(Báo Quảng Ngãi)- Gió rít từng cơn. Tiếng sóng vỗ liên hồi. Mái tôn trước hiên nhà rung lên bần bật khi liên tù tì đón gió lớn từ ngoài biển thổi vào. Từ chiều, đàn hải âu bay rợp mặt biển cũng đã sải những đôi cánh rộng biến đi đâu biệt tăm. Không gian yên ả, lặng thinh thường nhật của làng biển có cái tên bình dị ở xứ cù lao Mỹ Tân bị thổi bay, cuộn sâu vào trong cát, nhường chỗ cho những cơn thịnh nộ của cuồng phong. Bóng đêm trùm phủ. Mưa xối xả báo có bão lớn đang về.
Giọng chị Hải giục lớn vọng ra từ ngồi nhà nhỏ nằm sát mé biển: “Tính đâu. Vào bếp tự bới cơm ăn rồi lên bàn học bài mau. Đêm nay mẹ phải trực Icom báo gió cho các chú rồi”.
Vừa dứt, vẫn giọng nói ấy, gấp gáp, lúc trầm, lúc bổng phát ra giữa không gian tĩnh mịch về đêm, mạnh mẽ và dứt khoát chẳng khác những vị thẩm phán lúc tuyên án ở tòa: “Tổng đài Hải Icom gọi! 49. 49. 49 nghe rõ trả lời!”.
Không có tiếng người vọng ra, chỉ nghe có tiếng vo ve, rồ rồ đầy tạp âm trong chiếc máy Icom lẫn lộn với thứ âm thanh lộp độp của làn mưa xối xả đang dội thẳng xuống mái nhà.
Khuôn mặt chị Hải càng lúc càng căng như dây đàn. Ngón tay cái, tay trỏ giữ chặt cái núm vặn của chiếc máy Icom hiệu VHF cũ kỹ, chị lại tiếp tục vặn qua vặn lại dò sóng. 3 phút trôi qua, chị vẫn chưa nghe thấy tiếng hồi đáp từ phía đầu Icom ngoài biển của tàu mang ký số 49. Từ chiều, nghe đài báo gió, chị biết, con tàu này của người làng chị đang ở vùng nguy hiểm của bão.
Nhiệm vụ của chị bây giờ là phải liên lạc cho được với tàu 49 để báo hướng đi của bão, hướng dẫn họ chạy đi tránh trú. Nếu không liên lạc được thì rạng sáng mai, lúc bão vào, tàu 49 sẽ nằm lọt trong tâm bão. Chị không muốn điều đó xảy ra. Chị càng không muốn tàu 49 lại cùng chung số phận với còn tàu ký số 38 của chồng chị như hồi 5 năm trước.
Bão biển hồi đó đã nhấn chìm con tàu xấu số của chồng chị xuống tận đáy đại dương, cướp mất chồng chị, biến chị thành một người đàn bà góa phụ. Bất hạnh trước nỗi đau mất chồng, chị đâm ra sợ những phụ nữ ở làng mình cũng sẽ chịu cảnh góa phụ như chị.
Vậy là, từ chỗ một người đàn bà bán cá ở chợ xã, chẳng biết chút gì về cái nghề liên lạc Icom cho tàu cá đánh bắt xa bờ, chị vốc hết số tiền tiết kiệm, tự đi mua máy Icom cộng đồng về đặt ở nhà, cất công lên tận Đài Khí tượng thủy văn tỉnh để học lỏm cách cập nhật thông tin thời tiết rồi về làm thêm nghề canh biển.
Chẳng ai ép chị, chị tự làm, chị làm công dã tràng. Ban đầu chưa quen, nghe cái giọng nữ lạ lạ của người đàn bà như chị, các ngư phủ còn e dè, kém tin. Nhưng rồi qua bao trận bão, chị dự báo và hướng dẫn chưa từng trật vụ nào nên ngư dân ở làng dần dà đặt trọn niềm tin ở chị, gọi Icom của chị là “Tổng đài Icom chị Hải”.
Nghĩ tới chồng, nước mắt chị chực trào ra, lòng quặn thắt. Phút giây nhớ chồng như cơn sóng dữ ngoài khơi kia đang quần thảo trong lòng chị. Bỗng chị trân người, lắc mạnh cái đầu sang trái rồi sang phải như cốt để cố gạt phăng đi ký ức, không cho nó luẩn quẩn trong đầu giữa lúc đang dầu sôi lửa bỏng tìm tàu 49.
Thằng Tính rón rén đến chỗ chị nói khẽ: “Chai nước mắm hết rồi mẹ ơi, không có để con chan ăn với cơm”. Chị cũng chẳng để tâm để đủ nghe thấy lời thằng Tính con chị nói giữa lúc rối bời vì bão biển. Chị đang dồn hết vào cái máy Icom trước mặt mình. Thằng Tính vội rời đi cho mẹ nó tiếp tục công việc. Dường như nó đã quá quen với điều này từ mẹ nó suốt 5 năm nay, mỗi khi có bão sắp về làng.
Mưa càng lúc càng lớn. Gió vẫn quật từng cơn. Chị như ngồi trên lửa, ruột gan rối bời. Chị lại cố vặn dò tìm tần số tàu 49 thêm lần nữa. Tay phải chị cầm chặt cái micro cầm tay của Icom đưa khít vào đôi môi tím lạnh liên hồi gọi: “49 đâu. 49 đâu. Các anh trả lời đi. Có nghe thấy không. 49. 49”.
Từ đầu bên kia, giọng nói của một người đàn ông lẫn trong tạp âm: “49 đây. Nghe đây tổng đài Icom chị Hải ơi! Sóng ngoài này lớn lắm”. Chị khấp khởi mừng, vội dồn hết hơi sức nói một lèo như sợ sóng biển, sợ tần sóng Icom bị nhiễu sẽ chặn ngang thì tàu 49 sẽ không nghe lời chị nói: “Các anh tàu 49 chú ý, bão đang áp sát tàu các anh. Bão đang ở tọa độ 17,2 độ vĩ Bắc; 117,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15. Cơn bão này lớn lắm, lo đưa tàu thoát ngay ra vùng nguy hiểm. Mau đi các anh. Rạng sáng mai tâm bão vào đúng chỗ các anh đấy”.
“Chúng tôi đang chạy thoát đây. Đi xuống hướng vùng biển Trường Sa để tránh có kịp không chị Hải ơi! Có thông tin mới báo gấp cho 49 tụi tui heng ”, đầu dây bên kia vừa dứt lời, chị Hải vội hô lớn: “Kịp, kịp. Các anh cho tàu chạy ngay đi. 30 phút sau sẽ cập nhật tiếp cho 49”.
Chị thở phào nhẹ nhõm. Thằng Tính lần này lại rón rén đến chỗ mẹ. Nó bưng một tô cơm chang đậm đen xì dầu thay mắm và 1 con cá nục kho đến chỗ chị. “Mẹ ăn đi rồi còn canh biển cho các chú” – thằng Tính đưa tô cơm lên trước mặt mẹ nói. Chị Hải lần này mới để ý tới nó. Chị nhìn thằng Tính cười hiền, đưa tay cầm lấy bát cơm từ tay thằng Tính đặt xuống bàn rồi xoa đầu thằng Tính bảo: “Con đi học bài tiếp đi, để đây lát mẹ ăn”.
Thằng Tính vừa rời đi, chị lại vò vò, vặn vặn cái núm vặn của Icom rà tìm liên lạc thêm các tàu 47, 64, 83, 89... để thông báo bão. Trời càng lúc càng khuya. Mưa chưa ngớt. Chị vẫn cặm cụi ngồi đó, bên cái bàn đặt chiếc máy Icom.
Đồng hồ đã điểm sang 1 giờ sáng. 50 chiếc tàu cá ở làng chị lần lượt được chị liên lạc, hướng dẫn tỉ mỉ cho từng tàu tìm đường tránh bão. Chị mỉm cười một mình giữa bóng đêm. Vừa lúc bão ập vào Hoàng Sa. Chẳng còn con tàu nào của người làng chị ở đó.
Cơn bão dữ cũng bắt đầu chệch hướng chuyển mạnh sang phía tây tây bắc tiến thẳng sang Trung Quốc. “Vậy là đã thoát bão” – chị lẩm bẩm một mình rồi đưa mắt nhìn về hướng bàn thờ, nơi có di ảnh chồng. Chị nhìn anh không chớp mắt như muốn khoe: “Đêm nay em đã canh biển thành công rồi anh ạ! Các tàu của bà con làng mình đều an toàn cả”.
Rồi chị nghĩ đến ngày xưa, lúc anh Lý – chồng chị - còn sống. Chị lại trách cứ mình. Ngày đó, nếu như chị trực canh Icom như bây giờ có khi chồng chị đã không bỏ xác ngoài biển, sẽ thoát được bão như con tàu 49 đêm nay. Chị gục đầu trên chiếc máy Icom chìm sâu trong giấc ngủ. Tô cơm trên bàn nguội lạnh vẫn còn nguyên.
Bài thơ có tựa “Đợi chờ” đầy thổn thức, khổ đau mà 5 năm trước chị viết vẫn còn dán dính chặt trên vách gian thờ. “Tuy rằng thiếp lập bàn thờ/ Nhưng còn hy vọng bất ngờ về sau/ Tàu buôn, tàu lưới, tàu câu/ Ai vớt được Lý thì mau tin về/ Ở nhà trông đợi mỏi mê/ Mong sao Lý thoát trở về, niềm vui”.
Tờ mờ sáng, bão tan. Xứ cù lao Mỹ Tân đón ánh bình minh của ngày mới. Thằng Tính dậy rất sớm thấy mẹ nằm mệt lả trước Icom. Nó cũng quen với hình ảnh này của mẹ nó mỗi khi có bão. Nó lấy cái chăn ấm nhè nhẹ bước đến quàng lên mình mẹ, rồi vội rời nhà đến trường. Ngoài khơi, những con tàu cá của làng chị lũ lượt trở về bến trong niềm vui bình an sau bão...