Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm Làng Teng

09:10, 03/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Qua đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ Hrê ở Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) đã dệt nên những tấm thổ cẩm truyền thống với sắc màu sặc sỡ, nhiều họa tiết cầu kỳ và gìn giữ nó theo năm tháng. Đây là nghề thủ công có từ lâu đời. Nó không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, mà còn là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Hrê nơi đây.
TIN LIÊN QUAN

Khi đất trời chuyển sang thu, phụ nữ Hrê Làng Teng gác công  việc  đồng áng, nương rẫy, để bước vào mùa dệt thổ cẩm. Mùa dệt năm nay, cán bộ, nhân dân và đồng bào Làng Teng như vui hơn, bởi nghề dệt thổ cẩm Làng Teng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trang phục truyền thống

Cứ đến những ngày lễ hội, tết Ngã rạ, mừng mùa lúa mới... là đồng bào Hrê lại khoác lên mình bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Chị Phạm Thị Găm, thợ dệt ở Làng Teng cho biết: “Nghe tin nghề dệt làng mình được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, cả làng ai nấy đều vui mừng. Từ đầu tháng 9 đến nay, nhiều đồng bào Hrê đặt hàng, mua sắm thêm cho mình bộ thổ cẩm mới để dự lễ, nên đội dệt thổ cẩm của làng phải thức khuya, dậy sớm để làm việc”.
 Tại Làng Teng đã xây dựng nhà văn hóa để giúp Tổ dệt thổ cẩm hoạt động, bảo tồn và phát huy hiệu quả nghề dệt.
Tại Làng Teng đã xây dựng nhà văn hóa để giúp Tổ dệt thổ cẩm hoạt động, bảo tồn và phát huy hiệu quả nghề dệt.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, truyền thống của người Hrê là mặc đồ dệt thổ cẩm. Đàn ông đóng khố, mặc áo cánh ngắn hoặc ở trần, quấn khăn. Phụ nữ mặc váy hai tầng khoác yếm cánh đen, đầu trùm khăn, đeo trang sức vòng cổ bằng đồng và đeo vòng hạt cườm. Màu chủ đạo của thổ cẩm là đen, đỏ, trắng. Theo quan niệm của đồng bào Hrê, thì màu đen và trắng tượng trưng cho đất và nước, màu đỏ tượng trưng cho thần linh.

Năm 2016, Sở VH-TT&DL đã triển khai dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng với quy mô xây dựng trên 10,5 tỷ đồng. Hiện dự án đã đưa vào sử dụng. Nghề dệt thổ cẩm Làng Teng được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. UBND tỉnh đã có quyết định tặng bằng khen cho 1 tập thể; Sở VH-TT&DL, UBND huyện Ba Tơ, xã Ba Thành tặng giấy khen cho 13 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm Làng Teng.
Bà Phạm Thị Pọc, thợ dệt Làng Teng kể: "Từ  nhỏ, mỗi lần đến dịp lễ hội, cưới hỏi, tôi rất vui khi cha mẹ cho mặc đồ thổ cẩm. Bởi trong những ngày này, ngoài mâm cúng có đặt các tấm vải thổ cẩm để cúng thần linh, từ người già đến trẻ ai cũng mặc đồ truyền thống và chưng diện những món trang sức đẹp nhất để tham gia nhảy múa, ca hát...".

Đặc trưng của nghề dệt thổ cẩm

Nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng có từ lâu đời, đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người Hrê.
 
Theo các già làng, trước đây sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Hrê dệt thủ công, nguyên liệu chủ yếu là bông trồng trên rẫy. Cứ đến tháng ba, tiết trời ấm áp, bông nở rộ, người phụ nữ Hrê mang gùi lên rẫy hái bông về phơi khô tách hạt, nhồi mịn, kéo thành sợi, sau đó đem nhuộm thành nhiều màu khác nhau, rồi đưa vào dệt.

Bà Nguyễn Thị Đú, thợ dệt Làng Teng chia sẻ: "Để dệt nên một tấm thổ cẩm, bên cạnh dùng nguyên liệu, tạo màu, công đoạn làm khung dệt và kỹ thuật dệt đòi hỏi rất công phu, nhưng có lẽ khó nhất vẫn là kỹ thuật dệt. Trước tiên, người dệt phải tạo thế cân bằng rồi kéo thẳng chỉ để dệt. Sau đó, thợ dệt phải cân các hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm sao cho hài hòa và đẹp mắt".

Các hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm Làng Teng chủ yếu theo mô típ hình học được liên kết thành ô nối tiếp nhau. Hoa văn có đường thẳng, đường lượn sóng tạo nên hình dáng cách điệu là con sông, con suối... hoặc hoa văn có hình giống các loại vật trong thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá, chim muông... Từ những tấm thổ cẩm này, các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm như váy, áo, khố, khăn, đai địu con... Chính nét đặc trưng này mà thổ cẩm Làng Teng khác biệt với nhiều sản phẩm dệt khác.

Bảo tồn và phát huy giá trị

Trải qua bao biến thiên, nghề dệt thổ cầm ở Làng Teng dần bị mai một. Tuy nhiên, những người phụ nữ Làng Teng hôm nay đã ra sức khôi phục và quyết tâm gìn giữ nghề.
Nghề dệt thổ cẩm Làng Teng đã được các mế giữ gìn. Ảnh: Địa phương cung cấp
Nghề dệt thổ cẩm Làng Teng đã được các mế giữ gìn. Ảnh: Địa phương cung cấp

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho hay: "Những năm qua, huyện Ba Tơ đã có nhiều chính sách hỗ trợ thợ dệt Làng Teng nhằm truyền dạy, khuyến khích người dân lưu giữ nghề truyền thống, mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng sản phẩm. Nhiều hộ gia đình ở Làng Teng đã tập trung đầu tư dệt thổ cẩm, phát triển nghề.

Làng Teng hiện đã thành lập tổ dệt, gồm 5 người. Tổ dệt này đã tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tháng tại nhà văn hóa để trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm dệt, liên kết làm sản phẩm cho khách hàng. Nhờ đó, số lượng phụ nữ ở Làng Teng biết dệt đã tăng lên đáng kể. Đến nay, làng Teng đã có 70 hộ Hrê làm nghề dệt thổ cẩm".

Với đôi tay lành nghề, khéo léo, các sản phẩm thổ cẩm Làng Teng đã được quảng bá, giới thiệu tại nhiều nơi trong nước. Đặc biệt, sản phẩm trưng bày tại Festival Nghề truyền thống Huế được nhiều nhà thiết kế thời trang đánh giá rất cao. Bây giờ, các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Hrê Làng Teng được đồng bào Ba Tơ và các huyện Minh Long, Sơn Hà mua sử dụng trong các dịp lễ hội. Nhiều du khách đến Ba Tơ cũng mua một số sản phẩm dệt thổ cẩm để làm quà lưu niệm.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 

.