Biến cải đầm lầy nên "một thoáng Việt Nam"

10:09, 12/09/2019
.
“Thế gian biến cải vũng nên đồi”, là một câu thơ trong bài thơ nhân tình thế thái của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi chỉ muốn mượn ý trong một câu thơ của Cụ Trạng để nói về ý chí của một người phụ nữ đã biến một vùng đất đầm lầy hoang dã thành “Một thoáng Việt Nam”- một trung tâm nghiên cứu và cho ra đời những chế phẩm sinh học, các loại thuốc chữa nhiều bệnh hiểm nghèo chiết xuất từ các loại rễ củ, từ cỏ cây hoa lá thuần Việt.


Tôi đang ở khu du lịch nghiên cứu và phát triển (R&D) sinh học, nông nghiệp công nghệ cao của chị Tuyết- một người từng làm việc ở Đài Phát thanh giải phóng Miền Nam trong rất nhiều năm, là một đồng nghiệp của tôi trong kháng chiến chống Mỹ.

Sau khi thành lập và ra mắt Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTGPMN), thì năm 1961, Đài phát thanh giải phóng cũng bắt đầu chính thức phát sóng. Chị Tuyết khi ấy là phát thanh viên của Đài. Tôi vẫn còn giữ bản sao tấm ảnh chụp chị Tuyết đang đọc bản tin cùng chị Giang-đồng phát thanh viên ở một khu rừng nào đó trong chiến khu R. Hồi ấy hai chị Tuyết, Giang còn rất trẻ và đẹp.

Năm 1971, tôi từ Hà Nội vượt Trường Sơn vào công tác ở Ban Binh vận, thường trú ở Đài phát thanh giải phóng. Chị Tuyết lúc đó công tác ở Ban thời sự và Ban đối ngoại. Lý do, vì chị đã rời Đài phát thanh giải phóng nhiều năm để công tác ở Khu Sài Gòn-Gia Định (T4). Khi tôi về đài một thời gian, thì chị Tuyết cũng về lại đài.


Chị Tuyết và tôi cùng có một “người chú chiến khu” là chú Tư Tịnh Đức (tức nhà báo Trương Quang Lộc)-một nhà báo và nhà cách mạng lão thành, đã ở Đài Giải phóng trong rừng từ nhiều năm trước. Chú Tư Tịnh Đức lại là đồng hương Quảng Ngãi với tôi, nên thân tình. Lúc bấy giờ, chúng tôi quen biết nhau nhưng việc ai nấy làm, rồi tôi lại đi chiến trường Mỹ Tho, nên từ đó không gặp lại chị Tuyết.

Tôi không sao hình dung, khi hơn mười năm trước, chị Tuyết điện thoại chủ động mời tôi vào Sài Gòn, lên Củ Chi thăm khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” của chị. Khi mục sở thị công trình rộng hơn 22ha này của chị Tuyết, thú thật tôi choáng ngợp. Nhất là khi nghe chị kể quá trình “biến cải vũng nên đồi” ghê gớm này, từ chỗ một vùng đầm lầy hoang dã, chị Tuyết bỏ tiền mua của bà con Củ Chi và biến nó thành “Một thoáng Việt Nam”.

Tại sao lại “Một thoáng Việt Nam”?

Đó là một ý tưởng, khi chị nghĩ tới những em bé, những bạn trẻ sẽ tới thăm khu du lịch này. Các em cháu ấy sẽ có “một thoáng”- chắc cũng phải mất một ngày trải nghiệm một Việt Nam thu nhỏ, với những đặc sắc của thiên nhiên và văn hóa, cùng kiến trúc ba miền. Khi tôi tới và đi thăm khu du lịch này, tôi đã trực tiếp trải nghiệm những cảm xúc ấm áp, những ấn tượng vừa mới lạ vừa thân quen về những miền đất Tổ quốc mình.

Trong “Một thoáng Việt Nam”, Tổ quốc mở ra như một quyển sách, người tham quan có thể đọc từng trang, có thể tìm hiểu những khác biệt và hòa đồng giữa một ngôi nhà lá mái miền Trung với ngôi nhà ba gian hai chái miền Bắc, có thể nếm những trái cây đặc trưng của cả ba miền được trồng ngay trong khu du lịch.

Lịch sử hào hùng qua hàng nghìn năm của Việt Nam cũng được tái hiện một cách giản dị và xúc động qua nhiều hiện vật. Lúc về lại Quảng Ngãi, tôi đã giúp chị Tuyết xin một số… gốc tre ở chân thành Châu Sa, nơi mọc dày những lũy tre Chàm có tuổi thọ hàng nghìn năm. Chị Tuyết cho trồng những gốc tre Chàm ấy ở khu vực “miền Trung Việt Nam” trong khu du lịch.

Lần này, trở lại “Một thoáng Việt Nam” sau hơn 10 năm, tôi lại được thắp hương chiêm bái một hiện vật kỳ lạ và hết sức thú vị. Lúc thắp hương ở bàn thờ trước cửa “ngôi đền Việt Nam”, tôi cứ ngỡ mình đang thắp hương một bức tượng gỗ tuyệt đẹp có hình dáng lạ. Hóa ra, đó là một… "cây cọc Bạch Đằng” đã ngâm mình dưới nước biển cả nghìn năm.

Chính nước biển, sóng biển-những bậc thầy điêu khắc-đã biến cây cọc gỗ của Vua Ngô Quyền thành một tác phẩm điêu khắc tuyệt vời. Và linh thiêng. Đối với tôi và nhiều người đến thăm “Một thoáng Việt Nam”, thì đó là một bảo vật.

Nó minh chứng cho hào khí dân tộc Việt, ý chí bảo vệ chủ quyền của nhân dân Việt Nam trước ngoại bang phương Bắc xâm lược. Lịch sử cần những điểm nhấn cụ thể và linh thiêng như thế, để truyền lửa tới đời sau, ngọn lửa vĩnh cửu của lòng yêu nước.

Chuyện trò với chị Tuyết, tôi và chị đều có một niềm tự hào dung dị: niềm tự hào của những người kháng chiến cũ. Dù vật đổi sao dời thế nào, chúng tôi vẫn không quên mình đã từng đi kháng chiến, mình đã hiến tuổi thanh xuân của mình vì Độc lập và Thống nhất.

Dù những đóng góp của mình là vô cùng nhỏ bé, vô cùng ít ỏi, nhưng mình đã đồng hành cùng hàng triệu người Việt yêu nước trong những tháng năm gian khổ nhất của cuộc chiến tranh. Và đó là những tháng năm đẹp nhất của đời mình, bất kể đời mình bây giờ thế nào.

Chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Nước Việt Nam từ than bụi/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (bài “Đất nước”), tôi nói với chị Tuyết: “Một thoáng Việt Nam” của chị cũng đứng lên từ bùn đất, từ đầm lầy, đó là “dáng đứng Việt Nam” (thơ Lê Anh Xuân), dáng đứng của ông cha ta, của đất nước ta.

Vào năm 2019 này, “Một thoáng Việt Nam” đang hồi sinh với những công trình nghiên cứu lặng lẽ về sinh học phục vụ đời sống con người. Con số 150 chế phẩm sinh học ra đời tại đây, trong đó có những chế phẩm giúp điều trị ung thư, những chế phẩm làm tăng sức khỏe, cả những chế phẩm làm đẹp da… đã được nghiên cứu và điều chế thành công từ các nguyên liệu sẵn có trong nước.

Khi tôi hỏi về khả năng đưa những sản phẩm giúp chữa bệnh hay tăng sức khỏe ra thị trường với giá cả phù hợp cho đông đảo người tiêu dùng, thì nhóm các nhà khoa học trẻ  tham gia với “Một thoáng Việt Nam” đã vui vẻ thông báo: Đó cũng chính là mục tiêu của “Một thoáng Việt Nam”.

Tôi rất ấn tượng với nhóm các nhà khoa học trẻ đang cộng tác tại “Một thoáng Việt Nam”. Họ nghiên cứu khoa học vì niềm đam mê và vì muốn giúp người, giúp đời. Có cảm giác họ giống như những vị thầy thuốc kiêm đạo sĩ từng ẩn cư trên vùng Bảy Núi hay ở núi Sam-Châu Đốc, nơi có đền thờ Bà Chúa Xứ linh thiêng. “Công nghệ” hay phương tiện điều chế thuốc mỗi thời có khác nhau, nhưng mục tiêu vì sức khỏe và sự bình an của con người thì giống nhau.

Trong khu “sinh học tự nhiên” của “Một thoáng Việt Nam” có một đảo nhỏ, cách biệt, với đời sống tự nhiên hoàn toàn hoang dã của các loài động vật và thực vật, không một dấu chân người. Chị Tuyết duy trì “đảo không người” này như một bảo vật, một món quà tặng của thiên nhiên.

Buổi sáng thức dậy, tôi nghe một dàn giao hưởng tiếng chim, cùng lúc tấu lên từ “đảo vắng” này. Gọi đảo vắng nhưng rất rộn ràng và tôi nghe cả tiếng bìm bịp kêu nước lớn, tiếng con quốc gọi bạn hay gọi về một miền xa lắc nào.

Năng lượng sống bắt đầu từ những tiếng chim rộn rã như thế. Ngủ một đêm ở “Một thoáng Việt Nam”, hoàn toàn không có tiện nghi “bốn, năm sao” mà giấc ngủ lại ngon lành đến thế. Sáng dậy thấy khỏe người. Có phải đó là nguồn năng lượng từ thiên nhiên tập trung ở nơi này, tạo nên sóng hấp dẫn tác động tích cực tới sức khỏe con người? Tôi không rõ lắm, nhưng cảm nhận được./. 

Thanh Thảo


.