(Báo Quảng Ngãi)- "Gọi gió qua làng" là tập thơ thứ hai của Bùi Tấn Xương, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Ngãi, giáo viên Trường THCS Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), vừa được Hội VHNT Quảng Ngãi ấn hành. Tập thơ có 48 bài thơ, với hơn 90 trang in, phần lớn là những cảm xúc đằm thắm, dịu dàng về làng quê, về những vùng đất mà anh đã đi qua, về những con người mà anh đã từng gặp...
Lật giở trang đầu tập thơ "Gọi gió qua làng", hình ảnh người mẹ "Một đời nhọc nhằn" hiện ngay trước mắt người đọc. "Một đời mẹ nghèo áo cơm tất bật/ Cố lo cho con bằng bạn bằng bè/ Mẹ quên hết những vui buồn sướng khổ/ Những được mất của con là tất cả cuộc đời mình." (Mẹ ơi). Bài "Mẹ ơi" có một cách viết khác lạ, các câu thơ được viết liền nhau không xuống dòng. Phải chăng cảm xúc đang tuôn trào, hay anh muốn cách tân thơ mình?
Hình ảnh người mẹ luôn được anh khắc họa với những lời thơ nồng nàn, sâu đậm: "Mẹ gánh nỗi buồn cong lệch nón mê/ Đòn gánh hai đầu mấu sứt/ Giữa thân đòn vết lõm mòn sâu/ Vết mòn hằn dấu thịt da/ In hình tuổi tác/ Và mẹ tôi phơ phơ tóc bạc" (Chim gáy ban trưa).
Nghĩ đến mẹ, Bùi Tấn Xương lại nhớ đến người cha với những "Giọt mồ hôi văng tứ tung đồng bãi". "Cha đi cày từ độ trước hừng đông/ Lưỡi cày sáng choang như mặt trời/ Cày sâu vào lòng đất/ Những đường cày dài suốt mấy nghìn năm/ Đôi tay chai sần ghì trên cây cày lên nước/ Và cha cười khuôn mặt rạn chân chim" (Chim gáy ban trưa).
Bài thơ đã gợi lên trong lòng người đọc một cảm xúc rưng rưng. Ai đã từng sống trong những năm khó khăn của đất nước sau chiến tranh, mới cảm nhận hết được những gian khó của mẹ cha.
Hình ảnh người cha, người mẹ trong thơ Bùi Tấn Xương gắn liền với hình ảnh làng quê. Làng quê của Bùi Tấn Xương trong ký ức thật nghèo nhưng thơm thảo. Giờ đi xa anh vẫn da diết nhớ về: "Câu hát tháng ba gọi gió qua làng/ Thậm thịch chày đôi chờ đêm trăng sáng/ Xao xác hoa cau lối mòn tĩnh lặng/ Con đò nằm thao thiết bến sông Ngang/ ...Câu hát dập dềnh bóng nước trên sông/ Theo năm tháng vuốt ve miền lận đận/ Cho vấn vít mối tình thương khó/ Nuôi thảo thơm trang trải nợ nần" (Gọi gió qua làng).
Đọc bài thơ này người đọc nhận thấy mạch cảm xúc của Bùi Tấn Xương đang tuôn chảy một cách nhẹ nhàng không gượng ép như thể tấm lòng của anh đang rưng rưng cảm xúc khi nghĩ về làng quê, về tuổi thơ những năm tháng nhọc nhằn nhưng mà vui, với những trò chơi bơi lội trên sông.
Ký ức ấy anh khắc ghi mãi đến giờ: "Ơi chuồn chuồn bay ngang/ Ơi chuồn chuồn bay dọc/ Cắn rốn từ ấu thơ/ Đau mãi đến bây giờ" (Cánh chuồn tuổi thơ). Vui nhất, đẹp nhất là tuổi mười bảy: "Trăng mênh mang qua nhà ai/ Trong giấc mơ có nụ hôn dài/ Có sắc phượng thoáng em về trong ẩn hiện/ Lòng bâng khuâng không hẹn những sớm mai/ ...Thời mười bảy/ Chỉ một thời mười bảy/ Mà tương tư cho đến lớn đến già" (Về với thời mười bảy).
Tình cảm của Bùi Tấn Xương đối với quê hương, đất nước luôn là nguồn cảm hứng để anh sáng tạo. Viết về đảo Lý Sơn anh đã dành những từ ngữ trang trọng: "Đảo Lý Sơn mảnh đất tiền tiêu/ Của đội hùng binh mấy nghìn năm trước/ Đã rong ruổi cùng những cánh buồm xuôi ngược/ Mở rộng biên cương lãnh hải Tiên Rồng/ ...Tỏi Lý Sơn đi đến nơi đâu/ Cũng là niềm tự hào của người dân Cù Lao Ré/ Quê hương tôi bạn một lần đã ghé/ Không bao giờ quên đảo tỏi Lý Sơn" (Lý Sơn đảo tỏi).
Tập thơ "Gọi gió qua làng", với ngôn ngữ bình dị, ẩn chứa sự chiêm nghiệm đường đời, chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng cho bạn đọc.
Bài, ảnh: PHẠM VĂN HOANH