Lý Sơn: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa

02:04, 15/04/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lý Sơn hiện có 4 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh, 1 di tích phi vật thể là Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, với nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo. Sự đa dạng về văn hóa vật thể, phi vật thể đã tạo cho Lý Sơn một lợi thế để khai thác và phát triển du lịch. Tuy nhiên, trước sự quy hoạch, đầu tư thiếu bài bản và lượng du khách tham quan huyện đảo ngày càng nhiều đã tác động không nhỏ đối với các di tích lịch sử, văn hóa trên đảo.
TIN LIÊN QUAN

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững, Lý Sơn đã quán triệt, phổ biến nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Huyện chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Ngành chức năng cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nhằm xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người Lý Sơn; thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa du lịch...
 
 Du khách tìm hiểu về lịch sử văn hóa trên đảo Lý Sơn.
Du khách tìm hiểu về lịch sử văn hóa trên đảo Lý Sơn.

Huyện Lý Sơn đã có chủ trương giữ gìn nét văn hóa đất đảo ngay trong nhà trường. Trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; xây dựng xã hội học tập; lồng ghép trong các bài giảng chuyên đề về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Lý Sơn để học sinh dễ dàng nắm bắt.

Theo ông Phạm Thoại Tuyền, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, muốn giữ nét  văn hóa đất đảo thì chính người dân đất đảo phải biết lịch sử, văn hóa, tập tục của quê hương mình. Ngoài tổ chức các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa ở địa phương, cần đầu tư cho ngành giáo dục nhằm nâng cao trình độ dân trí, để mọi người dân đều ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong mỗi nếp nhà.

Đến nay, Lý Sơn đã xây dựng và ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện; hoàn chỉnh Đề án bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử,  văn hóa và danh lam thắng cảnh; làm mới các bảng chỉ dẫn, bảng giới thiệu và nội quy tại các di tích, để nhân dân và du khách dễ tiếp cận.
 
Huyện đã chủ động triển khai Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; thực hiện việc quảng bá “Du lịch Lý Sơn - Những điều cần biết” trên các phương tiện thông tin đại chúng; mời các chuyên gia của Viện Panasonic (Nhật Bản) và Công ty Red Eyes khảo sát, tư vấn thiết kế, thi công quảng cáo, tổ chức các sự kiện quan trọng, để quảng bá hình ảnh Lý Sơn đến với du khách trong và nước ngoài...

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho biết thêm: Thời gian đến, huyện sẽ tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển văn hóa; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất  phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, nâng cao thể chất con người Lý Sơn; phát huy giá trị một số loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của huyện đảo.
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

.