(Báo Quảng Ngãi)- Những người con ưu tú của quê hương núi Ấn - sông Trà từng một thời học tập, công tác trong lĩnh vực nghệ thuật ở tỉnh Nghĩa Bình vẫn khoắc khoải về một thời quá vãng ở Quy Nhơn. Tất cả đều xem những năm tháng đó như một “bầu sữa mẹ” ngọt lành, hun đúc, tiếp lửa cho niềm đam mê nghệ thuật lớn lao của chính mình sau khi trở về với quê nhà.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gợi về miền ký ức
Trong ngôi nhà riêng ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), ngồi lần giở từng trang kỷ yếu, album ảnh cũ, Nghệ nhân ưu tú Trần Tám (58 tuổi) xúc động khi nhớ về một thời đã xa. Thời ông và người vợ của mình (diễn viên Võ Thị Thanh Hà) còn gắn bó với những người bạn cùng chung niềm đam mê khi cùng học lớp trung cấp dân ca và cùng hoạt động nghệ thuật mà cả hai dành tất cả tuổi thanh xuân để cống hiến.
Nghệ nhân ưu tú Trần Tám cùng những người bạn cùng thời ở Nghĩa Bình gặp mặt và giao lưu văn nghệ. |
Nhớ lại quãng thời gian đầy ắp kỷ niệm, ông Tám kể: Ngày đó, vợ chồng tôi cùng 14 người được thị xã Quảng Ngãi và các huyện chọn là “hạt nhân” tiêu biểu để cử vào học lớp trung cấp dân ca tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa - Thông tin tỉnh Nghĩa Bình (nay là Trường Trung cấp VH-NT Bình Định). Đó là những năm tháng tươi đẹp nhất, khi chúng tôi được "cháy hết mình" cho nghệ thuật, được tận tâm cống hiến cho nhân dân.
Với khả năng thiên bẩm, ông Tám sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác nhau như đàn nguyệt, đàn nhị, đàn sến, đàn tranh, guitar phím lõm, thậm chí cả những loại nhạc cụ như: Guitar, Organ, Man-do-lin, kèn Cla-ri-nét... Nhờ tài năng của mình, ông Tám có thể ứng dụng các nhạc cụ cho nhiều thể loại dân ca. Trong đó có bài chòi, một thể loại dân ca khó chinh phục, đòi hỏi người nhạc công phải có kiến thức sâu mới có thể biểu diễn thuần thục. Bởi âm nhạc bài chòi phụ thuộc vào lời ca. Dần dà, ông Tám bị bài chòi “thôi miên” và hát bài chòi rất hay, am hiểu về kỹ thuật hô, hát, các làn điệu dân ca nguyên gốc, sáng tác mới, điệu lý, hò, vè, ru con...
Một tiết mục biểu diễn đặc sắc do Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh dàn dựng và biểu diễn. Ảnh: PV |
Sau khi tốt nghiệp, nhiều người cùng thế hệ được phân công về các huyện để thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương, riêng ông Tám và vợ được phân công vào làm việc tại Đoàn Ca kịch Bài chòi tỉnh Nghĩa Bình. Ông nhớ lại: Những năm tháng ấy, mỗi năm tôi và anh em trong đoàn phải diễn cả ngày lẫn đêm trong suốt 6 - 7 tháng trời ròng rã, chỉ đến mùa mưa đoàn mới nghỉ đi diễn, ở nhà tập luyện chương trình, tiết mục cho mùa sau.
Mỗi chuyến lưu diễn phục vụ nhân dân các tỉnh, thành nói chung, tỉnh Nghĩa Bình nói riêng, thì phải huy động cả một đoàn xe 3 chiếc cỡ như loại xe tải bây giờ, chở hơn 50 diễn viên, nhạc công, sân khấu, phục trang, đạo cụ, âm thanh ánh sáng, máy phát điện, đồ dùng sinh hoạt... Cứ thế, từ đồng bằng tới miền núi, đến hải đảo xa xôi, nơi đâu cũng có bóng dáng của đoàn. Đoàn đi đến đâu cũng được nhân dân quý mến, đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình.
“Có những đêm, chúng tôi lấy sân khấu hay hội trường, hợp tác xã là nhà, là chỗ ngủ; ăn đỡ củ khoai, củ mì của bà con mang biếu để lót dạ, cầm hơi với cái đói sau những đêm biểu diễn", ông Tám bồi hồi kể. Vậy mà, các làn điệu dân ca như điệu lý, hò, vè, ru con hay những điệu bài chòi xuân nữ, cổ bản, hò Quảng, xàng xê... trong các vở kịch “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, “Tiếng sấm Tây Nguyên”, “Núi rừng năm ấy” được đoàn biểu diễn đã đi vào lòng người.
Nhạc sĩ Trương Quang Tuấn, năm nay đã 72 tuổi, hiện ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi). Ông cũng là một trong những thế hệ gạo cội làm việc tại Đoàn Ca kịch Bài chòi tỉnh Nghĩa Bình ngày ấy. Nếu như Nghệ nhân ưu tú Trần Tám được xếp vào loại “top ten”, ít ai có thể thay thế vị trí nhạc công, thì người nhạc sĩ này ngày ấy là một diễn viên chính tài ba, “thủ” hầu hết các vai chính trong các vở kịch của đoàn.
Nhắc về những năm tháng không thể nào quên cách đây hơn 30 năm về trước, nhạc sĩ Trương Quang Tuấn chia sẻ: Chẳng có gì sung sướng hơn khi được học nghề từ các bậc tiền bối như Nghệ sĩ ưu tú Cung Nghinh, Hoàng Lê (đã mất), Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm, Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi... Để rồi từ vốn quý đó, mình lại tiếp tục dấn thân với nghề, với đời, khi trở về với quê hương tiếp tục lưu truyền cho các thế hệ đi sau.
"Nhiều nghệ sĩ trưởng thành từ “lò đào tạo” trung cấp dân ca hay Đoàn ca kịch Bài chòi tỉnh Nghĩa Bình khi về lại với Quảng Ngãi đều tiếp tục với công tác văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Hiện nhiều người vẫn tiếp tục lặng lẽ đóng góp công sức cho sự phát triển nghệ thuật sân khấu bài chòi trên quê hương núi Ấn, sông Trà. Trong số đó, có thể nhắc đến nhà thơ, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ, nhạc sĩ Trương Quang Tuấn, đạo diễn sân khấu Nguyễn Thanh Bình, diễn viên Nguyễn Thị Tuyết Mai, vợ chồng nghệ sĩ Trịnh Công Sơn - Trần Thị Mỹ Lệ. Ngoài ra, còn có những anh chị em diễn viên, nhạc công khác như Nguyễn Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Công, Ngô Hoài Nhơn, Đặng Thị Minh Huệ...". Nghệ nhân ưu tú TRẦN TÁM |
Vẹn nguyên lời ca dâng Bác
Tiếng loa phát lên: “Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 - 19.5.2019), xin trân trọng kính mời đồng chí, đồng bào cùng quý khán giả vào lúc 20 giờ tối nay tập trung về UBND xã để đón xem chương trình nghệ thuật đặc biệt từ Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh...”.
Âm thanh vừa dứt, cũng là lúc đồng bào Ca Dong ở xã Sơn Bua (Sơn Tây) tập trung đông đủ để thưởng thức những tiết mục ca múa, hát đặc sắc hướng về quê hương, đất nước, báo công dâng Đảng, Bác Hồ, mặc cho cái lạnh của núi rừng phảng phất. Đây là một trong những chuyến ngược nguồn của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, phục vụ nhân dân, phát huy vai trò, truyền thống của Đội Văn công giải phóng tỉnh năm xưa.
Nghệ nhân ưu tú Trần Tám hướng dẫn cách đàn và hát dân ca bài chòi cho các thế hệ ở Quảng Ngãi. ẢNH: THIÊN HẬU |
Không gian sân khấu không như chốn thị thành, nhưng các nghệ sĩ vẫn hết lòng phục vụ bà con, bởi họ biết rằng, tuyên truyền lưu động thì càng giản đơn càng dễ di chuyển. Thế nhưng, những ca khúc được ngân lên, xen lẫn là những điệu múa tuyệt đẹp của các nghệ sĩ, diễn viên đã được người xem hưởng ứng nhiệt liệt. Niềm tự hào, nụ cười, hạnh phúc đã hiện trên gương mặt người nghệ sĩ và cả người dân vùng cao sau khi chương trình kết thúc.
Biên đạo múa Đinh Xuân Lâm, người đã có 25 năm gắn bó cùng đoàn cho hay: Để có một chương trình hoành tráng, với những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, đoàn phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ nghệ sĩ, diễn viên cho đến âm thanh, ánh sáng và phương tiện trong cả tháng trời.
Theo Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, nhạc sĩ Đinh Thiên Vương: Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh tiền thân là Đoàn Văn công giải phóng tỉnh. Sau khi tỉnh Quảng Ngãi hợp nhất cùng tỉnh Bình Định, đoàn vào Quy Nhơn hoạt động cùng các nghệ sĩ ở tỉnh Bình Định trong Đoàn Ca múa nhạc nhân dân tỉnh Nghĩa Bình. Sau ngày tách tỉnh, đoàn trải qua nhiều lần đổi tên khác và có tên gọi như hiện giờ.
Nhạc sĩ Đinh Thiên Vương cũng là một người từng hoạt động trong Đoàn Ca múa nhạc nhân dân tỉnh Nghĩa Bình ngày ấy. Ông nhớ lại: Vào tháng 7.1989, khi Quảng Ngãi trở về với đơn vị hành chính cũ, nếu như đoàn bài chòi và tuồng được Bình Định giữ lại, thì ca múa nhạc lại là thế mạnh của Quảng Ngãi. Hầu hết anh, em hoạt động trong lĩnh vực này đều được điều động về Quảng Ngãi, kết thúc những tháng năm “bu” theo xe than để ra, vào Quy Nhơn làm việc.
Thế hệ trẻ Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh dàn dựng, tập luyện trước những chuyến lưu diễn. Ảnh: PV |
Ngày trở về, đoàn gặp không ít khó khăn vì nhân sự mỏng, anh chị em nghệ sĩ Bình Định khi ấy đều ở lại quê hương của họ. Cơ sở vật chất hạn hẹp, tạm bợ, đời sống nghệ sĩ, diễn viên gặp không ít khó khăn. “Thế nhưng, thay vì tạm ngưng hoạt động, đoàn vẫn tiếp tục biểu diễn phục vụ nhân dân, vừa tổ chức tuyển diễn viên, đào tạo, nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực cho đoàn”, nhạc sĩ Đinh Thiên Vương cho hay.
đến năm 1992, khu làm việc chính thức của đoàn được hình thành ở đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.Quảng Ngãi). Sau đó, cơ sở vật chất, phương tiện tập luyện tiếp tục được đầu tư, đáp ứng yêu cầu của đoàn. Từ đó, Đoàn đã gặt hái không ít thành quả, tạo được ấn tượng cho khán giả trong tỉnh và giành nhiều giải thưởng cao trong các hội diễn chuyên nghiệp khu vực, toàn quốc.
Hiện nay, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh vẫn miệt mài đào tạo, tập luyện, nâng cao chất lượng biểu diễn các chương trình nghệ thuật, để phục vụ những ngày lễ lớn, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở tỉnh nhà.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Quảng Ngãi được ví như “cái nôi” của văn hóa - nghệ thuật Liên khu 5, là nơi hội tụ của nhiều nghệ sĩ lớn. Ngày nay, nhắc về Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vẫn luôn nhớ đến những đóng góp của Biên đạo múa - Nghệ sĩ ưu tú Hiền Minh, Nghệ sĩ ưu tú Châu Bình, Nghệ sĩ ưu tú Kim Nhớ, Nghệ sĩ ưu tú Đinh Long Ta, Nghệ sĩ ưu tú - ca sĩ Thy Lộc, đạo diễn Nguyễn Thanh Bình, nhạc sĩ Đinh Thiên Vương, các nhạc sĩ Văn Kiện, Xuân Bình, Văn Phượng, Minh Châu... |
Thiên Hậu