(Báo Quảng Ngãi)- Thành phố Quảng Ngãi là trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của tỉnh, có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, với nhiều di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh phân bố đều bên sông, bên biển... Thế nhưng, điều đáng tiếc là tiềm năng này chưa được phát huy tương xứng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thành phố Quảng Ngãi hiện có 35 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia. Mỗi di tích là một câu chuyện dài về lịch sử, văn hóa hấp dẫn du khách đến tham quan, tìm hiểu nếu được quảng bá, khai thác một cách hợp lý. Với di tích quốc gia Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán, nơi đây không chỉ sở hữu một công trình kiến trúc độc đáo được bố trí theo trục đạo: Tam quan, bình phong, lăng mộ, cột cờ đền thờ, mà còn có cả câu chuyện huyền thoại về công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta.
Thành phố Quảng Ngãi sớm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng để giữ chân du khách. |
Trên địa bàn TP.Quảng Ngãi còn có di tích Nhà lao Quảng Ngãi, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, là nơi minh chứng cho sự tàn bạo của thực dân, đế quốc; tinh thần dũng cảm, kiên cường của những chiến sĩ cách mạng, quyết không khuất phục quân thù, là điểm đến để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Thành phố tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ, gắn với quy hoạch chung của thành phố, như kêu gọi đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí; khuyến khích người dân kinh doanh một số ngành hàng, sản phẩm đặc sản của Quảng Ngãi trên các tuyến phố trung tâm, hoàn thành một số tuyến phố thương mại, đi bộ, gắn kết với mua sắm, ẩm thực về đêm... nhằm thu hút khách đến tham quan và mua sắm.
|
Dọc hai bên bờ sông Trà còn có những di tích, danh lam thắng cảnh mê hoặc lòng người. Trong 12 thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Ngãi xưa thì TP.Quảng Ngãi "ôm trọn" 5 thắng cảnh. Giữa lòng thành phố có thắng cảnh Thiên Bút – phê vân (bút trời viết lên mây). Núi Bút tượng trưng cho văn khí của Quảng Ngãi, trên đỉnh núi còn dấu tích một đền tháp Chăm cổ. Qua phía bờ bắc sông Trà Khúc có di tích Thiên Ấn niêm hà. Cũng bên dòng sông Trà Khúc thơ mộng còn có di tích Long đầu hý thủy (đầu rồng giỡn nước). Xuôi về phía biển có thắng cảnh Cổ Lũy cô thôn, hay Thạch ky điếu tẩu (ông già câu trên ghềnh đá)...
Đặc biệt, trên địa bàn TP.Quảng Ngãi có Khu chứng tích Sơn Mỹ, là điểm đến của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài ra, TP.Quảng Ngãi còn có bãi biển Mỹ Khê, rừng dừa nước tuyệt đẹp và nhiều đặc sản như cá bống sông Trà, bò khô, kẹo gương, đường phèn, đường phổi...
Trên địa bàn thành phố hiện có 47 khách sạn, 68 nhà nghỉ, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Trong những năm qua, TP.Quảng Ngãi đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; trùng tu, tôn tạo các di tích để tạo điểm đến cho khách du lịch... Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của thành phố chưa được khơi dậy, chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù, chưa có bản đồ du lịch...
Di tích quốc gia Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán chưa phát huy giá trị của di tích để phát triển du lịch. |
Trưởng Phòng VH-TT TP.Quảng Ngãi Phạm Thị Phương Nhung cho rằng: Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhất là hạ tầng du lịch trên địa bàn thành phố triển khai chậm; phần lớn các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thuộc loại nhỏ, năng lực quản lý còn thấp. Đội ngũ nhân lực du lịch hạn chế về trình độ, kỹ năng. Năng lực cạnh tranh còn thấp, bởi dịch vụ chưa đa dạng, cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển, chất lượng dịch vụ còn kém, sản phẩm du lịch ít phong phú... Chính vì vậy, TP.Quảng Ngãi chưa tạo sức hút để du khách kéo dài thời gian lưu trú, tỷ lệ du khách quay lại lần hai còn thấp.
Một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần phải thể hiện rõ vai trò định hướng, hỗ trợ xúc tiến các tour du lịch đô thị, bảo đảm sự kết nối giữa các công ty lữ hành, kết nối vùng với các điểm đến, làng nghề, đơn vị biểu diễn nghệ thuật...
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN