(Báo Quảng Ngãi)- Cứ độ tháng ba hằng năm, đồng bào Ca Dong, Cor trên địa bàn tỉnh lại tổ chức lễ hội ăn trâu. Bên cạnh những nghi thức mang đậm tính văn hóa, lễ hội ăn trâu cũng còn nhiều ý kiến trái chiều...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cùng với hàng chục gia đình khác trên địa bàn huyện, năm nay gia đình ông Đinh Văn Vôn, ở thôn Nước Min, xã Sơn Mùa (Sơn Tây) tổ chức lễ hội ăn trâu, để tế thần linh và đãi cả làng ăn uống. Đây là lần thứ hai gia đình ông tổ chức lễ hội này.
Con trai ông Đinh Văn Vôn cho biết: Lễ hội ăn trâu kéo dài khoảng 14 ngày. Trâu bị đâm trong lễ hội là trâu gia đình tự nuôi. Nếu mang bán trên thị trường có giá trên 30 triệu đồng. Uớc tính lễ ăn trâu, cùng với việc mổ heo, gà... để tế thần linh, đãi cả làng trong gần nửa tháng với cả trăm lượt khách, tiêu tốn của gia đình khoảng 80 triệu đồng.
Lễ hội ăn trâu của người Ca Dong. |
Hôm chúng tôi đến nhà ông Vôn để tìm hiểu về lễ hội ăn trâu, thấy không khí lễ hội rất đông vui. Đây là dịp để con cháu trong nhà gia chủ, bà con hàng xóm láng giềng có cơ hội được quây quần bên nhau, múa cồng chiêng, biểu diễn các tiết mục nghệ thuật đặc sắc của người Ca Dong. Song, điều làm nhiều người cảm thấy sợ hãi, rùng mình là phần đâm trâu. Nhiều người miền xuôi lên công tác ở huyện Sơn Tây chia sẻ, cảnh tượng ấy rất bạo lực, nhất là với trẻ con.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven chia sẻ: Lễ hội ăn trâu rất tốn kém, có gia đình tổ chức lễ ăn trâu xong lâm vào cảnh nợ nần, phải 4 - 5 năm sau mới trả hết nợ. Biết vậy, nhưng năm nào cũng có nhiều gia đình tổ chức. Lễ hội này chính quyền không khuyến khích, nhưng việc dừng hẳn một nghi thức từ ngàn xưa đối với một cộng đồng người không hề đơn giản. Chúng tôi chỉ khuyến nghị người dân nên tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, không đâm trâu dã man, trông rất phản cảm.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho hay: Dưới góc độ dân tộc học, mỗi tộc người đều có một tập tục hiến tế, trong đó phần lớn các dân tộc sống lưng chừng dãy Trường Sơn - Tây Nguyên hiến tế cho thần linh bằng trâu. Đối với người Ca Dong, hệ thống thần linh gồm ba bậc, thứ nhất là Trời, tiếp đến là thần Nước và sau cùng là thần Đất.
Hằng năm vào tháng ba, người dân tổ chức lễ ăn trâu, ý nguyện này của họ cũng đã có từ trước. Trước khi đem trâu ra tế, người Ca Dong làm nghi thức khóc trâu, nói chuyện với con trâu, gửi gắm tất cả những ý nguyện của gia đình, cộng đồng, đến với thần linh, cầu nguyện cho gia đình được khỏe mạnh, làm ăn phát triển, cộng đồng được ổn định.
Sở dĩ lễ hội ăn trâu diễn ra vào tháng ba, vì đây cũng là thời điểm người Ca Dong bước vào mùa phát nương, làm rẫy. Trong những ngày gia chủ tổ chức lễ ăn trâu, cả làng được mời đến ăn uống. Sau đó, họ lại đi phát nương, dọn rẫy cho gia chủ. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết thêm: Cách thức hiến tế, bằng việc dùng những mũi lao đâm trâu cho đến chết, là mô phỏng lại cách săn bắn ở rừng của người Ca Dong.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN