Tết giọt nước của người Hrê

09:01, 18/01/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tết giọt nước là một lễ thức giàu ý nghĩa đối với đồng bào Hrê. Đây là dịp bà con tạ ơn thần linh, đặc biệt là thần bến nước đã phù hộ cho họ một năm được mùa, no ấm, có nguồn nước dồi dào để ăn uống, sinh hoạt gieo trồng; xin ơn trên ban cho mọi người sức khỏe, cuộc sống ấm no, nhà nhà an bình. Đồng thời đây là dịp bà con chung tay chăm sóc, vệ sinh nguồn nước, sửa soạn bước vào một vụ mùa mới, mà theo lịch của đồng bào cũng là một năm mới.
TIN LIÊN QUAN

Trong số các dân tộc ít người anh em sinh sống lâu đời ở vùng rừng núi phía tây các tỉnh ven biển miền Trung, người Hrê là một dân tộc có những nét riêng biệt về địa bàn cư trú, phong tục, tập quán, lễ hội. Người Hrê sống chủ yếu ở vùng triền núi thấp, ven thung lũng phía tây tỉnh Quảng Ngãi; số ít còn lại sống ở vùng Konplông (Kon Tum), An Lão (Bình Định).
 
Vào mùa ở xã Ba Tô (Ba Tơ).
Vào mùa ở xã Ba Tô (Ba Tơ).

Tập quán sống định cư (chỉ dời làng khi có hoả hoạn, dịch bệnh), rào vườn theo từng hộ gia đình, hệ thống tổ chức làng (plây) khá quy củ, lấy việc canh tác lúa nước làm nguồn sống chủ yếu, có kinh nghiệm lâu đời ngăn đập bổi đưa nước vào ruộng, việc trao đổi hàng hoá, nông thổ sản, tiếp xúc thường xuyên với người Kinh... là những dấu hiệu cho thấy có khả năng đồng bào Hrê vốn sinh sống ở những vùng thấp hơn, nhưng sau đó di chuyển dần lên vùng cao phía tây.

Hằng năm, vào khoảng cuối đông, chớm xuân, sau mùa gieo trồng, cấy hái và chuẩn bị đón Tết cổ truyền, đồng bào Hrê lại có tục tổ chức tết giọt nước, hay còn gọi là lễ cúng bến nước để tạ ơn ông trời (Giàng), thần mưa Yhoắt cùng hai vị thần phù trợ là Voray (gió mưa) và Pychuy (sấm sét), tổ tiên (vaha) và các thần linh khác; cầu xin ơn trên phù hộ cho nguồn nước dồi dào để ăn uống, sinh hoạt; bà con buôn làng khỏi ốm đau, bệnh tật, mùa màng tươi tốt, súc vật lớn nhanh, trâu bò khỏe kéo cày.

Với đồng bào Hrê, nguồn nước là nơi nữ thần Vada ngự trị, nơi giữ linh hồn của con người, gia tài và súc vật của làng. Đây chính là dịp bà con bày tỏ lòng tri ân đối với nguồn nước, vì đã giúp cho họ qua một mùa cày cấy, gieo hạt được mùa, đồng thời gửi lời kính cẩn mời thần nước về ăn tết H’Tend cùng với dân làng. Theo tín ngưỡng, tết giọt nước cũng là dịp tẩy trừ mọi xui xẻo, rủi ro của năm cũ, cầu mong đón năm mới vạn sự tốt lành, an bình, no ấm.

Trước đây, bến nước (H’loong) là vũng nước trong mát ở cạnh bờ sông, bờ suối hoặc khe nước từ núi chảy ra, thường có bóng cây râm mát mà dân làng chọn để dùng làm nơi lấy nước. Ngày nay, bến nước có khi là bể chứa hoặc một công trình nước sạch được dẫn từ thượng nguồn về. Trong lễ cúng bến nước của người Hrê, một người có vai trò đặc biệt quan trọng là pa dâu (thầy cúng). Người được dân làng tin tưởng giao nhiệm vụ “giao tiếp” cùng thần linh.

Trước khi tiến hành nghi lễ cúng, các già làng họp nhau ở nhà chủ làng (Prak Play) để bàn bạc, rồi thông báo với dân làng để cùng nhau chuẩn bị cho mọi việc chu toàn. Trai tráng được giao làm vệ sinh bến nước; phụ nữ, người già dọn dẹp nhà cửa, đường sá, mỗi người đều đóng góp sức người, sức của cho lễ cúng. Lễ diễn ra vào xế chiều khi mặt trời nghiêng dần xuống núi, cả làng đã tập trung tại bến nước.
 
Lễ cúng bến nước.
Lễ cúng bến nước.

Lễ tết giọt nước gồm hai phần: cúng tại bến nước và cúng rượu cần tại nhà già làng. Theo đó, cúng tại bến nước có các lễ vật gồm: rượu, trầu cau, một con gà trống màu trắng hoặc con heo. Khi tiến hành lễ cúng, thầy cúng cúng gà trước. Sau đó, thầy đốt nhoi Clâu (một loại trầm hương lấy từ rừng già) để xua đi u ám, rủi ro, bệnh tật cho dân làng.

Để cùng thầy cúng gửi gắm những điều mong ước đến với thần linh, dân làng đeo sợi dây chỉ vào cổ thầy và cùng đưa tay về phía trước nơi có khói hương nghi ngút cầu xin thần linh chứng giám lời cầu nguyện. Những vị thần linh được tôn xưng gọi về để cúng dâng lễ vật là Yàng Rét (thần nước), Yàng Giang (thần sông), Yàng Gông (thần núi). Cúng xong, thầy cúng cùng một số người đưa sợi dây, mang theo trầu cau làm lễ vật xuống nước tạ ơn Yàng Rét và xin Yàng phù hộ những điều tốt lành đến cho dân làng. Đây là giây phút chờ đợi linh thiêng nhất của lễ cúng.

Thầy cúng tiếp tục rải gạo dâng cho thần linh xung quanh bến nước và hỏi các vị thần linh đã chấp nhận lễ vật và tấm lòng của dân làng bằng cách xin keo. Nếu hai thanh cây mà một úp, một ngửa tức là thần linh đã nhận lễ. Sau đó, thầy yêu cầu mọi người đưa hai tay về phía trước với ý nghĩa xua đuổi tà ma, điều xấu, cầu mong bước sang năm mới gặp nhiều may mắn.
 
Sau khi cúng xong, mọi người được phép lấy nước về nhà già làng còn thanh niên trai gái trong làng đến bến nước rửa tay chân, rửa mặt. Xong lễ cúng, một già làng sẽ dùng một nhánh cây cắm trước bến nước nhằm báo hiệu bến nước đã cúng và ngăn không cho thú dữ, rắn rết quậy phá bến nước thiêng, tấn công dân làng.

Tiếp theo lễ cúng tại bến nước, thầy cúng dẫn bà con trở về  nhà già làng làm nghi lễ cúng rượu cần. Già làng chọn một ống nước đổ vào ché rượu cho thầy cúng. Những người được uống rượu đầu tiên là thầy cúng, già làng, người có uy tín trong làng.    

   Bài, ảnh: Lê Hồng Khánh



 

.