(Báo Quảng Ngãi)- Từ thời xa xưa, cứ đêm ngày 23 rạng ngày 24 tháng Chạp, các đình làng, đền, chùa, miếu mạo và các nhà thờ họ trên đảo Lý Sơn lại long trọng tổ chức nghi thức truyền thống dựng nêu để ăn Tết cổ truyền của dân tộc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nghi thức dựng cây nêu ngày Tết (hay còn gọi là lễ trồng đu lên phướn) là phong tục có từ xa xưa của người dân Lý Sơn. Với người dân trên đảo, nghi thức dựng cây nêu trong mấy ngày Tết cổ truyền vừa mang ý nghĩa đuổi quỷ, trừ ma, vừa tỏ lòng biết ơn ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm mới trời yên biển lặng, mùa màng tươi tốt, bội thu, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những năm gần đây, cây nêu còn được người dân Lý Sơn dựng lên trên những con tàu rẽ sóng vươn ra khơi trong chuyến biển đầu năm mới.
Các bậc trưởng lão dựng cây nêu ngày Tết tại nhà thờ Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh. |
Ông Phạm Quang Ry (65 tuổi), hậu duệ của Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh, ở thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn) cho biết: Nghi thức dựng cây nêu Tết được thực hiện vào tối ngày 23 rạng ngày 24 tháng Chạp, thời khắc đó, tất cả các dinh miếu, lăng thờ cá Ông, các nhà thờ họ trên đảo đều đồng loạt gióng trống, khua chiêng làm lễ dựng cây nêu để đón Tết.
Hằng năm, cứ vào dịp cuối năm âm lịch, ngày đưa ông Công, ông Táo về trời, các đình làng, dinh miếu, nhà thờ họ trên đảo phải dựng cây nêu, đây là tục xưa để lại. Cây nêu ngày Tết được làm từ cây tre già, thân cao to, dài khoảng 6 - 7m, thân được sơn màu đỏ. Trước khi dựng nêu, trên ngọn cây nêu được gắn thêm đầu chim phụng, hoặc đầu cá chép được chạm khắc tinh xảo từ gỗ vông, cùng một lá cờ phướn trên đó viết các câu chữ cầu chúc năm mới an lành.
Còn cụ ông Dương Quỳnh (94 tuổi), ở thôn Đông, xã An Hải thì kể: Hồi nhỏ, năm nào tôi cũng theo cha ra dinh miếu trong làng để xem các cụ bô lão dựng nêu ngày Tết. Trước khi dựng cây nêu, các cụ phải làm phép và nghi thức tẩy uế. “Cây nêu phải được cất giữ ở những nơi trang trọng. Chiều 23 tháng Chạp, các bô lão trong làng sẽ mang cây nêu ra tiến hành các nghi thức tẩy uế, trang trí, chờ khi các nghi thức tế lễ được thực hiện xong mới mang ra dựng với nhiều nghi thức đi kèm mang đầy tính tâm linh, với mong muốn Tết đến, Xuân về xóm làng được bình yên, làm ăn phát đạt. Ngoài ra, cờ Tổ quốc được treo trên cây nêu để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ở Hoàng Sa - Trường Sa”, cụ Quỳnh cho biết.
Khi cây nêu được dựng lên, các bô lão trong làng sẽ tiến hành các lễ tế cúng theo phong tục truyền thống với mâm cúng đủ đầy, trong đó không thể thiếu bánh ít lá gai và những sản vật được ngư dân khai thác ở Hoàng Sa - Trường Sa. Đây là dịp để các thế hệ con cháu, họ tộc trên đảo tưởng nhớ bậc tiền nhân có công khai khẩn vùng đất đảo và tri ân cha ông còn nằm lại nơi Hoàng Sa đất mẹ, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh chia sẻ: Theo quan niệm của các cụ cao niên trên đảo, hình ảnh những cây nêu sừng sững, rực rỡ trong nắng xuân thể hiện cho sức xuân đang trỗi dậy trong lòng mỗi người dân. Bởi từ bao đời nay, cây nêu là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày tết Nguyên đán đối với người dân Lý Sơn.
Theo những câu chuyện dân gian còn kể lại đến nay, cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời. Dựng nêu ngày Tết ngoài dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, còn cầu mong năm mới may mắn và mời các vị thần linh, các vị tiền bối về đón năm mới với người dân trên đảo. “Những năm gần đây, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn cũng tổ chức lễ dựng nêu, với mong muốn tai qua nạn khỏi, năm mới việc làm ăn thuận lợi, tàu về tôm cá đẩy khoang”, ông Ninh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: VĂN MỊNH