Hát Xoan Phú Thọ và "cú đúp" thành công chưa từng có

10:04, 22/04/2019
.

TS. LÊ THỊ MINH LÝ- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia,
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa,
Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

(Báo Quảng Ngãi)- Sẽ chẳng mấy ai ở Việt Nam và nhất là bạn bè quốc tế biết đến hát Xoan, nếu như không có chiến lược mạnh mẽ, quyết liệt bảo vệ di sản của tỉnh Phú Thọ và của quốc gia. Hát Xoan ngày nay nổi tiếng với danh xưng “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” và bài học “lội ngược dòng”, được đặc cách, ngoại lệ, duy nhất thực sự, “tâm phục, khẩu phục” mà cộng đồng quốc tế thuộc UNESCO dành cho. Không có bất kỳ một sự ưu ái nào, thiên vị nào đối với riêng Di sản hát Xoan. Vậy thành công đến từ đâu?

TIN LIÊN QUAN

Chuyện là năm 2011, hát Xoan được đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Đề cử “khẩn cấp” bởi vì sự tồn tại của di sản đang cần một kế hoạch bảo vệ khẩn cấp. Khi đó những nghệ nhân còn nhớ, còn hát được chỉ có 7 người. Không có học trò, người kế cận bài bản, dễ thất thoát. Không có công chúng và đã từ lâu chẳng còn không gian diễn xướng, quan hệ với các cộng đồng có liên quan để được giao lưu, trình diễn.

Ngày đón nhận danh hiệu “khẩn cấp” đầu năm 2012 trong sự mừng rỡ, tự hào, nhưng cũng không tránh được sự bâng khuâng, bùi ngùi và trăn trở của cộng động. Cũng ngày đó, tôi nhìn thấy trong ánh mắt họ một ý chí, sáng một niềm tin, một quyết tâm mãnh liệt vì di sản. Người đứng đầu tỉnh Phú Thọ hứa với cộng đồng  “chúng ta cam kết với UNESCO sau 4 năm sẽ hết tình trạng khẩn cấp của hát Xoan”.

Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm, hát Xoan sẽ được các nghệ nhân biểu diễn phục vụ du khách cả nước. Ảnh: Phương An
Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm, hát Xoan sẽ được các nghệ nhân biểu diễn phục vụ du khách cả nước. Ảnh: Phương An


Nói là làm và làm một cách “quyết liệt” như cộng đồng hát Xoan thường nói. Cho đến tháng 10.2015, đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã trực tiếp báo cáo với UNESCO tại Paris. Cuộc gặp đã diễn ra trong hơn một giờ. Không cần nhìn vào báo cáo in sẵn, vị lãnh đạo trình bày một cách mạch lạc, rõ ràng về hiện trạng, sự hồi sinh của hát Xoan, những giải pháp và số liệu cụ thể.

Ông kết luận bài trình bày của mình một cách tự tin: “Hát Xoan của chúng tôi đã hết tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Cộng đồng ủy nhiệm tôi báo cáo với UNESCO ghi nhận kết quả này và ghi danh vào danh sách mới như là một dấu mốc khẳng định”. Cùng với đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tháp tùng ông trong đoàn công tác này, chúng tôi thầm thán phục tập thể lãnh đạo tỉnh vì sự tâm huyết và trách nhiệm của họ đối với di sản của cha ông.

 4 bài học thực tiễn


Thành công của hát Xoan đến từ 4 bài học thực tiễn: 1. Từ sự trân trọng giá trị di sản đến chiến lược và kế hoạch bảo vệ bài bản, “quyết liệt”; 2. Từ sự ủng hộ nguyện vọng, quyền lợi của cộng đồng đến biện pháp bảo vệ cụ thể, đặc biệt là vai trò quản lý nhà nước được đặt đúng mức, hợp lý; 3. Sự huy động phối hợp năng lực, sự tham gia của các bên liên quan từ các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý các cấp và các tổ chức xã hội; 4. Cuối cùng, quan trọng nhất là việc đầu tư tập trung cho 4 phường Xoan gốc – những giá trị cốt lõi, sức sống di sản.

Trong 6 năm qua, hát Xoan đã thực sự hồi sinh cùng những tập tục liên quan như tục hát cửa đình và tục kết nghĩa giữa các làng có đình, miếu liên quan với các phường Xoan, càng phát huy tính cộng đồng và lòng vị tha.

Chức năng trình diễn nghệ thuật của hát Xoan, đặc biệt là phần hát giao duyên, ngày nay không những đang được duy trì đều đặn trong mọi dịp lễ, Tết mà còn được mở rộng dưới nhiều hình thức như sinh hoạt cộng đồng, công đoàn, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên địa phương, dịp gặp gỡ bạn bè, liên hoan văn nghệ cơ quan. Khi đó, hát Xoan được phát huy như một sự tự giới thiệu về văn hóa và bản sắc địa phương của cộng đồng cư dân Phú Thọ.

Gần đây, vẫn dựa trên các bài bản Xoan cổ, những người yêu Xoan còn sáng tác, phổ biến những lời Xoan mới thích ứng với lứa tuổi và sở thích của lớp trẻ, để đáp ứng nhu cầu giáo dục đạo đức, lối sống mới và cả việc bảo vệ môi trường.

Những người tham gia hát Xoan cùng thực hành trong một tổ chức gọi là phường Xoan. Mỗi phường Xoan hiện có khoảng 30-100 người. Nam gọi là kép, nữ là đào. Mỗi phường Xoan có một người đứng đầu, nữ hoặc nam, gọi là “Trùm”. Trùm phường là người truyền dạy và tổ chức mọi hoạt động của phường. Họ là người nắm chắc các bài bản và lề lối thực hành hát Xoan, có khả năng tổ chức, vận động các thành viên trong phường và mọi người tham gia; nhiều trường hợp họ tổ chức sinh hoạt và truyền dạy ngay tại nhà.

Hầu hết các trùm phường là những người kế tục Di sản hát Xoan từ bố mẹ, ông bà. Những người giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy các chức năng của hát Xoan ngày nay chính là lớp nghệ nhân thế hệ kế cận ở độ tuổi 30 trở lên. Họ là lực lượng nòng cốt của 4 phường Xoan, tích cực thực hành và truyền dạy cho thế hệ trẻ tại các phường, câu lạc bộ Xoan mới và những khóa tập huấn cho cộng đồng.

Từ sau khi hát Xoan được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của UNESCO năm 2011, toàn bộ quy trình 3 chặng của hát Xoan gồm hát thờ, hát nghi lễ, hát hội đã được phục hồi, hiện đang được thực hành thường xuyên theo đúng tập tục lưu truyền bởi các cộng đồng thuộc hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, tập trung nhất là ở 4 phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu; Thét, Phù Đức và Kim Đái xã Kim Đức, TP.Việt Trì (Phú Thọ).
 

Hát Xoan là một hình thức biểu đạt niềm tin tâm linh sâu sắc có từ xa xưa của người Việt ở hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Đây là phương thức gắn kết các cộng đồng. Họ đến với hát Xoan, cùng nhau trình diễn để giải tỏa bớt phiền muộn, tìm niềm vui trong sự hòa đồng và luôn tôn trọng lẫn nhau. Hát Xoan thể hiện những giá trị tình cảm dân tộc như tập quán, nghi lễ thờ cúng tổ tiên, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, ca ngợi đức hy sinh và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Là nghệ thuật trình diễn hát thờ vua Hùng, vị vua đầu tiên của người Việt, người dân Phú Thọ đã sáng tạo hát Xoan và trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ vua Hùng vào dịp đầu Xuân. “Xoan” có nghĩa là “Xuân”. Một cuộc trình diễn hát Xoan có 3 chặng: Hát thờ với những bài ca ngợi công đức các vua Hùng, Thành hoàng làng; hát quả cách với 14 tiết mục ngợi ca thiên nhiên, con người lao động sản xuất; hát hội với những bài bày tỏ tình yêu đôi lứa. Đặc trưng của hát Xoan là lối hát chuyển giọng, ít âm luyến láy và kết hợp với một số động tác múa mang tính mô phỏng.


Với một tầm nhìn xa và rất sáng tạo, chính quyền tỉnh Phú Thọ đã đi tiên phong trong việc xây dựng đề án bảo tồn hát Xoan, đề ra và thực hiện chính sách tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân các phường Xoan ở Phú Thọ ngay sau khi di sản được vinh danh. Điều đó có ý nghĩa khích lệ to lớn đối với nghệ nhân hát Xoan, đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho Nhà nước ban hành các chính sách, phê duyệt các đề án, dự án bảo vệ hát Xoan, nhanh chóng đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Vào tháng 12 năm 2017, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 đã quyết định đưa hát Xoan ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011 và ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một “cú đúp” thành công ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO../.




 


.