Chánh Lộ chính là đình Chánh Lộ và chợ trời hình thành đến tận bây giờ.
Chợ Quảng Ngãi được xây dựng mới sau khi bị cháy vào năm 2012. ẢNH: TL |
Có thể nói, việc hình thành chợ Chánh Lộ và xây dựng nơi đây trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa lớn của tỉnh mang tầm chiến lược vĩ mô của các nhà buôn thời bấy giờ”.
Sách Địa dư tỉnh Quảng Ngãi cũng mô tả về không khí buôn bán ở đây: “Trung tâm Quảng Ngãi cũng là nơi hội hiệp các công sở lớn như Tòa sứ, dinh Quan Tuần, đồn Khố xanh... dân cư trù mật khoảng trên 3.000 người.
Con đường cửa Tây phố xá đông đúc, buôn bán đồ tạp hóa, quang cảnh ngày đêm có vẻ náo nhiệt. Các nhà buôn ở thành phố hồi này phần lớn là Hoa kiều, Ấn kiều. Trong số các hiệu buôn của người Việt nổi tiếng có các hiệu Quảng Đông An, Quảng Hòa Tế, Mỹ Đông An, Lợi An, Phạm Hoè...”.
Cũng theo TS.Đoàn Ngọc Khôi, thời bấy giờ giao thông đường bộ chưa phát triển, nên đường thủy vẫn là lựa chọn hàng đầu. Chính vì để thuận tiện trong việc nhập và xuất hàng hóa mà chính quyền đã cho đào sông Đào (1938) nối từ bến Tam Thương dẫn vào trung tâm đô thị để ghe thuyền vào ra buôn bán.
Ngoài ra, kênh hào thành cũng trở thành tuyến đường vận chuyển hàng hóa rất lớn. Thời đó, các mặt hàng được buôn bán chính là tơ lụa, đường cát, đường phèn, dệt... khu vực quanh chợ có nhiều cửa hàng đóng bàn ghế theo kiểu tân thời, đánh xi bóng nhoáng rất đẹp.
“Xét theo tổng thể, chợ Chánh Lộ có từ thời vua Gia Long, nhưng lúc đó cảng Thu Xà vẫn là trung tâm mua bán lớn, chỉ đến khi đường sắt hình thành, vận tải đường bộ phát triển, thì lợi thế của chợ Chánh Lộ mới được các nhà buôn “dốc sức” xây dựng và dần lấn át các chợ khác, kể cả thương cảng Thu Xà, để trở thành trung tâm mua bán của cả tỉnh.
Điều này thể hiện qua số tiền thuế mà các tác giả Quảng Ngãi tỉnh chí có ghi chép về số thuế của chợ tỉnh vào năm 1933 là 1.353,6 đồng (tiền Đông Dương), cao vượt trội so với các chợ khác trong tỉnh. Số liệu trên dù mang tính tương đối thì cũng là chỉ dấu cho thấy việc mua bán, trao đổi hàng hóa ở đây là rất phát triển, chợ Chánh Lộ trở thành trung tâm mua sắm của cả tỉnh thời bấy giờ”, ông Khôi chia sẻ.
LÊ ĐỨC