(Báo Quảng Ngãi)- Cây nêu và bộ gu là hai đồ vật linh thiêng không thể thiếu trong lễ hội ăn trâu của đồng bào dân tộc Cor. Nghệ thuật tạo hình cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor khá độc đáo, khác lạ so với các dân tộc khác, thể hiện sự tinh túy trong nghệ thuật tạo hình dân gian ở khu vực Trường Sơn và vùng Tây Nguyên rộng lớn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư (hiện là Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL) bảo rằng: “Càng đi sâu nghiên cứu càng bị cuốn hút bởi di sản văn hóa của dân tộc Cor, có rất nhiều điểm độc đáo, thú vị mà các dân tộc khác không hề có, tiêu biểu là cây nêu và bộ gu”.
Nét độc đáo từ cây nêu
Tạo hình ở gốc cây nêu phướn. Bên cạnh là cây nêu phụ. Ảnh: Cao Văn |
Trong lễ hội ăn trâu, đồng bào dân tộc Cor quay quần quanh cây nêu buộc trâu cúng thần. Trụ nêu được làm bằng cây chò, các thân, ngọn làm bằng lồ ô. Đơn giản nhất là loại nêu gâk xa xje, làm bằng cây chò, để nguyên cành lá dựng lên làm nêu, chỉ có nài buộc trâu được đan kỹ lưỡng và tạo hình đẹp mắt. Nêu gấk pa-lay đu, tiếng Cor có nghĩa là cây nêu có quả đu đủ, trên đầu nêu có treo hàng chục quả đu đủ làm bằng gỗ, với ước nguyện cho cuộc sống đủ đầy.
Nêu gấk cót kjá là hình thức nêu trong lễ hội ăn trâu cúng ông bà. Cây nêu cao khoảng 5m, thường gọi là nêu chuối, vì đầu nêu có hình bắp chuối. Từ gốc lên tới ngọn nêu đều có hoa văn; giữa thân nêu có mâm thần làm bằng miếng gỗ tròn với hoa văn trang trí như hình tia nắng mặt trời; phía trên mâm có 4 chiếc “rựa ma”, với mào đỏ bên trên tựa như mào gà. Khoảng nửa trên của trụ nêu được chia thành ba khấc, ở mỗi khấc được gắn 4 tai ngang vuông góc với thân nêu, nhưng với kiểu cách khác nhau...
Tuy nhiên, trong tâm thức người Cor, cây nêu đẹp nhất là nêu gấk xa cô, còn gọi là nêu thượng, vì loại nêu này rất cao. Cây nêu cao đến 9 tầng, được trang trí tỉ mỉ, rực rỡ. Khi ăn trâu nêu xa cô bắt buộc phải có gu thờ trong nhà. Đặc biệt, trên đầu nêu có hình tượng chim chèo bẻo. Chim chèo bẻo trong ý tưởng của người Cor là hiện thân của điềm lành. Ngoài ra, người Cor còn có nêu gấk đlu (nêu dù); nêu gấk xa glák (nêu phướn)...
"Sở VH-TT&DL đang xây dựng hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với nghệ thuật tạo hình cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor".
|
“Ngôn ngữ riêng” của người Cor
Một kiểu gu bla của dân tộc Cor. Ảnh: Cao Văn |
Theo ông Cao Văn Chư, gu là một thứ “ngôn ngữ riêng” trong lễ hội ăn trâu của người Cor, mà gần như không có ở các dân tộc khác. Bộ gu do người Cor tạo tác rất độc đáo. Thông thường một bộ gu gồm có 4 chiếc. Gu bla treo ở giữa nhà, trên gu có con đại bàng là tâm điểm của nghi thức trong nhà. Ở cửa ra vào có gu moka-tứl; ở cửa vào bếp có gu mók tum; trên gian bếp có gu tum.
Trong lễ hội ăn trâu của người Cor, với nêu dù, nêu đu đủ, nêu phướn, nêu thượng, thì bắt buộc trong nhà phải có gu. Người Cor quan niệm, gu là một loại “nêu trong nhà” để giao hòa với thần linh. Ăn trâu là thời điểm thần linh lưu lại ở trong nhà nên phải trang trí đẹp đẽ để thần hài lòng. Gu trong nhà được làm bằng cây pút, gỗ mềm và mịn để khắc vạch kết hợp với việc treo các tua bông xơ bằng vỏ cây búp... Đối với gu bla (gu tròn) gồm một trụ cây vuông có hai tầng, mỗi tầng gắn 8 “tai gu”. Trên trụ vuông có chia ra nhiều ô trang trí, trên 16 mặt của 8 “tai gu” trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt. Cũng giống như cây nêu ngoài sân, gu bla cũng là tâm điểm hành lễ ăn trâu của người Cor.
Ông Cao Văn Chư cho biết thêm: Nghệ thuật tạo hình của người Cor chủ yếu là khắc vạch phối hợp với tô màu. Hoa văn chủ yếu thể hiện trên công cụ lao động và trên các đồ cúng. Nghệ thuật tạo hình chủ yếu dùng đường nét trên một nền màu có sẵn, hoặc màu tô.
Đồng bào Cor đánh cồng chiêng kết hợp múa cà đáo trong lễ hội Điện Trường Bà. Ảnh: T.L |
Phương thức tạo hình của người Cor gồm cả 3 lối thức: Tả thực, cách điệu và văn hình học. Hình ảnh tả thực như hình chòi lúa một cột, hình lấy mật ong, hình khiêng heo rừng đi săn về, mặt trời, mặt trăng... Những hình ảnh cách điệu được sử dụng nhiều nhất là hình cây hoa pnon, hình cây hoa ba tầng...
Đặc biệt, văn hình học thể hiện khá nhiều trên cây nêu và bộ gu của người Cor. Văn hình học mà người Cor thường sử dụng là hình tròn, vuông, tam giác, thoi, bán nguyệt với nhiều phương án biến tấu khác nhau từ đường nét đến màu sắc, vô cùng phong phú và đẹp mắt. “Việc tạo hình đối với người Cor không đơn thuần để cho đẹp mắt, mà là sự gửi gắm ước nguyện đến thần linh, cầu mong thần linh phù hộ để cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Cao Văn Chư nhấn mạnh.
PHƯƠNG LÝ