Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa: Còn nhiều trăn trở (kỳ 2)

09:08, 08/08/2019
.
*Kỳ 2: Giải pháp phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, nhiều người suy nghĩ rằng, các di tích lịch sử, văn hóa chỉ có giá trị về mặt tinh thần. Tuy nhiên, nếu biết cách khai thác những lợi thế của các di tích lịch sử, văn hóa, đồng thời quan tâm đầu tư đúng mức thì đây sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngành du lịch.
TIN LIÊN QUAN

Với các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, nếu chỉ dừng lại ở công tác đầu tư bảo vệ, tôn tạo, nâng cấp, nhưng không thu hút được khách du lịch đến tham quan... thì đó cũng là một sự lãng phí.

Nhìn từ Lý Sơn

Giới kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành cho rằng, du lịch Lý Sơn là một điểm sáng không chỉ của ngành công nghiệp “không khói” Quảng Ngãi, mà còn  của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong những năm qua. Chỉ riêng năm 2018, huyện Lý Sơn đã đón trên 230.000 lượt khách trong nước và quốc tế, tăng gần 30.000 lượt du khách so với năm 2017. Tổng doanh thu từ du lịch hơn 276 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 doanh thu du lịch toàn tỉnh.
Nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) cần tiếp tục được đầu tư và tìm đầu ra cho sản phẩm.       Ảnh:  M.Hạ
Nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) cần tiếp tục được đầu tư và tìm đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: M.Hạ

Theo Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy, “quả ngọt” này không phải tự nhiên có được, mà là kết quả của một quá trình đầu tư, đánh thức tiềm năng, lợi thế từ các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên đảo. Khởi đầu cho sự phát triển đó là, tháng 9.2007, tỉnh đã đầu tư thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa ở đảo Lý Sơn, với tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng.

Nhờ đó, đình An Vĩnh được phục dựng, tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, mộ cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh được xây dựng. Cùng với đó là địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ đối với công tác truyền thông, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh con người, quê hương Hải đội Hoàng Sa đến với du khách trong nước và quốc tế.

Du khách Hoàng Thị Minh Nguyệt, đến từ tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Đảo Lý Sơn đẹp và hấp dẫn thật. Song, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, nếu không có cách làm mới thì trong thời gian đến sẽ khó thu hút du khách”. Thực tế đó đã đặt ra nhiều thách thức, trăn trở đối với ngành VH-TT&DL tỉnh và lãnh đạo huyện Lý Sơn.

“Để phát huy lợi thế và giữ chân du khách, thời gian đến, huyện sẽ vận động người dân tham gia bảo vệ, hưởng lợi từ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh; đồng thời phối hợp với ngành VH-TT&DL, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức sân khấu hóa Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội ra quân đánh bắt đầu năm, tổ chức đội hát hố, hát sắc bùa... để phục vụ du khách đến tham quan. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, như lặn ngắm san hô; tham gia đua thuyền; trồng hành, tỏi; ra khơi đánh bắt cá cùng ngư dân vào ban đêm...”, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho biết thêm.

Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh,  ngoài việc đầu tư kinh phí để bảo vệ, tôn tạo các di tích, Sở VH - TT&DL sẽ tham mưu tỉnh và các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng khu lưu trú, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng. Cùng với đó là tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực này, để có nguồn kinh phí phục dựng các di tích, khôi phục văn hóa dân gian, làng nghề, góp phần phát triển du lịch.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL CAO VĂN CHƯ

Để các di tích “ngủ yên” là lãng phí

Hiện nay, phần lớn các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được các cấp công nhận nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Cá biệt, một số di tích sau khi tôn tạo, nâng cấp xong “rồi để đó”, trong khi khách du lịch đến tỉnh thì không có điểm nào hấp dẫn để đi.
 
Thực trạng đó, nếu các cấp chính quyền và ngành VH-TT&DL không có giải pháp khắc phục thì không những gây lãng phí nguồn lực đầu tư, mà còn kiềm chế sự phát triển của ngành công nghiệp “không khói”.

Cần sân khấu hóa Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Cụ Ngô Lý (82 tuổi) người trông nom Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cho biết: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều du khách ra đảo đều muốn được trực tiếp xem loại hình di sản này. Do đó, việc tổ chức sân khấu hóa Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là cần thiết. Đây cũng là giải pháp để giữ chân du khách lưu lại trên đảo lâu hơn.

Điển hình là Dự án bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh. Dự án được khởi công năm 2011, với tổng vốn đầu tư gần 32 tỷ đồng từ nguồn vốn mục tiêu Quốc gia và ngân sách tỉnh.

Sau khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn kết nối với "Con đường di sản miền Trung", thu hút khách du lịch, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì mục tiêu đó của dự án vẫn chưa thành hiện thực.

Nguyên Giám đốc Khu Chứng tích Sơn Mỹ Phạm Thành Công cho rằng, Khu Chứng tích Sơn Mỹ có nhiều lợi thế để thu hút khách đến tham quan. Đó là nằm trong tour du lịch TP.Quảng Ngãi - núi Thiên Ấn - Khu Chứng tích Sơn Mỹ, đền thờ Trương Định - Công viên tưởng niệm Hòa Bình Mỹ Lai - Khu du lịch Mỹ Khê và nằm trên đường ra đảo Lý Sơn. Vì thế, du khách đến với khu chứng tích tăng dần qua mỗi năm.

“Để hấp dẫn hơn đối với du khách, thì ngoài việc tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu, tổ chức đón khách và thuyết minh chuyên nghiệp hơn, tỉnh cần đầu tư mở rộng Khu chứng tích, phục dựng Khu dân cư Sơn Mỹ trước khi xảy ra vụ thảm sát, gắn với các hoạt động, ngành nghề truyền thống ở địa phương và tổ chức các dịch vụ để phục vụ du khách”, ông Phạm Thành Công kiến nghị.

Du khách Hoàng Thị Lan Anh đến từ Hà Nội thì chia sẻ: Cái thiếu ở Khu Chứng tích Sơn Mỹ là không có các dịch vụ để du khách tham gia trải nghiệm sau khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh tang thương của vụ thảm sát. Còn núi Thiên Ấn thì nằm ở một vị trí đẹp, có ngôi chùa cổ và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng không có người quản lý, hướng dẫn chuyên nghiệp nên khung cảnh nơi đây khá lộn xộn, chưa thật sự hấp dẫn du khách.

Tăng cường xã hội hóa

Thực tế trong những năm qua cho thấy, nguồn ngân sách đầu tư cho công tác bảo tồn, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn không đảm bảo mức chi theo quy định, nên có nhiều di tích bị lấn chiếm, hoặc xuống cấp trầm trọng. Theo lãnh đạo Sở Tài chính, nguồn chi trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục gặp khó trong thời gian đến. Do đó, việc kêu gọi xã hội hóa trong công tác đầu tư bảo tồn và khai thác giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh để phát triển du lịch là hết sức cần thiết.

Thời gian qua, việc kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa cũng đã được tỉnh cho chủ trương thực hiện. Tiên phong thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa với quy mô lớn là Công ty CP Đầu tư Phát triển Đoàn Ánh Dương. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý cho công ty thuê 4.933m2 đất thuộc khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, với thời hạn 49 năm để xây dựng Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi.

Trong giai đoạn 1 của dự án, xây dựng các hạng mục: Khu trưng bày nhà rường cổ Việt, nhà văn hóa đa năng (2 tầng), nhà trưng bày di sản văn hóa vật thể (2 tầng), nhà văn phòng kết hợp dịch vụ văn hóa... với tổng vốn đầu tư trên 31 tỷ đồng. Đến nay, phần lớn các hạng mục này đã cơ bản hoàn thành đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số ý kiến trái chiều trong công tác này.

Trong khi đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ đã nhiều lần định hướng: Những lĩnh vực, hạng mục nào thực sự không quan trọng, Nhà nước không thể đầu tư thì nên giao cho tư nhân đầu tư, khai thác. Cái cần thực hiện ở đây là các bên liên quan phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và trên cơ sở quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước, vì việc giao ở đây không có nghĩa là tư nhân hóa lĩnh vực được giao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam thì cho rằng, việc tỉnh đầu tư hơn 10 tỷ đồng để thực hiện dự án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở Làng Teng là cần thiết. Tuy nhiên, để dự án mang lại hiệu quả thì Sở VH - TT&DL và tỉnh cần định hướng hoặc cho chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này.

 Đ.SƯƠNG - T.ÂN- M.HẠ

 

.