(Báo Quảng Ngãi)- Suốt chiều dài 30 năm phát triển, văn hóa Quảng Ngãi đem lại không ít những thành tựu, nhưng việc phải làm còn rất nhiều, lại nảy sinh những vấn đề mới, đòi hỏi phải có tư duy và hành động mới.
Tháng 7.1989 có thể xem như một bước ngoặt mới, khi tỉnh Quảng Ngãi được tái lập từ tỉnh Nghĩa Bình. Nhưng trước khi nói 30 năm qua, không thể không nói trước đó nữa, tức 13 năm Quảng Ngãi nằm chung với tỉnh Bình Định trong tỉnh Nghĩa Bình, từ 1976 đến 1989.
Du khách tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: TL |
Phải nói rằng, thời gian ở chung tỉnh Nghĩa Bình cơ bản là nằm trong thời kỳ bao cấp, vô vàn khó khăn do cả chiến tranh ở biên giới phía Bắc với Trung Quốc, chiến tranh biên giới Tây Nam với Khmer Đỏ, lại bị bao vây cấm vận, mất mùa đói kém khắp cả nước. Tuy nhiên, anh chị em văn nghệ sĩ lại rất hăng say, không quản ngại khó khăn, lặn lội nhiều nơi để nghiên cứu, sáng tác.
Căn hộ tập thể nhỏ nơi các anh Hà Giao, Nguyễn Thanh Hiện, Đào Văn A, Lương Lu và tôi ở trở thành nơi anh em lui tới, đàm đạo chuyện văn nghệ, dù chỉ nhắm rượu Tây Sơn, rượu Bàu Đá là chính, nhưng cũng từ đó mà cho ra các sản phẩm văn hóa văn nghệ đáng ghi nhận. Tôi nhớ khi ghi lưu bút trong Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn, nhà thơ Xuân Diệu có viết: “Quảng Nghĩa và Bình Định/ Được Nguyễn Huệ ghi công/ Hai phủ thành một tỉnh/ Mang truyền thống anh hùng”.
Hai tỉnh có rất nhiều điểm chung, nhưng quả thực, khi nhập, có những bất tiện, khó khăn rất lớn về địa lý. Chẳng hạn nhạc sĩ Phan Quý (quê Bình Định, đã mất) lặn lội lên địa bàn Trà Bồng, Tây Trà ngày nay để sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc Cor, việc xong anh đi thẳng luôn qua Kon Tum rồi về Quy Nhơn, bởi lẽ đi như thế còn... dễ đi hơn! Kể sơ qua như trên để thấy khi tái lập tỉnh, văn hóa, văn nghệ Quảng Ngãi không phải là con số không, mà đã được phôi thai, định dạng về cơ bản. Chỉ có điều, khi tái lập tỉnh, thì thiết chế văn hóa còn quá đỗi ọp ẹp, nhất là ở cấp tỉnh hầu như chưa có gì, kinh tế Quảng Ngãi vẫn là thuần nông, cơ chế thị trường mới chuyển đổi, chưa thực sự phát huy tác dụng. Tuy vậy, tôi nhớ là mới vừa hình thành bộ máy ở tỉnh, ngành văn hóa tỉnh đã nhanh chóng tổ chức các sự kiện đáng chú ý.
Năm 1989 là kỷ niệm 30 năm khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, tỉnh và huyện đã tổ chức thật tưng bừng lễ hội kỷ niệm, ngay trên đất Trà Bồng. Sở VH - TT khi ấy xuất bản tập ký sự “Bão lửa Trà Bồng” của Nguyễn Hồ, Tuyển tập thơ Tế Hanh (đã chuẩn bị từ trước tái lập tỉnh) và hình thành tập san Văn hóa và Đời sống của Sở, tiền thân của Tạp chí Cẩm Thành về sau. Bộ máy hoạt động văn hóa cấp tỉnh dần dần được bổ sung, các thiết chế văn hóa dần dần được xây dựng.
Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh TL |
Các di tích trong tỉnh như Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu trưng bày và tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn, Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định, Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh, các nhà lưu niệm Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Công Phương, Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Trần Kiên, Trần Quý Hai, Trương Quang Giao cũng được xây dựng, đi liền với lập hồ sơ xếp hạng di tích. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội điện Trường Bà đã được lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Công tác khảo cổ tiếp tục có thành tựu qua các cuộc khai quật Văn hóa Sa Huỳnh ở Lý Sơn, Long Thạnh, Nước Trong, tàu đắm ở Vũng Tàu, Dung Quất. Sức thu hút khách ở các di tích như Sơn Mỹ, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bảo tàng Ba Tơ ngày càng tăng...
Ngay sau khi tái lập tỉnh, Giám đốc Sở VH - TT Bùi Hồng Nhân (đã mất) giao cho chúng tôi xây dựng kế hoạch nghiên cứu và xuất bản về truyền thống văn hóa của quê hương Quảng Ngãi để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh. Nhờ sự cộng tác của một số anh em trong và ngoài ngành văn hóa, nhất là sự nhiệt tình của cụ Lê Hồng Long, nguyên đại biểu Quốc hội khóa I, năm 1992, chúng tôi đã xuất bản cuốn sách Quảng Ngãi – đất nước, con người, văn hóa. Từ đó về sau, hàng loạt sách và công trình nghiên cứu, kỷ yếu hội thảo được xúc tiến và xuất bản. Năm 2009, công trình Địa chí Quảng Ngãi được xuất bản. Các nghiên cứu về dân tộc và miền núi cũng được đẩy mạnh và đạt được những kết quả tốt, góp phần quan trọng trong việc khơi sáng những giá trị văn hóa quý báu của quê hương Quảng Ngãi, để người thời nay kế thừa và phát huy.
Bước sang thời hội nhập quốc tế, nền văn hóa tỉnh nhà vừa có cơ hội lớn, đồng thời đối diện với thách thức cũng không hề nhỏ. Trước tình hình đó, năm 2008 Trung ương ban hành Nghị quyết 23 về phát triển văn học nghệ thuật; năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020. Năm 2014, Trung ương ra Nghị quyết 33 thay thế Nghị quyết Trung ương 5. Năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Ngãi lần đầu tiên ra Nghị quyết 03 về văn hóa. Đó là đường lối, chủ trương để văn hóa tiếp tục phát triển trong hoàn cảnh mới.
Giao lưu cồng chiêng. Ảnh: TL |
Ở Quảng Ngãi, văn hóa cổ truyền các dân tộc tiếp tục được chú trọng bảo tồn và phát huy, trong đó có văn hóa các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong và Kinh. Ở tỉnh và ở các huyện định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca, thi trang phục dân tộc. Các lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc được tổ chức ở nhiều nơi trong tỉnh. Sau mấy năm tham gia lập hồ sơ, Quảng Ngãi cùng các tỉnh miền Trung vinh dự đón nhận bằng di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại đối với nghệ thuật bài chòi do tổ chức UNESCO công nhận.
Tuy vậy, cá nhân tôi cảm nhận rằng hoạt động văn hóa nói riêng, nền văn hóa nói chung của tỉnh nhà vẫn còn nghèo nàn và đang gặp những thách thức vô cùng lớn. Đó là đội ngũ hoạt động văn hóa, nghệ thuật tuy có bước phát triển, nhưng nhìn chung chưa thực sự tinh luyện. Đó là văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một rất cao. Đó là tình hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội nếu có chuyển biến cũng rất chậm; việc xây dựng gia đình văn hóa, thôn khối phố văn hóa vẫn còn mang tính hình thức, ít thực chất... Do đó, việc phải làm còn rất nhiều, lại nảy sinh những vấn đề mới, đòi hỏi phải có tư duy và hành động mới.
CAO CHƯ