Vì sao "Đảo Ngọc"?

10:08, 06/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người dân thôn Ân Phú, xã Tịnh An, TP.Quảng Ngãi bỗng hiếu kỳ với cái tên “Đảo Ngọc”- gọi đầy đủ là Dự án Khu đô thị sinh thái Đảo Ngọc. Khoan nói đến những ý tưởng hay tầm nhìn gì đó về dự án này, chỉ lạm bàn đến cái tên, vì sao phải là “Đảo Ngọc”?

TIN LIÊN QUAN

Theo từ điển tiếng Việt, “đảo” là danh từ chỉ vùng đất rộng có nước bao quanh ở sông, hồ, biển; “ngọc” là đá quý hoặc hột châu do loài vật già sinh ra, thường dùng làm vật trang sức, trang trí. Với định nghĩa như vậy, Ân Phú chưa bao giờ được gọi là “đảo”.

Sông Trà Khúc đoạn xuôi về hạ lưu chảy ở phía nam thôn Ân Phú, cách làng năm bảy trăm mét. Ân Phú chỉ bị ngập lụt khi sông Trà có lũ. Mỗi năm mưa lũ thường kéo dài đôi ba tháng, nước ngập bãi trước, bãi sau, người dân ở đây phải qua lại bằng đò. Nhưng vào mùa khô, Ân Phú được bao quanh bởi cát, cỏ bói và màu xanh của các loại hoa màu.

Đường vào thôn Ân Phú.                                                 Ảnh: T.L
Đường vào thôn Ân Phú. Ảnh: T.L

Ân Phú là ngôi làng nhỏ nằm giữa vùng bãi bồi. Thời phong kiến, nơi đây gọi là châu Ân Phú thuộc tổng Nghĩa Hạ, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa. Châu là tên gọi những ngôi làng nằm trong vùng bãi sông. Cách châu Ân Phú về phía đông nam còn có châu Phù Khế cũng sung túc không kém. Về tên gọi Ân Phú, theo các bậc cao niên ở làng, sự trù phú của vùng đất này luôn cậy nhờ vào hồng ân Trời Đất.

Sống ở vùng bãi sông, chuyện lở bồi quanh năm đã trở thành điệp khúc nên người dân luôn ước mong mưa thuận gió hòa. Bởi có năm lũ lụt tàn phá, cuốn trôi nhiều đất đai, hoa màu, lại có năm nước lũ đưa cát phủ lấp đến tận sân vườn, cả làng ngập toàn cát trắng. Những năm như thế người Ân Phú phải gồng mình chống chọi với thiên tai, miếng cơm manh áo với họ trở nên chông chênh hơn bao giờ hết.

Từ vùng bãi bồi, được một số nông dân tiên phong ở các làng lân cận ra dựng chòi khai phá, trồng bắp, trồng khoai, trồng dâu nuôi tằm, dần dà thành ấp, thành làng. Năm Tự Đức nguyên niên (1848) triều đình có án phê về các hạng đất bị nước xoi phá, cát lấp ở châu Ân Phú. Năm Tự Đức thứ hai mươi chín, ngày 30.5.1876, lý trưởng châu Ân Phú là Nguyễn Văn Cương viết tờ liệt kê dâng lên triều đình, báo cáo về địa bạ, đinh bạ (ruộng đất, nhân số).

Năm Thành Thái thứ bảy, ngày 18.11.1895, lý trưởng Nguyễn Văn Lai lại có báo cáo về địa bạ châu Ân Phú... Như vậy tên gọi Ân Phú đã có từ lâu đời. Thời chín năm kháng chiến chống Pháp, Ân Phú nằm trong xã Tịnh Tân. Thời Mỹ ngụy, Ân Phú nằm trong xã Sơn Phú. Sau giải phóng 1975, Ân Phú là một thôn của xã Tịnh An, có người nhầm lẫn nên gọi là thôn An Phú.

Mặc dù chưa bao giờ được coi là “đảo”, nhưng Ân Phú lại sắp biến thành “Đảo Ngọc”. Cái tên “Đảo Ngọc” lạ hoắc lạ huơ khiến cư dân ở đây không khỏi chộn rộn, tò mò. Chộn rộn vì đất đai cứ mỗi ngày mỗi giá. Thời kim tiền hễ chỗ nào có dự án là nơi ấy lại “sốt” đất, sốt thật hay sốt ảo người “ngoài ngành” khó mà đoán biết. Còn tò mò vì không hiểu cái tên “Đảo Ngọc” ấy nói lên điều gì?

Tra Google thấy có nhiều cái tên như thế. Dường như vùng đất nào nằm ở đảo, ở cù lao hoặc những nơi tương tự, khi lập dự án người ta thường ấn cho nó cái tên đảo ngọc. “Đảo Ngọc” Ân Phú được chủ dự án giải thích “như viên ngọc xanh giữa trung tâm TP.Quảng Ngãi”. Thật tráng lệ và lãng mạn! Nhưng, Ân Phú là vùng đất có tên gọi lâu đời rồi kia mà, có nhất thiết phải mang thêm cái tên “Đảo Ngọc”?

Vẫn biết, đặt tên cho dự án là việc của nhà đầu tư, nhưng sự đồng thuận xã hội, nhất là đồng thuận với cư dân trong vùng dự án là điều cần lắm sự lắng nghe và cân nhắc. Viên ngọc xanh giữa lòng thành phố, lãng mạn nhưng mơ hồ, còn Ân Phú, cái tên từ lâu đã trở thành máu thịt. Cái tên ấy không thể biến mất bởi bất kỳ dự án nào, dù kim cương hay ngọc!

Hà Minh Đích


 

.